Kỹ thuật nuôi tôm sú xen cá đối nục
TH
1. Chuẩn bị ao nuôi
1.1. Điều kiện ao nuôi
- Diện tích ao 2.000 - 5.000 m2
- Bờ ao chắc chắn, không bị rò rỉ, giữ được mức nước trong ao ổn định. Bờ phải cao hơn mức nước cao nhất trong ao tối thiểu 0,3m
- Có cống cấp và cống thoát riêng biệt.
- Nguồn nước cấp vào phải chủ động, không bị ô nhiễm
- Độ sâu của ao: 1,5 - 1,8 m (mức nước 1,2 - 1,5 m)
- pH đáy ao > 5,5, pH nước: 7,5 - 8,5
- Oxy hòa tan : 4 - 9 mg/l
- S0/00: 5 - 300/00
- Chất đất: Có thể nuôi được ở mọi nền đáy, tốt nhất là đáy cát, bùn pha cát hoặc cát sỏi. Nền đáy không bị rò rỉ, thẩm lậu.
- Giao thông thuận tiện, có nguồn điện phục vụ cho sản xuất.
2. Cải tạo ao
2.1 Đối với ao mới xây
Sau khi xây dựng xong ao, cho nước vào ao ngâm 2 - 3 ngày, sau đó xả hết để rửa ao. Tốt nhất nên thau rửa 2 - 3 lần như trên. Bón vôi để cải tạo đáy. Lượng vôi tuỳ thuộc vào độ pH của đất:
- Nếu pH 6 - 7: dùng 300 - 600 kg/ha.
- Nếu pH 4,5 - 6: dùng 600 - 1.000 kg/ha.
Vôi thường dùng để cải tạo: Vôi bột (CaCO3), vôi tôi Ca(OH)2 có tác dụng diệt khuẩn cao. Trong quá trình nuôi để điều chỉnh pH của nước nên dùng Dolomite (vôi đen) hoặc bột đá.
Sau khi rải vôi có thể cày lật úp mặt đáy để vôi có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với đất đáy ao tăng tác dụng diệt khuẩn và khử chua đối với đáy ao. Phơi ao 7 - 10 ngày (tùy điều kiện thời tiết) tiến hành đưa nước vào ao qua lưới lọc.
2.2. Đối với ao cũ
- Sau khi thu hoạch tôm, xả hết nước cũ, nạo vét bùn đáy, tiến hành bón vôi, cày lật (nếu có điều kiện) phơi đáy 10 - 15 ngày cho phân huỷ hết chất hữu cơ, khí độc và những sinh vật gây bệnh cho tôm.
- Với ao không tháo kiệt được nước phơi đáy thì dùng phương pháp cải tạo ướt. Dùng bơm sục đáy ao và tháo tẩy rửa chất thải sau đó bón vôi. Sau khi cải tạo ao đưa nước vào để gây màu.
- Tất cả các ao lắng, ao xử lý, ao ương đều cải tạo đúng như ao nuôi. Đồng thời lưu ý với ao có độ phèn cao thì không phơi nắng khi cải tạo để tránh xì phèn.
2.3. Diệt tạp
Sau khi cải tạo đáy ao, lấy nước vào ao qua lưới lọc, để 2 - 3 ngày cho các loại trứng theo nước vào ao nở thành ấu trùng hoặc địch hại của tôm rồi tiến hành diệt tạp.
- Diệt tạp bằng Saponin: Lượng dùng: 15 - 20 kg/1000 m3 tác dụng diệt tạp, diệt các loại ký sinh hay gây bệnh, làm sạch môi trường trong nước, chỉ thả tôm sau khi sử dụng Saponin 4 ngày.
- Diệt tạp bằng Thuốc tím (KmnO4): Liều dùng 4 - 5 g/m3 nước, quạt nước kết hợp với phơi nắng sau 24 giờ là có thể sử dụng được.
- Diệt tạp bằng Aquadine 0,3 lít/1.000 m3 hoặc Lasan - BKC 80 0,4lít/1.000 m3, quạt nước kết hợp với phơi nắng, khoảng 3 ngày có thể sử dụng được.
2.4. Bón phân gây màu
- Các loại phân dùng để gây màu:
+ Phân hữu cơ gồm: phân chuồng, gà, trâu, bò, khi bón phân phải được ủ mục.
