TIN THỦY SẢN

An Giang: Khởi động Lễ thả cá năm 2014

Lễ thả cá năm 2014 IVAN

Cụm từ “thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản” gần như không còn xa lạ với cộng đồng dân cư ở An Giang; và được xem như một hoạt động thường niên sau đợt phát động đầu tiên vào ngày 01/4/2012.

“Khai hội”…

Ngày 14/02/2014 nhằm ngày Rằm tháng Giêng năm Giáp Ngọ được chọn làm ngày “khai hội” hoạt động thả cá năm 2014. Sở Nông Nghiệp & PTNT An Giang phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Phú Tân, Hiệp Hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang tổ chức lễ thả cá tại khu vực sông Tiền – thuộc  huyện Phú Tân, cũng là hoạt động khởi đầu cho chuỗi các hoạt động nhằm mục đích bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. “Khai hội” buổi lễ phát động chuỗi hoạt động thả cá năm 2014 là màn biểu diển đặc sắc đoàn lân của thành phố Long Xuyên và địa phương.

Hoạt động náo nhiệt, kinh phí tăng lên theo từng năm

Hoạt động này thể hiện vai trò và trách nhiệm của cộng đồng xã hội trong việc chung tay giữ gìn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Chính ý nghĩa tốt đẹp và nhân văn của chương trình đã tạo sức lan tỏa, thu hút được sự tham gia của nhiều thành phần cùng kết nối và truyền lửa. Từ khi bắt đầu hoạt động này đến nay, qui mô và giá trị của từng năm đã tăng lên rất nhiều thể hiện sự đồng thuận sâu sắc từ chính quyền đến người dân đối với việc làm có ý nghĩa thiết thực, như một sự trả ơn cho dòng sông Mekong đã cung cấp cho người dân An Giang những nguồn lợi vô cùng quí giá.

Năm 2012, hoạt động này diễn ra 3 nơi: Xã Bình Thạnh (Châu Thành), lưu vực sông Hậu thuộc huyện Phú Tân, Búng Bình Thiên (An Phú). Trong lần phát động đầu tiên kinh phí vận động khoảng gần 80 triệu đồng và cứ thế tăng dần theo từng đợt. Năm 2013, tổng kinh phí vận động thả cá tại 3 đợt (Phú Tân, Tân Châu, Châu Đốc) ước khoảng 1,3 tỉ. Như vết dầu loang, nhiều huyện thị khác hưởng ứng phong trào như Châu Phú, An Phú; kết hợp với lễ hội truyền thống của huyện UBND huyện An Phú vận động được 392 triệu đồng.

Khởi động một năm mới thắng lợi từ sức lan tỏa và truyền lửa của phong trào ...

Đầu năm, khởi động với kinh phí vận động tính đến ngày 10/02/2014 là 1,2 tỉ đồng tương đương với kinh phí vận động cả năm 2013. Danh sách tham gia đóng góp là 68 tổ chức cùng 302 cá nhân: Phú Tân vận động gần 700 triệu đồng, tỉnh ước khoảng 200 triệu đồng, các huyện thị khác 130 triệu bao gồm tiền mặt, cá và khoản tiền vận động từ đợt thả cá 2013 của huyện Phú Tân chưa sử dụng. Con số ấn tượng là  25.000 cá giống và 42.861 kg cá thịt và cá giống các loại. Một số loài cá bản địa quý hiếm như cá Hô, cá Chày, cá Ét, cá Cóc… luôn được ưu tiên bổ sung hằng năm kèm theo những loại cá khác như cá tra, basa, chép, rô phi, điêu hồng, trôi, mè vinh, mè trắng, mè hoa...

Kết nối  giữa chính  quyền, đoàn thể, các tổ chức và lan  tỏa đến mọi tầng lớp trong cộng đồng dân cư. Đại biểu tham dự ngày càng mang tính “cộng đồng” nào là doanh nghiệp, tiểu thương hay nông dân, các tổ chức chính trị - xã hội và cả Ban Trị sự Phật giáo Hòa hảo. Vinh danh mạnh thường quân và tổ chức tham gia tích cực vẫn là việc không thể nào thiếu. Ngay trong lễ phát động năm 2014, Ban tổ chức trao tặng bằng khen các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện kế hoạch thả cá năm 2013.

Những người đi muộn.....

Thói quen của đại đa số người dân miền Tây: “Phóng sinh” vào những ngày rằm quan trọng theo lịch âm trong năm và "Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng”. Dư âm ngày Tết vẫn còn, tiếng trống múa lân vang lên rộn ràng làm cho buổi lễ khởi động càng náo nhiệt thúc dục nhiều lượt người đến tham gia. Không phụ lòng ban Tổ chức, nhiều tiểu thương cùng nông dân đã tranh thủ đóng góp thêm khoảng 10 triệu ngay trong buổi lễ phát động; và nhiều xuồng ba lá của những hộ hành nghề câu lưới, ghe đục… cũng tranh thủ cùng hưởng ứng phong trào từ nguồn cá tại địa phương. Sức lan tỏa, sức thu hút và truyền lữa đã thật sự đến với cộng đồng...

Tuyên truyền không chỉ của riêng ai…

“Làm tốt công tác tuyên truyền vận động, biết dựa vào dân ắt mọi việc sẽ thành công” và “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Công tác tuyên truyền, vận động là công việc “dài  hơi” không của riêng ai. Nổ lực của chính quyền như phát tờ rơi, treo poster, triển khai các lớp tập huấn văn bản pháp luật về khai thác bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản hoặc dạy nghề cho các hộ chuyên khai thác, mua bán thủy sản tươi, sống… nhưng vẫn chưa đủ nếu không có sự phối hợp nhiệt tình của cộng đồng xã hội. Đừng vì “cái nghèo, kế sinh nhai ” hay những buổi nhậu nhẹt… mà hành động vô ý thức: đánh bắt ngay đợt phát động hoạt động thả cá. Xin cám ơn thật nhiều những mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân cùng chung tay thực hiện hoạt động đầy ý nghĩa này.

Huyện Phú Tân khởi động, các huyện thị thành khác sẽ tiếp nối và nối tiếp hoạt động này…

Thay lời kết, “Những cá mòi nhỏ này có thể nuôi sống gia đình chúng ta bây giờ, nhưng những mẻ cá mà chúng ta bắt được hôm nay có nghĩa là mai đây số cá lớn sẽ còn ít hơn nữa – và một tương lai bất trắc hơn đang chờ đón những người phải dựa vào nghề cá để kiếm sống” .

IVAN Trung tâm Giống thủy sản An Giang