Kỹ thuật nuôi Cá chình bông

Kỹ thuật nuôi cá chình thương phẩm trong lồng nhôm

Trần Hữu Phương

Cá chình là loài cá có tính thích ứng rộng với độ mặn nên có thể sống được ở nước mặn, nước lợ, nước ngọt. Cá thích bóng tối, sợ ánh sáng nên ban ngày chui rúc trong hang, dưới đáy ao, nơi có ánh sáng yếu, tối bò ra kiếm mồi di chuyển đi nơi khác. Da và ruột cá có khả năng hô hấp nên ở nhiệt độ <15oC, cá có thể sống được khá lâu khi da cá ẩm ướt.


Cá chình là loài cá rộng nhiệt (từ 1 - 38oC), nhưng trên 12oC cá mới bắt mồi. Nhiệt độ phù hợp cho sinh trưởng là 13 - 30oC, thích hợp nhất là 25 - 27oC.

1. Thiết kế lồng nuôi cá chình

Thể tích lồng nuôi từ 8m3 nước trở lên là có thể nuôi được cá chình ở trong lồng. Lồng  nuôi được thiết kế theo hình vuông hoặc hình thuyền, lưu tốc dòng chảy 0,2 - 0,3m/giây, không nên nuôi ở nơi nước đứng hoặc nơi nước chảy xiết, dòng chảy quẩn.

Môi trường nước phải đảm bảo các yếu tố sau: pH 6,5 - 8,5 (cá nước ngọt tốt nhất là từ 7,0 - 8,0); oxy hoà tan > 5,0mg/lít; NH3 < 0,01mg/lít; H2S < 0,01mg/lít, nhiệt độ nước từ 20 - 33oC.

Vị trí đặt lồng phải thuận lợi về giao thông để tiện trong việc cung cấp con giống, thức ăn, chăm sóc, quản lý, thu hoạch và vận chuyển tiêu thụ sản phẩm.

2. Mật độ nuôi cá chình

Chỉ thả giống sau khi tẩy dọn lồng sạch sẽ. Thời điểm thả thích hợp từ tháng 3 đến tháng 4, khi nhiệt độ nước  >13oC. Mật độ thả tùy thuộc vào điều kiện lồng nuôi, phương thức nuôi và kích thước cá giống.

3. Quản lý lồng nuôi

3.1. Thức ăn và cho ăn

Có thể sử dụng 2 loại thức ăn là tươi và thức ăn công nghiệp. Cho ăn theo nguyên tắc 4 định: định chất, định lượng, định thời gian, định địa điểm.

+ Định chất: Thức ăn có độ đạm. Nếu dùng thức ăn tươi, cần phải tươi, rửa sạch, sát trùng kỹ sau đó cắt nhỏ mới đem cho ăn. Thức ăn nuôi cá chình phải có tỷ lệ đạm 45%, mỡ 3%, cellulo 1%, can xi 2,5%, phôtpho 1,3% cộng thêm muối khoáng, vi lượng, vitamin thích hợp. Nói chung tỷ lệ bột cá chiếm khoảng 70 - 75%, tinh bột 25 - 30% và một ít vi lượng, vitamin.

Thức ăn tươi sống là cá tạp, trai, hến... Chúng ta có thể thái nhỏ hoặc để nguyên thức ăn tươi tùy vào kích cỡ của cá sau đó đưa thức ăn vào trong lồng. Nếu cho ăn trai hến thì nên thái thành miếng nhỏ cho ăn.

Thức ăn tổng hợp nên lấy thức ăn động vật làm chính, thí dụ như bột cá, nhộng tằm, thức ăn tổng hợp không chìm, không bị rữa mới tốt. Nguyên liệu phụ có thể là khô dầu, các chất khoáng, vitamine, bột máu, men v.v... Để cho thức ăn tổng hợp lâu tan trong nước có thể dùng bột củ đậu, khoai lang đánh nhuyễn trộn với thức ăn đã nghiền sẵn.

Bổ sung dưỡng chất:

Thời gian tiêu hóa hết thức ăn của cá chình là 6 giờ. Thông thường người ta phải trộn thêm vào thức ăn cá chình một ít men bia, men tiêu hóa đường, elisa của khuẩn đơn bào và vi khuẩn sống trong ruột v.v…

• Men bia: là hỗn hợp các nấm men và bã bia sau khi đã sấy khô. Men bia chứa 40 - 50% protein thô, 1 lượng lớn vitamine nhóm B và kích tố sinh trưởng chưa biết tên. Có thể phối hợp với tỷ lệ 2 - 3%.

• Men đường mật: Chứa nhiều sinh tố nhóm B, thu được bằng cách phun trong chân không ở nhiệt độ thấp. Có mùi rất thơm, làm tăng tính ăn của cá Chình.

• Elisa của khuẩn đơn bào: thu được trong quá trình lên men đường củ cải, có vị thơm ngọt của men, cho cảm giác ngon, có nhiều các protein, chất khoáng, vitamine và nhiều chất kich thích sinh trưởng chưa biết tên. Chất này dễ tiêu hóa, cá Chình thích ăn. Hàm lượng protein thô trên 65%, chất béo thô trên 4,5%. Tỷ lệ pha trộn vào thức ăn khoảng 1 - 2%.