+ Phân vô cơ: Lân 0,2 kg/100m3 + urê 0,1 kg/100m3. Nên bón phân vào 9 - 10 giờ sáng. Lượng phân bón trên có thể chia ra 2 - 3 ngày bón.
* Sau khi bón phân 2 - 3 ngày, sinh vật phù du phát triển, độ trong đạt 40 - 50 cm nước có màu xanh nõn chuối hoặc vàng nâu là tốt nhất cho việc thả tôm.
+ Dùng một số chế phẩm sinh học chuyên dùng cho gây màu (theo hướng dẫn của nhà sản xuất)
3. Chọn và thả giống
3.1 Chọn giống:
* Yêu cầu tôm giống
- Con giống thả nuôi phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được mua từ các cơ sở cung cấp giống đã được các cơ quan có thẩm quyền chứng nhận.
* Kiểm tra cảm quan:
- Cấu tạo ngoài hoàn chỉnh, không dị hình; các phần phụ nguyên vẹn, râu thẳng, đuôi xòe; thân có màu sáng, vỏ bóng mượt; bơi lội sát thành bể với tốc độ chậm và phản ứng nhanh khi có tác động đột ngột về tiếng động hoặc ánh sáng.
- Tôm có phản ứng nhạy với kích thích bên ngoài, bơi thẳng và có khuynh hướng bơi ngược dòng.
- Thức ăn trong ruột đầy liên tục.
* Kiểm tra sức khỏe tôm giống bằng cách gây sốc:
+ Sốc độ mặn: Lấy 40 - 50 con tôm giống cho vào bát tô, cốc thủy tinh chứa 300 ml nước lấy từ bao vận chuyển giống. Hạ độ mặn đột ngột xuống còn 0 ‰ và theo dõi trong 30 phút, nếu tỷ lệ sống 100% là đạt yêu cầu.
+ Sốc bằng formol: Thả 40 - 50 con tôm giống vào bát tô, cốc thủy tinh đựng dung dịch formalin nồng độ 100 ppm và theo dõi trong 30 phút, nếu tỷ lệ sống 100% là đạt yêu cầu.
Xét nghiệm các mầm bệnh: Đốm trắng, đầu vàng, bệnh phát sáng.... Kết quả âm tính đối với các loại bệnh trên.
* Yêu cầu cá giống
Chọn cá khoẻ mạnh, không dị hình, dị tật, không có dấu hiệu bệnh lý. Cá đồng đều, cân đối, không bị xây xát, không mất nhớt, bơi lội nhanh nhẹn, bơi chìm trong nước theo đàn. Cá giống trước khi thả cần phải được tắm cho cá bằng nước ngọt hoặc tắm bằng dung dịch formol nồng độ 50 - 100 ppm, trong thời gian từ 15 - 25 phút có kết hợp sục khí.
- Thời vụ, mật độ thả:
+ Thời vụ nuôi: Theo lịch thời vụ hàng năm của từng tỉnh
+ Mật độ thả: Mật độ nuôi ghép nên thả ở mức sau: Tôm sú: 7 – 15 con/m2; Cá đối mục: 1 con/m2. Sau khi nuôi tôm được 1 tháng thì mới tiến hành thả cá đối mục.
Ở Quảng Nam nuôi tôm sú xen cá đối nục với mật độ: Cá đối mục: 1,5- 2 con/m2- kích cỡ 5- 6 cm, Tôm sú: 5- 6 con/m2- kích cỡ P35-40.Để tôm sú giống đạt kích cỡ P35-40, chúng ta tiến hành ương tôm P15 trong thời gian 20- 25 ngày ở ao riêng, sau đó kiểm tra kỹ số lượng để chuyển vào nuôi ghép.
3.2. Phương pháp thả giống
- Thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, thả đầu hướng gió tạo điều kiện cho tôm, cá phân bổ đều khắp ao.
- Cân bằng nhiệt độ nước giữa bao giống và nước ao nuôi bằng cách thả nổi bao giống trên mặt ao 15 - 20 phút. Sau đó, cho nước từ từ vào bao cho tôm, cá bơi ra ngoài ao nuôi.
