Kỹ thuật ương tôm sú trong mô hình nuôi hữu cơ
Thái Thuận
Giải pháp tối ưu
Thời gian vừa qua, trong định hướng thị trường ngành tôm, ngoài nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng hình thức nuôi thâm canh, siêu thâm canh, thì tôm sú sinh thái, tôm - rừng, tôm - lúa và tôm quảng canh cũng được xem là thế mạnh của ngành tôm. Trong các mô hình này, tôm giống thường được mua về từ các trại sản xuất giống sau đó thả thẳng xuống các vuông, đầm nuôi. Tuy nhiên, cách thả giống theo truyền thống này tồn tại một số nhược điểm. Tỷ lệ sống của tôm thường thấp do chất lượng tôm giống kém. Hơn nữa, khi thả giống với kích thước nhỏ (cỡ PL 12 - 13) vào các ao nuôi, tôm giống sẽ bị cá ăn gây hao hụt rất lớn. Bởi ở hình thức nuôi này, người nuôi sẽ không tiêu diệt các loài cá vì nó là nguồn thức ăn cho cua - đối tượng thường được nuôi kết hợp với tôm sú. Từ những lí do trên mà đại đa số hộ nuôi đã thả nhiều đợt và tăng số lượng con giống trong các đợt thả với hy vọng số lượng tôm còn lại sẽ đảm bảo sản lượng và thu nhập. Thế nhưng, việc này sẽ làm tăng nguy cơ mất kiểm soát về mật độ thích hợp, dẫn đến tôm chậm lớn, kích thước nhỏ. Trong khi đó, nếu mua tôm giống cỡ lớn thì chi phí quá lớn, giảm hiệu quả kinh tế.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học đã đưa ra giải pháp ương tôm trong giai lưới hoặc các bể bạt đặt ngay trong ao nuôi. Giải pháp này mang lại hiệu quả cao, giảm chi phí cho người nuôi. Trước hết, khi ương giống sẽ ngăn chặn được hiện tượng sốc nhiệt của tôm do sự khác biệt về điều kiện sống như môi trường, thức ăn ở trại sản xuất và ao nuôi. Ngoài ra, trong mô hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, ở giai đoạn 20 - 25 ngày đầu rất khó kiểm tra tỷ lệ sống của tôm nếu người nuôi thả giống trực tiếp xuống vuông nuôi. Nhiều trường hợp khi phát hiện, tôm đã chết hết thì quá trễ, nếu thả giống bù sẽ không kịp thời vụ và giảm hiệu quả kinh tế. Vì vậy, ương tôm sẽ hạn chế được nhược điểm này. Nếu trong quá trình ương, tôm giống xảy ra sự cố sẽ dễ dàng nhận biết và có kế hoạch thả bù. Bên cạnh đó, người nuôi cũng có thể kiểm soát được số tôm sau khi ương, biết được mật độ tôm có trong ao là bao nhiêu, để có điều chỉnh thích hợp đảm bảo đủ thức ăn tự nhiên cho tôm.
Kỹ thuật ương
Xử lý vuông: Tiến hành vệ sinh sạch sẽ vuông ương, đặc biệt là bùn ở đáy phải được loại bỏ để giảm lượng chất hữu cơ và giảm phát sinh khí độc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tôm. Bờ vuông cũng được sửa chữa để tránh rò rỉ làm thất thoát nước. Sử dụng vôi nông nghiệp CaO, liều lượng 400 - 600 kg/ha để tăng pH và loại bỏ mầm bệnh. Dùng thuốc cá (Saponin) trong các mương với liều lượng 10 kg/ 1.000 m3 để giảm số lượng cá vì cá có thể ăn tôm nhỏ hoặc cạnh tranh thức ăn với tôm.
Ruộng có vuông ương được phơi khô 10 ngày trước khi cấp nước vào. Nước được bơm vào vuông thông qua một túi lọc để loại bỏ địch hại, rong tảo... Sau khi cấp đủ nước, sử dụng phân DAP để bón với liều lượng 2 kg/1.000 m3 nước nhằm kích thích tảo phát triển. Sử dụng chế phẩm vi sinh, liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất (lựa chọn sản phẩm chất lượng, uy tín) nhằm kìm hãm các vi khuẩn có hại, phân hủy hữu cơ tạo thành chất dinh dưỡng cho chuỗi thức ăn tự nhiên trong vuông.
