Mô hình “nuôi tôm công nghệ cao” được cho là khá tốn kém nhưng rất “đáng đồng tiền bát gạo” vì cho tỉ lệ nuôi thành công đến 80-90% cùng hàng trăm ưu điểm hấp dẫn khác.
Không ít người ngần ngại chuyển đổi, nhưng cũng không ít người sẵn sàng đầu tư cho một mô hình nuôi mới- mô hình nuôi tôm công nghệ cao, hiện đại hơn, có tiềm năng phát triển hơn. Họ chính là những minh chứng sống, tiên phong tạo niềm tin cho cuộc cách mạng lớn, làm thay đổi toàn diện ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam.
1. Lợi nhuận 1 tỉ/1000m2 tại tỉnh Bến Tre
Nhân chứng đầu tiên phải kể đến là nông dân Lê Văn Sấm (Ba Sấm), sinh năm 1958, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi tôm biển, trải qua nhiều lần thất bại nhưng nhờ sự ham học hỏi và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng, hiện ông Ba Sấm đã thành công với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Ông Lê Văn Sấm kiểm tra tôm đang thu hoạch. Ảnh Cẩm Trúc.
Nhận biết được rằng mô hình công nghệ cao này là cơ hội lớn giúp cải thiện năng suất tôm thu hoạch, kiểm soát được môi trường nuôi và quản lý dịch bệnh tốt hơn so với nuôi truyền thống, ông Lê Văn Sấm đã thử nghiệm nuôi 2 ao đầu tiên diện tích 1000 m2/ao và đạt năng suất 8-9 tấn/ao, lãi 800 triệu đồng/ao.
Qua năm thứ hai, ông mạnh dạn đầu tư cho 25 ao tương tự và đạt năng suất 9,2 tấn/ao, lãi gần 1 tỷ/ao. Ao nuôi được trang bị đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại, trải bạt hoàn toàn, hệ thống xử lý chất thải và hệ thống tạo oxy cũng được ông Lê Văn Sấm đầu tư vô cùng bài bản.
Sau nhiều năm theo mô hình nuôi này, giờ đây ông Ba Sấm đã hoàn toàn làm chủ công nghệ trong nuôi tôm và liên tục thắng lợi ở mỗi vụ nuôi.
2. Lợi nhuận 4,5 tỉ/3 ha tại tỉnh Quảng Nam
Nhân chứng thứ hai, theo nguồn tin từ Cổng thông tin điện tử Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, vào năm 2020 ông Phạm Đình Chương và cộng sự tại xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư 6 tỷ đồng để cải tạo toàn bộ hệ thống ao nuôi diện tích 3ha, từ xử lý nước, cho ăn, sục khí, làm sạch môi trường nước, xử lý chất thải đều theo quy trình tự động. Có camera giám sát toàn bộ quá trình nuôi và chăm sóc cho tôm ăn,...
Ông Phạm Đình Chương đang kiểm tra tình trạng sức khỏe tôm. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Duy Xuyên.
Trại tôm ông Chương hiện đang có 9 ao nuôi tròn bằng sắt, lót bạt. Trong đó có 1 ao tôm giống diện tích 400 m2, 4 ao nuôi tôm 4 giai đoạn, 4 ao nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm diện tích 800 m2/ao.
Bên cạnh phương thức canh tác từ từ, nuôi tôm nhiều giai đoạn, ông Chương còn nhấn mạnh yếu tố môi trường nước quyết định sự thành công của mô hình nuôi công nghệ cao. Xử lý tốt nguồn nước đầu vào giúp kiểm soát dịch bệnh tốt,nhất là bệnh phân trắng, bệnh gan.
Đến nay, trại tôm ông Chương đã xuất bán thí điểm lứa tôm đầu tiên 17,5 tấn và dự kiến xuất bán lứa thứ 2, tầm 25 tấn tôm thương phẩm. Mỗi lứa nuôi từ 80-96 ngày, trọng lượng 30-35 con/kg và giá đạt 180 nghìn đồng/kg vào thời điểm năm 2020. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid nên giá tôm giảm xuống 145-150 nghìn đồng/kg.
Ông Chương chia sẻ: “Mô hình nuôi tôm công nghệ cao với quy trình, kỹ thuật nuôi, hệ thống thiết bị, máy móc vận hành tự động rất tiện ích” và ông dự kiến sẽ đầu tư thêm một khu nuôi tôm công nghệ cao tại khu vực lân cận tại xã Duy Nghĩa.