• Hỗn hợp các vi khuẩn sống bao gồm các chủng Lactobacillus.sp, Pediococcus acidilatici cùng với các chất nuôi cấy. Mỗi gam hỗn hợp này có khoảng trên 120.000 vi khuẩn sống. Nó có tác dụng tăng cường hấp thụ chất dinh dưỡng ở phần ruột non và gia tăng nhu động phần ruột già rút ngắn thời gian tiêu hóa thức ăn. Trong ruột cá những vi sinh vật này sẽ cạnh tranh với các vi sinh vật có hại về mặt không gian và chất dinh dưỡng làm cho chúng không phát triển được thậm chí bị tiêu diệt. Đặc biệt là loài Pediococcus acidilatici có tính kháng cự khá mạnh, sức ức chế vi sinh tạp có thể mạnh gấp 10 lần vi khuẩn Lactobacillus.

• Các chất bổ gan, mật:

Để tăng cường chức năng tiêu hóa, khả năng chịu đựng điều kiện chất lượng nước kém do nuôi với mật độ cao hoặc lạm dụng sử dụng hóa chất cần thiết phải bổ sung vào thức ăn một lượng thuốc bắc, axit mật (bile acid) và những chất bổ gan mật khác.


+ Sài hồ (Bupleurum chinense) có tính đắng, hơi hàn, có chứa nhiều steroidal saponins, các loại axit béo thăng hoa, có tác dụng kháng virus, diệt ký sinh trùng và giữ cho gan khỏi bị tổn thương.


+ Bản lam căn (Radix Isatidis) tên tiếng Anh là Indigowoad Root có vị đắng, tính hàn. Thành phần chủ yếu gồm có Indican có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Mỗi kg thức ăn bổ sung độ 10 - 15g thuốc này.

+ Axit mật (Bile acid): có thể xúc tiến hấp thụ mỡ, vitamine, cholesterol. Giải các chất độc trong thức ăn có nhiều mỡ để lâu ngày. Mỗi tấn thức ăn bổ sung khoảng 100g.

+ Định địa điểm: phải cố định vị trí đặt sàng cho ăn ở trong lồng. Sàng cho ăn là khung hình vuông kích cỡ 90 x 50cm căng lưới nilon, mắt lưới to nhỏ phụ thuộc vào kích cỡ cá.

+ Định lượng: Thức ăn tươi mỗi ngày cho ăn 20 - 30% tổng khối lượng cá trong ao; thức ăn chế biến hoặc thức ăn công nghiệp cho ăn 3 - 4% tổng khối lượng cá trong ao. Khi nhiệt độ thấp hoặc quá nóng vào mùa hè (trên 30oC) nên giảm bớt khẩu phần. Yêu cầu thức ăn thả xuống sau 20 phút phải ăn hết.

+ Định thời gian: cho ăn 2 lần/ngày, buổi sáng vào lúc 8 giờ và buổi chiều lúc 16 giờ. 5 phút sau khi trộn đều thức ăn với dầu, nước, cho cá ăn ngay, khoảng 2/5 số thức ăn nổi trên mặt nước, 3/5 rơi xuống khay đựng thức ăn là được.

Phương pháp phòng cá chình bỏ ăn:

• Phải che nơi cho ăn.

• Cần tăng thêm số điểm cho ăn để cá có thể tìm được thức ăn.

• Có thể đưa thức ăn vào lồng có kích cỡ khác nhau để cá to không cạnh tranh thức ăn với cá nhỏ. 

• Nên có biện pháp phòng bệnh sớm đối với các loại bệnh như: bệnh đốm trắng, trùng bánh xe, sán lá Dactylogyrus v.v… Nếu những loài này ký sinh sẽ làm cho chúng yếu dễ tạo điều kiện con khác ăn thịt.

• Trong cùng một lồng nên thả cá giống cùng cỡ, cá nhỏ rất dễ bị cá lớn truy đuổi, suốt ngày trốn tránh, không kiếm được thức ăn. Nên phân loại cá hàng tháng.

3.2. Lọc phân đàn

Định kỳ phân cỡ cá 1 tháng/lần, tách con lớn, con nhỏ nuôi riêng để cá đồng đều và chóng lớn. Trước khi phân cỡ để cá nhịn từ 1 - 2 ngày, để cá bài tiết hết thức ăn trong bụng, dùng sàng nhẵn để phân loại cá, không dùng tay bắt cá.

3.3. Quản lý chất lượng nước

Khi có mưa to hoặc nước lũ, cần ngừng cho ăn, không thay nước. Trong mùa mưa lũ, định kỳ dùng thuốc tím 1,5ppm hoặc vôi sống 15 - 20ppm để ổn định chất lượng nước.

Tài liệu tham khảo

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị -  Trạm Khuyến nông Vĩnh Linh

Kỹ thuật nuôi Cá chình bông

Đặc điểm sinh học Cá chình bông - Anguilla marmorata
  1. Kỹ thuật nuôi cá chình thương phẩm trong ao đất
  2. Kinh nghiệm nuôi cá chình trong bể xi măng
  3. Kỹ thuật ương giống cá chình
  4. Phòng và trị bệnh cho cá chình
  5. Kỹ thuật nuôi cá chình thương phẩm - TT KN & NCƯDKTTS Bình Định