Những hạn chế trong phòng dịch bệnh cho cá tra
Cá tra ương dưỡng giống và nuôi thương phẩm còn hao hụt nhiều, có nguyên nhân ở công tác quản lý dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu. Mới đây, Cục Thú y cho biết những hạn chế trong phòng dịch hiện nay: Thiếu kinh phí, nhân lực và vắc xin.
Tình hình dịch bệnh chung
Từ đầu năm đến hết tháng 9/2024, thiệt hại trên cá tra nuôi chủ yếu tại 60 xã của 20 huyện thuộc 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long là 264 ha (bao gồm 33 ha cá giống, 231 ha cá tra thương phẩm), trong đó có 260 ha bị dịch bệnh, 3,9 ha bị thiệt hại nhưng không rõ nguyên nhân. Có một số diện tích bị từ 2 bệnh trở lên nên nếu tính diện tích theo từng bệnh thì tổng cộng là 289 ha. Cá chủ yếu bị bệnh gan thận mủ và xuất huyết, ngoài ra còn bị một số bệnh như ký sinh trùng, trương bóng hơi, vàng da, trắng gan trắng mang, trắng đuôi, thối đuôi, phù đầu. Cụ thể:
Bệnh gan thận mủ có 119 ha nuôi cá tại 32 xã, 15 huyện của tỉnh Đồng Tháp (31,69 ha), An Giang (71,70 ha) và Vĩnh Long (15,89 ha). Bệnh xuất huyết có 127 ha nuôi cá tại 48 xã, 19 huyện của 3 tỉnh Đồng Tháp (27,6 ha), An Giang (41,8 ha) và Vĩnh Long (57,87 ha). Các bệnh khác có 43 ha cá tra bị thiệt hại do ký sinh trùng (21,43 ha), vàng da (7,7 ha), trương bóng hơi (1,75 ha), lở loét (4,47 ha), trắng gan trắng mang (7,2ha), thối đuôi (0,5 ha).
Các bệnh gan thận mủ, xuất huyết, ký sinh trùng tuy không gây thiệt hại lớn tại một thời điểm nuôi; nhưng tính chung trong cả vụ nuôi thì thiệt hại do các bệnh này gây ra là rất lớn. Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm môi trường nuôi bị thay đổi nhanh và tác động xấu đến sức khỏe cá nuôi, tạo thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển, gây bệnh. Do vậy, công tác phòng bệnh rất quan trọng, cần có đủ nguồn lực, nhân lực và cả vắc xin; chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời, ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát, gây thiệt hại nặng nề hơn.
Kinh phí, nhân lực và vắc xin đều thiếu
Thực tế năm 2024, chỉ 5/12 tỉnh và thành phố có kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh thủy sản, kinh phí bố trí là gần 15 tỷ đồng. Rất ít so với nhu cầu.
Các tỉnh nuôi cá tra bố trí kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh như sau. An Giang 1,2 tỷ đồng, Hậu Giang 206 triệu đồng, Bến Tre 3,5 tỷ đồng (gồm cả tôm, nhuyễn thể), Kiên Giang 2,4 tỷ đồng (chủ yếu cho tôm), Sóc Trăng 7,6 tỷ (bao gồm cả kinh phí cho phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm). Còn nhiều tỉnh chưa bố trí kinh phí phòng chống dịch bệnh cho cá tra.
Không bố trí kinh phí hoặc bố trí không đủ kinh phí nên không thể hoạt động phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là giám sát chủ động, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm xác định nguyên nhân gây thiệt hại tại một số vùng nuôi. Do vậy, hoạt động giám sát chủ động không được thực hiện thường xuyên, số lượng mẫu giám sát ít, chỉ lấy ở các cơ sở nuôi lớn, không mang tính đại diện vùng nuôi nên số liệu giám sát không có ý nghĩa về mặt dịch tễ học.
Còn có khó khăn về tổ chức bộ máy, biên chế. Tổ chức bộ máy cơ quan quản lý chuyên ngành thú y không thống nhất; số lượng cán bộ làm công tác thú y thủy sản từ trung ương đến địa phương còn thiếu và yếu về chuyên môn, đặc biệt là thú y tại tuyến cơ sở. Lực lượng thú y xã mỏng, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, thường tập trung cho nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn (điều trị bệnh, tiêm phòng vắc xin, thống kê dịch bệnh,..), thiếu kiến thức chuyên sâu về thú y thủy sản nên gặp khó khăn trong việc hỗ trợ chuyên môn.
Về vắc xin phòng bệnh, hiện có 6 sản phẩm vắc xin cho cá được phép lưu hành tại Việt Nam, trong đó 2 sản phẩm vắc xin phòng bệnh gan thận mủ, xuất huyết cho cá tra. Trong 9 tháng đầu năm 2024 có 200 triệu liều vắc xin nhị giá (phòng bệnh gan thận mủ và xuất huyết) được tiêm phòng cho cá tra. Số liệu của Cục Thủy sản, cả nước đã sản xuất trên 3,9 tỷ con cá giống. Như vậy, cá tra giống được tiêm phòng vắc xin chỉ đạt 5,1% là rất thấp. Đáng quan tâm nhất là việc sử dụng vắc xin phòng bệnh cho cá tra chưa được người nuôi quan tâm.
Hiện nay, cả nước chưa có cơ sở sản xuất cá tra nào đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.
Kiến nghị tăng cường giám sát dịch bệnh
Đề nghị Sở NN&PTNT các địa phương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí đủ nguồn lực (kinh phí, hóa chất khử trùng,...) để giám sát chủ động dịch bệnh theo đúng mùa vụ sản xuất, bảo đảm hiệu quả. Đồng thời chủ động hỗ trợ người nuôi khi có dịch bệnh phát sinh và triển khai các hoạt động chuyên môn trên địa bàn.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện nghiêm túc các quy định về báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình dịch bệnh thủy sản cho cơ quan thú y theo đúng quy định, bảo đảm thông tin đầy đủ, số liệu chính xác để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo dịch và chỉ đạo điều hành. Rà soát cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và chỉ đạo, định hướng việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, giám sát dịch bệnh đối với cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống nhằm cung cấp con giống sạch bệnh cho người nuôi.
Đối với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản cần chủ động xây dựng và triển khai chương trình giám sát dịch bệnh trên thủy sản theo các chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt, phục vụ xuất khẩu. Chủ động phối hợp trong công tác xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình giám sát dịch bệnh và quan trắc môi trường, đảm bảo đồng bộ để tăng hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh và quản lý nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Các hiệp hội, hội, doanh nghiệp bố trí kinh phí triển khai các chương trình giám sát dịch bệnh, xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh (cùng với nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ) để đẩy mạnh xuất khẩu.
Các cơ sở sản xuất giống, nuôi cá tra cần xây dựng và triển khai chương trình giám sát dịch bệnh tại cơ sở theo đúng yêu cầu chuyên môn, để tránh nguy cơ bị các nước cấm nhập khẩu sản phẩm thủy sản. Đặc biệt là các bệnh nguy hiểm theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới-WOAH.