4. Chăm sóc và quản lý
4.1.Chế độ cho ăn
Chỉ cho ăn đối tượng chính là tôm sú, cho ăn 2 - 4 lần/ngày tùy theo mật độ thả. Khẩu phần cho ăn từ 2 - 5% trọng lượng thân , sử dụng thức ăn viên theo giai đoạn phát triển của tôm
* Một số điều cần lưu ý khi cho tôm ăn
- Rải đều thức ăn xung quanh bờ. Nếu ao có diện tích lớn thì nên dùng xuồng để rải thức ăn đều trong ao hồ.
- Vó (nhá) kiểm tra thức ăn luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, thời gian hết thức ăn mang vó lên phơi nắng để diệt khuẩn.
- Điểm bố trí vó thức ăn không nên bố trí xung quanh vùng lấy nước vào và tháo nước ra, hoặc xung quanh máy quạt nước, nhằm kiểm tra chính xác lượng thức ăn còn dư trong vó (nhá).
- Vào những ngày khí hậu nóng bức, ban ngày tôm giảm ăn nên điều chỉnh lượng thức ăn xuống cho phù hợp.
Hằng ngày vào sáng sớm, kiểm tra sức khỏe tôm, cá. Thường xuyên kiểm tra môi trường nước, tốc độ phát triển của tôm, cá để có những biện pháp xử lý kịp thời.
4.2. Quản lý
- Kiểm tra lượng thức ăn hàng ngày để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp.
- Duy trì độ sâu của nước trong ao thường xuyên ở mức từ 1 - 1,5 m.
- Tăng số giờ quạt nước theo giai đoạn phát triển của tôm
- Thay nước theo định kỳ (1 tháng/lần), mỗi lần thay không quá 30%
- Quan sát, đo các chỉ tiêu hóa lý, kiểm tra dịch bệnh và tình trạng sức khỏe của tôm, cá theo định kỳ.
5. Phòng bệnh tổng hợp
Trong quá trình nuôi cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp:
+ Làm sạch môi trường nước và ao nuôi:
- Nguồn nước lấy vào ao phải sạch.
- Trước khi thả phải cải tạo ao đúng quy trình kỹ thuật
- Sử dụng một số chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi.
+ Tăng sức đề kháng cho tôm, cá:
- Chọn giống phải khoẻ mạnh, kích cỡ đồng đều, không dị hình.
- Thường xuyên bổ sung Vitamin và khoáng chất vào thức ăn.
- Tránh không làm tôm, cá bị sốc.
+ Ngăn ngừa bệnh:
- Chọn con giống đã qua kiểm dịch.
- Tuân thủ lịch mùa vụ.
- Không thả cỡ tôm, cá quá nhỏ, không nên nuôi với mật độ quá dày.
- Định kỳ dùng vôi rải quanh bờ và xuống ao nuôi.
6. Thu hoạch
Mô hình nuôi tôm sú xen cá đối nục
- Sau thời gian trên 4 tháng nuôi, tôm sú đạt kích cỡ thương phẩm có thể tiến hành thu tỉa tôm. Tiếp tục chăm sóc cá đến lúc đạt kích cỡ thương phẩm. Với thời gian nuôi tôm sú là 3 tháng, cá đối mục là 6 tháng có thể thu hoạch.
- Nếu tôm, cá đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch toàn bộ.
- Trước khi thu hoạch cần theo dõi chu kỳ lột xác của tôm và hạn chế thu khi tôm còn mềm vỏ để tránh tình trạng tôm bán bị rớt giá. Có thể sử dụng một số khoáng tạt giai đoạn này để giúp tôm nhanh cứng vỏ, bóng đẹp trước khi thu 10 ngày như (Lasan khoáng, Premix A ...)
Tài liệu tham khảo
Theo Trung tâm khuyến nông Nghệ An
- Giải pháp tăng năng suất nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp
- Kỹ thuật nuôi xen ghép tôm sú - cua - cá đối trong rừng ngập mặn
- Quy trình kỹ thuật nuôi tôm sú quảng canh cải tiến
- Kỹ thuật ương tôm sú trong mô hình nuôi hữu cơ
- Kỹ thuật nuôi tôm sú kết hợp cá đối mục và cua
- Làm gì để phục hồi đáy ao tôm lâu năm bị “lão hóa”
- Vèo tôm giống thế nào cho đúng?
- Bệnh đốm trắng và công nghệ nuôi tôm nhằm phòng, chống
- Xu hướng sử dụng hệ thống lắng lọc trong nuôi tôm thâm canh
- Quản lý thức ăn trong nuôi tôm sú thâm canh