Kỹ thuật nuôi Cá ngừ vây vàng

Phòng trị một số bệnh ở cá ngừ nuôi lồng

Hoàng Quân

Để phòng trị bệnh cho cá ngừ nuôi lồng cần áp dụng một số biện pháp sau: khử trùng khu vực nuôi cá, nâng cao sức đề kháng, bổ sung vitamin C và E, đặt lồng nuôi cá ngừ ở vùng nước có độ trong lớn và xa các khu vực nuôi cá lồng bè khác,….

1. Bệnh ký sinh trùng trên cá ngừ

Cá ngừ nuôi lồng bị nhiễm ký sinh trùng thường có các dấu hiệu bệnh lý sau: Cá xuất hiện các vết thương ở trên thân cá và có biểu hiện ngứa ngáy, bơi nhanh xung quanh lồng rồi bơi lên mặt lồng, thỉnh thoảng bắt gặp cá bị mù mắt (được gọi là hiện tượng “nổ mắt”).

Đã phát hiện 3 loài ký sinh trùng nhiễm trên cá ngừ nuôi lồng có dấu hiệu bệnh được thu mẫu, gồm: trùng quả dưa nước mặn Cryptocaryon irritans ký sinh ở mang cá với tỷ lệ nhiễm là 36%, trùng lông Paranophrys sp. ký sinh ở mang và da cá với tỷ lệ nhiễm 28%, và rận cá Caligus sp. ký sinh ở da cá với tỷ lệ nhiễm 24%. Cả 3 loài ký sinh trùng này đều nhiễm trên cá ngừ nuôi với cường độ thấp. Điều đáng nói là chỉ phát hiện thấy cá ngừ nuôi bị nhiễm ký sinh trùng khi chúng có kích cỡ dưới 15 kg và vào những lúc môi trường nước biển bị đục, độ trong của nước thấp (chỉ từ 1,5 đến 2 mét).

2. Bệnh vi khuẩn

Cá ngừ nuôi lồng mắc bệnh vi khuẩn do bị nhiễm Vibro sp. gây bệnh xuất huyết, và thường xuất hiện các dấu hiệu bệnh lý như vây bị ăn mòn, thối rữa, mắt bị lồi và xuất huyết. Khi mổ cá thấy cá có dấu hiệu đặc trưng của bệnh do vi khuẩn gây ra là dưới cơ thịt cá bị xuất huyết.

3. Một số biện pháp phòng trị bệnh cho cá ngừ nuôi lồng

Công tác quản lý sức khỏe và phòng trị bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi là rất cần thiết nhằm tránh rủi ro vì dịch bệnh gây ra, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi và tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với cá ngừ nuôi lồng cũng vậy. Trong quá trình nuôi cá, phải theo dõi chặt chẽ chế độ cho ăn hàng ngày, quan sát mọi hoạt động của cá để có những biện pháp xử lý đúng và kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, do cá ngừ có đặc điểm bơi liên tục và với tốc độ cao nên nếu xảy ra hiện tượng cá bị bệnh, người nuôi sẽ vô cùng khó khăn (nếu không nói là không thể thực hiện được) khi bắt cá ra khỏi lồng để chữa trị. Do đó, một việc vô cùng quan trọng là phải tích cực phòng bệnh và nâng cao sức đề kháng với bệnh của cá ngừ nuôi.

Để phòng trị bệnh cho cá ngừ nuôi, cần áp dụng một số biện pháp sau:

- Khử trùng khu vực nuôi cá: Treo thuốc khử trùng dạng viên sủi có hoạt chất chính là trichloisocyanuric axit ở xung quanh lồng, với liều lượng 4 viên (100 gam) cho một lồng hình trụ tròn (đường kính 16 mét, chu vi miệng lồng 50 mét, chiều cao lưới 10 mét) để khử trùng vùng nuôi. Việc treo thuốc được thực hiện liên tục trong suốt thời gian nuôi cá.

- Nâng cao sức đề kháng và phòng bệnh cho cá nuôi bằng cách bổ sung các vitamin C và E vào thức ăn của cá 2 lần mỗi tuần với liều lượng bằng 0,5% khối lượng thức ăn cho cá.

- Cần đặt lồng nuôi cá ngừ ở vùng nước có độ trong lớn (thường trên 5 mét) và xa các khu vực nuôi cá lồng bè khác. Cũng cần sử dụng lồng nuôi có kích thước lớn hơn, chu vi miệng lồng hơn 100 mét, để cá ngừ có khoảng không gian bơi lội rộng hơn, phù hợp với đặc điểm vận động của cá, giảm nguy cơ cá lao đầu vào lưới xung quanh lồng và bị chết.    

Tài liệu tham khảo

TTKNQG

Kỹ thuật nuôi Cá ngừ vây vàng

Đặc điểm sinh học Cá ngừ vây vàng - Thunnus albacares