Ai mang cái chết đến gần?
Theo đánh giá của giới thông thạo, năm 2012 những tháng cuối năm không gian nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản rơi vào tình thế ảm đạm chưa từng có.
Ngoài tác động chung của suy thoái kinh tế trong và ngoài nước, người trong giới còn cho biết việc nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản tác động bởi sự khủng hoảng về tín dụng, dịch bệnh và đầu ra. Nhất là dịch bệnh lây lan nhanh và hoành hành khắp vùng nuôi gần như không thể gượng dậy nổi.
Thống kê mới nhất về tình hình sản xuất và xuất khẩu thủy sản tính đến tháng 9.2012, hầu hết các con số tăng trưởng đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2011. Riêng ở khu vực sản xuất chế biến tôm xuất khẩu, nhiều ao tôm phải "treo" vì vẫn chưa ngăn được dòng dịch bệnh... Đã qua mấy mùa tôm rồi, người nuôi, nhà quản lý mời cả nhà khoa học vào cuộc truy tìm mầm bệnh, chỉ dừng lại ở kết luận: Tôm bị hội chứng viêm gan, tuỵ nhưng cơ chế phát bệnh thì... bó tay.
Có nhiều ý kiến khác nhau về căn nguyên tạo ra sự suy tàn của cả một “vương quốc thủy sản”, nhưng tựu trung vẫn là: Chính vì sự phát triển ào ạt đã đẩy tổng thể vượt ngoài tầm kiểm soát khi chưa có quy hoạch chi tiết cho vùng nuôi, chồng chéo, giẫm đạp lên nhau vụ nối vụ, ao liền ao...
Khi phát sinh bệnh trên con tôm thì sử dụng kháng sinh một cách vô tội vạ bất chấp khuyến cáo: Việc lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ gây nhờn thuốc và có thể dẫn đến sự phát triển của các vi khuẩn có khả năng kháng thuốc trong cơ thể động vật và người, cũng như trong thuỷ sản.
Sự tác hại của nó chính là tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn quen thuốc, tạo ra các chủng có “gene” kháng thuốc. Các chủng này có thể lây lan sang người khi tiếp xúc hoặc khi ăn (do thức ăn không nấu kỹ), cơ thể người sẽ không còn khả năng chống chọi với bệnh tật. Đó là với kháng sinh thông thường, còn với dòng kháng sinh gây độc, thì chúng có thể gây bệnh suy tủy...
Thời gian qua, đã có hàng loạt lô hàng cá tra, tôm xuất khẩu vì dư thừa lượng kháng sinh, bị kiểm tra gắt gao và bị trả lại ở những thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, EU... Tại các khu vực chế biến công nghiệp hay hàng rào kiểm soát thực phẩm nhập khẩu có đủ phương tiện máy móc để kiểm tra, phát hiện lượng kháng sinh tồn dư trên thủy sản chế biến, nhưng còn ở các chợ nội địa..., với mắt thường người mua khó phân biệt để phòng tránh?
Hóa chất độc hại lẫn trong thực phẩm tươi sống cứ khoét dần sức khỏe của người tiêu dùng. Nhưng rồi ngày qua ngày, người tiêu dùng vẫn mỏi mắt trông chờ sự can thiệp hiệu quả của cơ quan chức năng. Hàng xuất khẩu dư lượng kháng sinh bị người tiêu dùng ngoài nước từ chối nhờ sự kiểm định gắt gao của cơ quan chức năng sở tại, còn người tiêu dùng trong nước không cơ hội từ chối những loại thực phẩm có chứa chất độc hại, được bày bán khắp các chợ lớn chợ nhỏ trong vùng...
Một điểm kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm đặt tại các chợ trung tâm rất cần thiết đối với việc bảo hộ sức khỏe người tiêu dùng và không nằm ngoài khả năng của cơ quan chức năng. Sao lại không thể?