Chuẩn bị giai, thiết bị: Lưới sử dụng để may giai có kích thước mắt lưới 0,3 - 0,5 mm. Chiều cao của giai là 1,2 m, chiều rộng 2 - 2,4 m (tùy theo khổ lưới có sẵn), chiều dài của giai phụ thuộc theo lượng giống thả và diện tích kênh mương trong đầm nuôi, nhưng không quá dài sẽ khó khăn trong thao tác. Giai được cắm dọc theo các mương trong vuông nuôi. Nên chọn các vị trí sâu trên 1,4 m, thông thoáng để đảm bảo lưu thông nước và hàm lượng ôxy hòa tan. Đáy giai cách đáy vuông 30 - 40 cm. Để đảm bảo không bị cua kẹp thủng giai lưới, xung quanh các giai nên cắm thêm các lưới chắn cua.
Máy bơm nước được đặt ở phía ngoài và bơm nước vào trong giai lưới để tạo ôxy hòa tan và đẩy các chất thải, thức ăn dư thừa ra khỏi giai lưới. Máy bơm có công suất 1 HP có thể sử dụng cho 50 m2 diện tích giai, để thuận tiện hơn, người nuôi nên sử dụng máy bơm chìm. Đầu hút nước của máy bơm được đặt trong một túi lưới để ngăn rác hoặc dị vật đi vào làm hỏng buồng bơm.
Chọn tôm giống: Tôm giống được lựa chọn từ các trại giống có uy tín. Tôm cần được xét nghiệm để đảm bảo không mang các mầm bệnh nguy hiểm trước khi thả.
Thả giống: Trước khi thả giống phải tiến hành đo các yếu tố môi trường, đảm bảo nằm trong ngưỡng phù hợp: pH: 7,5 - 8,6; Độ kiềm: 80 - 120; Tổng Ammonia < 1mg/l, hoặc Ammonia gây độc tối đa < 0,01 mg/l; Đo độ mặn để phục vụ việc thuần tôm trước khi thả. Nếu các yếu tố trên chưa đạt thì phải áp dụng một số biện pháp kỹ thuật để cải thiện. Ví dụ như để tăng pH, kiểm thì dùng vôi nông nghiệp, Zeolite, áp dụng các biện pháp bơm đảo nước hoặc tăng cường vi sinh để giảm Amonia. Thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Mật độ thả giống là 500 - 1.000 con PL 12/m2 tùy theo điều kiện ao hồ và kỹ thuật của từng hộ nuôi.
Cho ăn: Thức ăn công nghiệp được sử dụng với lượng 1 kg/100.000 PL/ ngày. Cho tôm ăn 4 lần/ngày vào các thời điểm: 6h, 11h, 16h và 20h. Lượng thức ăn được tăng lên, nằm trong khoảng 5 - 10% tùy theo khả năng bắt mồi và hoạt động ăn của tôm. Trước khi cho tôm ăn, tắt bơm nước để không làm thức ăn bị trôi ra ngoài giai lưới. Sau khi cho ăn 90 phút bơm nước lại được vận hành để tạo ôxy hòa tan và trao đổi nước trong giai ương.
Chăm sóc: Trong quá trình ương, hằng ngày cần kiểm tra xung quanh để kịp thời phát hiện các lỗ thủng (nếu có) và khắc phục tránh để tôm chui ra ngoài. Thường xuyên vệ sinh bề mặt giai lưới để nước được lưu thông dễ dàng.
Thời gian ương khoảng 15 - 25 ngày, tùy theo tốc độ phát triển của tôm. Khi chiều dài trung bình của tôm đạt 1,8 - 2 cm thì có thể thả ra vuông nuôi. Tỷ lệ sống khi kết thúc giai đoạn ương khoảng 65 - 70%.
Ngoài ra, người nuôi cũng có thể sử dụng bạt đặt trong vuông, tạo thành các bể, giúp đa dạng hóa các hình thức ương.
Tài liệu tham khảo
Thủy sản Việt Nam
- Giải pháp tăng năng suất nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp
- Kỹ thuật nuôi xen ghép tôm sú - cua - cá đối trong rừng ngập mặn
- Quy trình kỹ thuật nuôi tôm sú quảng canh cải tiến
- Kỹ thuật nuôi tôm sú kết hợp cá đối mục và cua
- Làm gì để phục hồi đáy ao tôm lâu năm bị “lão hóa”
- Kỹ thuật nuôi tôm sú xen cá đối nục
- Vèo tôm giống thế nào cho đúng?
- Bệnh đốm trắng và công nghệ nuôi tôm nhằm phòng, chống
- Xu hướng sử dụng hệ thống lắng lọc trong nuôi tôm thâm canh
- Quản lý thức ăn trong nuôi tôm sú thâm canh