TIN THỦY SẢN

Ai là đối thủ của thủy sản Việt Nam?

Giá trị xuất khẩu của toàn ngành thủy sản Việt Nam đã giảm trong năm 2015 Vũ Hạ

Năm 2015, giá trị xuất khẩu của toàn ngành thủy sản Việt Nam giảm và mặt hàng chủ lực như con tôm thậm chí còn giảm mạnh.

Theo nhiều chuyên gia, để ngành thủy sản phát triển, điều tiên quyết là phải xác định rõ đối thủ mà thủy sản của chúng ta sẽ cạnh tranh và có đối sách thích hợp.

Đối thủ chính của con tôm?

Trên những số liệu có được, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo năm 2016, nhờ những tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), giá trị xuất khẩu tôm vào các thị trường như Hàn Quốc, Nhật, EU hay ASEAN sẽ đạt khoảng 3,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 12% so với năm 2015. Cá ngừ vào khoảng 507 triệu đô la Mỹ, tăng 8%, các sản phẩm mực, bạch tuộc là 470 triệu đô la Mỹ, tăng 10%. Còn con cá tra ước đạt 1,5 tỉ đô la Mỹ, giảm 5% so với năm 2015.

Trước những dự báo này, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho rằng, lâu nay, Việt Nam chỉ đưa ra những dự báo ngắn hạn mà thiếu những nhìn nhận có chiều sâu. Lấy ví dụ cụ thể đối với con tôm, đây là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất, do đó, dự báo của VASEP cần phải căn cứ vào những đối thủ cạnh tranh, phải phân tích kỹ đối thủ chứ không chỉ đặt ra chỉ tiêu kế hoạch dựa trên số liệu thống kê của chúng ta.

Ông Lực nói rằng, trong năm 2016, con tôm Việt Nam sẽ có những thuận lợi mới nhưng chưa hết thách thức. Vì thế, việc của ngành thủy sản cần xem, trong số những thách thức đó, những vấn đề nào cần phải giải quyết.

“Đọc báo cáo của VASEP, tôi có cảm giác chúng ta nêu kiến nghị một cách dàn trải và thuộc thẩm quyền của nhiều bộ, ban ngành khách nhau. Theo tôi, chúng ta cần nhìn nhận lại, những vướng mắc nào thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ NN&PTNT thì hãy kiến nghị để có những phương án xử lý, còn của những bộ khác sẽ làm sau và chọn thời điểm thích hợp”, ông Lực nói tại hội nghị tổng kết xuất khẩu thủy sản năm 2015 do VASEP tổ chức mới đây tại TPHCM.

Theo nhiều doanh nghiệp, tỷ giá và hàng rào kỹ thuật từ các nước dựng lên vẫn là khó khăn của con tôm không chỉ trong năm qua mà còn tiếp tục trong năm tới. Đây cũng là khó khăn của tất cả các nước xuất khẩu tôm chứ không phải chỉ riêng của Việt Nam. Đối với Việt Nam, theo ông Lực, thách thức nổi bật là tình trạng không kiểm soát được dư lượng kháng sinh, hóa chất. Vì thế, nhiệm vụ của ngành thủy sản là cần tập trung vào giải quyết vấn đề này.

“Năm 2016, vấn đề của Việt Nam là thiếu những con tôm sạch nên không biết sẽ bán thế nào. Nếu có tôm sạch, chúng ta bán đâu cũng được và giá cạnh tranh hơn các nước khác”, ông Lực nói.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), trước đây, tôm Việt Nam sợ đối thủ Trung Quốc và Thái Lan nhưng nay chúng ta có thể cạnh tranh thắng lợi với tôm Thái lan về những vấn đề liên quan đến xã hội, lao động, thắng Trung Quốc về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Như vậy, đối thủ chính của tôm Việt Nam là Indonesia và Ấn Độ.

Ông Lĩnh cho rằng, cái mà ngành tôm Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt không phải vì hai quốc này phá giá đồng tiền – đây là yếu tố vĩ mô nên doanh nghiệp không thể quyết định được, mà chính là chi phí giá thành. Hiện tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 35%, còn Indonesia và Ấn Độ tỷ lệ nuôi thành công gấp đôi Việt Nam. Bên cạnh đó, giá tôm giống của hai nước này dưới 50.000 đồng/con, trong khi đó giá tôm giống của Việt Nam lên đến 105.000 đồng/con.

Vì thế, một khi Việt Nam không giảm được chí phí đầu vào, thì đừng nói đến chuyện cạnh tranh với tôm của hai quốc gia này.

Đối với cá tra, nên tập trung vào thị trường châu Á

Đối với con cá tra, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hùng Vương cũng đồng thời là Phó chủ tịch VASEP, cho rằng, năm 2016, Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại (FTA) và  câu hỏi đặt ra doanh nghiệp có tận dụng được hay không?

Theo ông Minh, với những lý do như giá  điện cao, không vay được ngoại tệ mà chỉ vay nội tệ... nên giá thành của thủy sản Việt Nam gặp khó khăn trong cạnh tranh. Cơ hội mở ra rất lớn nhưng khó khăn vẫn chất đầy.

“Quan điểm của tôi là khi các liên minh, hiệp định được ký kết thì đi liền với đó là hàng rào kỹ thuật ngày tăng thêm. Vì thế, đòi hỏi ngành thủy sản phải đi từ gốc đến ngọn, tức là phải đảm bảo được từ con giống, nuôi trồng và chế biến”, ông Minh nói.

Theo VASEP, ngoài những hàng rào kỹ thuật được dựng lên ngày càng nhiều tại Mỹ, EU, thời thời gian tới, đối thủ cạnh tranh với con cá tra ở hai thị trường này vẫn là cá tuyết, cá minh thái nên sẽ  ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu của con cá tra. Vì thế, VASEP đưa ra dự báo, xuất khẩu cá tra trong năm 2016 chỉ ở mức 1,5 tỉ đô la Mỹ, giảm 5% so với năm 2015.

Cũng theo ông Dương Ngọc Minh, để tránh những rào cản kỹ thuật và đối thủ cạnh tranh trực tiếp, năm 2016, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam không nên quan tâm quá nhiều đến thị trường Mỹ mà hãy nhắm vào thị trường châu Á. Đây là những thị trường mà cá tra Việt Nam có thể có sự tăng trưởng nhanh nhờ không gặp những đối thủ cạnh tranh.

Vũ Hạ VGP, 04/01/2016