3. Lợi nhuận 500-900 triệu/1000 m2 tại tỉnh Quảng Bình
Theo VASEP, năm 2020, anh Nguyễn Minh Giáp và anh Nguyễn Đại Dũng tại xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy thuộc diện hộ nuôi tích cực ứng dụng công nghệ mới vào quy trình nuôi tôm, mang lại hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Anh Giáp và anh Dũng được Trung tâm Giống thủy sản Quảng Bình hỗ trợ 50% chi phí mua tôm giống, 50% chi phí thức ăn công nghiệp, hóa chất, bạt HDPE và lưới che nắng cho tôm nhằm thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà lưới.
Hồ nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao của anh Nguyễn Đại Dũng (xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy).
Sau một thời gian chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vụ tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn của gia đình anh Nguyễn Minh Giáp đạt gần 5 tấn với diện tích trên 1000 m2, lợi nhuận hơn 470 triệu đồng.
Anh Nguyễn Đại Dũng, sau 3 tháng nuôi thử nghiệm tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn trong nhà lưới 1200 m2, anh đã thu hoạch được 6 tấn tôm, 35 con/kg và cho thu nhập hơn 900 triệu đồng. Nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá tôm không xuống thấp thì với 6 tấn tôm loại to (giá bán vào năm 2020 đạt 260.000 đồng/kg) thì gia đình anh phải thu về hơn 1,5 tỷ đồng.
Trong mô hình các hộ dân phải làm ao ương để kiểm soát tôm giống trong 25-30 ngày đầu tiên rồi mới thả xuống ao. Hạn chế tình trạng tôm bị hoại tử gan tụy vì tần suất dịch bệnh này xuất hiện cao nhất từ 20-45 ngày tuổi. Từ đó ta tiết kiệm được gần 70% chi phí thức ăn. Bên cạnh đó quy trình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn trong nhà lưới là quy trình nuôi khép kín không chỉ giảm chi phí nuôi, ít dịch bệnh mà còn tăng thu nhập cho người nuôi.
4. Lợi nhuận 850 triệu/2ha tại Bạc Liêu
Nuôi tôm đã lâu và có đam mê với công nghệ, anh Long Văn Nghĩa là người tiên phong thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao 3 giai đoạn trong hồ tròn nổi phủ bạt tại thủ phủ tôm này.
Sau nhiều lần tham quan, học hỏi kinh nghiệm thì vào đầu năm 2016, anh Nghĩa gom hết vốn liếng tầm 1,2 tỷ đồng để xây 4 ao nổi 500 m2, hệ thống xử lý nước thải theo quy trình Biofloc để nuôi tôm siêu thâm canh, mật độ 300 con/m2. Thu hoạch 2 vụ với sản lượng tôm hơn 13 tấn, giá bán bình quân 150 nghìn đồng/kg, hệ số thức ăn 1,1. Cuối vụ tổng lợi nhuận sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận là gần 850 triệu đồng.
Anh Nghĩa chia sẻ “Nuôi theo công nghệ Biofloc giúp giảm chi phí thức ăn, thuốc, kháng sinh; từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như góp phần bảo vệ môi trường xung quanh, hướng tới giúp nghề nuôi tôm ngày càng bền vững hơn.” (Theo nguồn tin: Thủy sản Việt Nam).
So với mức đầu tư dao động từ 800 triệu đến 1,5 tỷ đồng/ha, hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao mang lại hoàn toàn xứng đáng. Mô hình giúp giảm thiểu lượng tôm chết sớm sau 20-30 ngày thả giống, tăng số vụ nuôi mỗi năm lên đến 3-4 vụ, tái sử dụng nước và hạn chế dịch bệnh xâm nhập, giảm diện tích nuôi.
Chính vì lẽ đó, ngày càng có nhiều nông hộ mạnh dạn đầu tư tiền tỷ để nâng cấp trại nuôi sang quy mô công nghiệp theo hướng công nghệ cao. Hướng đến mục tiêu giảm thiểu dịch bệnh, để nghề nuôi tôm không còn là một ván cờ đánh cược với trời. Qua đó giúp tăng tỷ lệ nuôi thành công, nâng cao thu nhập cho bà con.