Kỹ thuật nuôi Tôm thẻ chân trắng

Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông trong nhà bạt

Canthostnews

Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà bạt là biện pháp hữu hiệu để chủ động nuôi trong mùa đông giá rét.

1. Chuẩn bị ao nuôi và nhà bạt

- Ao có diện tích từ 1.000-3.000 m2, thiết kế hình vuông, được lót bạt hoặc bê tông hóa, có lắp đặt hệ thống xi-phông đáy. Do nuôi trong nhà bạt kín gió phải tăng cường hơn hệ thống sục khí đáy và quạt nước để đảm bảo hàm lượng oxy đầy đủ.

- Nhà bạt có thể dựng bằng cọc bê tông hoặc bằng cọc gỗ.

+ Trường hợp nhà bạt dùng cọc bê tông: Cột bê tông có chiều dài 5 - 6 m làm trụ đỡ, chăng dây cáp bọc nhựa tạo khung. Sau đó phủ bạt kín, để phòng tránh xô bạt, cần chăng dây cáp bọc nhựa lên trên.

+ Trường hợp dùng cọc gỗ: Các cột gỗ có đường kính 6 cm, dùng dây thép (2,4 mm) buộc dựng thành khung cột và nâng đỡ giá lưới. Khoảng cách giữa hai cột gỗ là 1,2 m. Phủ một tấm phim nhựa mỏng lên trên. Khi thiết kế, tạo cửa để dễ dàng để ra vào trong khâu chăm sóc quản lý sau này.

- Chú ý: Trước khi nuôi, cần có biện pháp cải tạo ao tốt, chỉ để lượng bùn đáy khoảng 5 - 10 cm, hoặc nếu đáy phủ bạt thì bóc lớp bạt cũ. Sau đó bón vôi với liều lượng 15 - 17 kg vôi cho 100 m3, phơi đáy 5 - 7 ngày. Nếu ao rải bạt đáy thì rải bạt mới. Sau đó, cấp nước vào ao khoảng 1,2 - 1,4 m.

2. Thả giống và thức ăn

- Thời gian thả giống từ tháng 8 - 10 âm lịch, tức là vào khoảng tháng 9 - 11 dương lịch, nhằm thu hoạch trước tết để bán được giá cao.

- Mật độ thả giống nuôi tôm vụ đông cụ thể như sau:

+ Nuôi đa cấp: Thả mật độ trung bình 80 con/m2

+ Nuôi 1 cấp: Thả 80-120 con/m2.

- Cách thức chọn giống: Giống được mua tại cơ sở được phép sản xuất theo quy định của Ngành Thủy sản, khỏe mạnh, cỡ tổi thiểu P12 trở lên, được cơ quan thú y cấp giấy kiểm dịch, được xét nghiệm âm tính với các bệnh trong danh mục các bệnh bắt buộc do cơ quan chuyên môn cấp, có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh.

- Thức ăn tôm chân trắng được mua có nguồn gốc rõ ràng, yêu cầu tỷ lệ đạm 32 - 38%, lipit 4-6%, độ ẩm <11%. Được mua tại cơ sở có đăng ký kinh doanh, đảm bảo chất lượng theo quy định, tiêu chuẩn thức ăn thủy sản. Ngoài ra, bổ sung khoáng, vitamin C, E, dầu mực.

- Nên cho tôm ăn một cách khoa học, hợp lý, tránh thừa thức ăn, gây ô nhiễm môi trường ao nuôi. Sử dụng sàng để cho tôm ăn, quan sát và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp.

3. Quản lý môi trường ao nuôi

Dùng chế phẩm sinh học để quản lý môi trường nước được sản xuất EM2 từ EM gốc. Cách làm như sau:

- Nguyên liệu: 1 lít mật đường hoặc 1 kg mật đường + 1 lít EM gốc + 45-50 lít nước ngọt sạch khuẩn + 2 kg thức ăn số 0+ 10g muối ăn

- Cách tiến hành: cho vào thùng ủ kín 5-7 ngày.

- Cách sử dụng: Chế phẩm EM2 được sử dụng định kỳ 3-7 ngày/lần tùy theo điều kiện màu nước ao nuôi để bón, liều lượng 50 lít EM2/1.000 m3 nước.

4. Biện pháp phòng trị bệnh

- Để tránh hiện tượng tôm sốc môi trường nước, ao cấp nước bổ sung được xây dựng trong nhà bạt.

- Định kỳ dùng Iotdin phòng bệnh 20 ngày/lần vào những tháng đầu sau giảm 15 ngày/lần. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Dùng chế phầm sinh học bón định kỳ 5-7 ngày/lần để gây màu nước và phân hủy khí độc (chú ý, nếu dùng chế phẩm sinh học thì không dùng Iotdin và các chất diệt khuẩn khác).

Chú ý: Trong quá trình nuôi cần thường xuyên kiểm tra, tránh trường hợp rách bạt khi gió to. Một yếu tố quan trọng khi nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà bạt là cần chuẩn bị nhiều thiết bị quạt nước và thời gian chạy quạt phải đảm bảo cung cấp đủ ôxy trong quá trình nuôi.

Tài liệu tham khảo

Theo Khuyến nông Việt Nam (số 11+12/2018)

Kỹ thuật nuôi Tôm thẻ chân trắng

Đặc điểm sinh học Tôm thẻ chân trắng - Litopenaeus vannamei
  1. Kinh nghiệm lựa chọn tôm giống chất lượng
  2. Kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến hai giai đoạn
  3. Hướng dẫn bảo quản nguyên liệu tôm sau thu hoạch bằng nước đá
  4. Kỹ thuật nuôi tôm trong bể nổi
  5. Những sai lầm kỹ thuật trong nuôi tôm thẻ chân trắng
  6. Một số quy trình xử lý nước thải nuôi tôm
  7. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trên 1,1ha
  8. Quản lý bệnh vểnh mang ( Soldier Cap Disorder) trên tôm
  9. Tập tính ăn lọc của cá rô phi và phương pháp nuôi kết hợp cá rô phi với tôm
  10. Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng không sử dụng kháng sinh