TIN THỦY SẢN

Arab Saudi đặt mục tiêu tăng sản lượng tôm nuôi lên 200.000 tấn

Một khu nuôi tôm công nghiệp ở Trung Đông. Ngọc Ánh

Arab Saudi tuyên bố sẽ tiếp tục tăng sản lượng tôm nuôi lên 200.000 tấn vào năm 2025. Đây là một phần của chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản đầy triển vọng của quốc gia này, được công bố vào đầu năm nay.

Arab Saudi đang đầu tư 400 triệu USD với mục tiêu tăng tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản lên 600.000 tấn trong 5 năm tới, trong đó sản lượng tôm sẽ chiếm 1/3 thị trường nước này.

Theo Haydar Al Sahtout, cố vấn của Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản Arab Saudi, sản lượng tôm nước này dự kiến sẽ giảm trong năm 2019 từ 64.025 tấn xuống còn khoảng 50.000 tấn.

Tuy nhiên, sự sụt giảm này dự kiến sẽ chỉ xảy ra một lần do triển vọng đặt ra cao hơn, cố vấn cho biết tại hội nghị tôm Infofish gần đây ở Bangkok, Thái Lan.

Chính phủ Arab Saudi sẽ đưa ra chứng nhận Thực hành Nuôi trồng Thủy sản Tốt nhất (BAP) cho người nuôi tôm vào năm tới. 

Ông Al Sahtout lưu ý thêm quốc giaTrung Đông đã áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, nỗ lực chống lại dịch bệnh khi ngành nuôi trồng thủy sản phát triển.

Ở Arab Saudi, các trang trại nuôi tôm hầu như nằm dọc theo bờ phía nam của Biển Đỏ và không có trang trại riêng lẻ quy mô nhỏ - tất cả đều là dự án nuôi tích hợp theo chiều dọc, với nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, trang trại giống và các nhà máy đều được kết nối theo quy mô lớn.

Quốc gia này cũng được cung cấp tôm bố mẹ không có mầm bệnh cụ thể, hoặc tôm SPF (Specific Pathogen Free) bởi Charoen Pokphand Foods (CPF), Thái Lan, ông Al Sahtout cho biết thêm.

Trung Đông đặt mục tiêu tăng sản lượng tôm nhanh chóng

Sản xuất trên khắp Trung Đông có thể sẽ tuân theo sự lãnh đạo của Arab Saudi, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ nước này, dẫn đến một loạt các dự án mở rộng canh tác trên toàn khu vực, theo Al Sahtout.

Tuy nhiên, năm 2019 đã chứng kiến sự sụt giảm trong tổng sản lượng tôm trên toàn khu vực - chỉ dưới 100.000 tấn, do sự bùng phát của bệnh đốm trắng trên tôm.

Ông Robins Macintosh, phó chủ tịch điều hành của CPF, lưu ý rằng nông dân Arab Saudi cũng đã nhập khẩu tôm bố mẹ có khả năng kháng mầm bệnh. Tất cả mầm bệnh tiếp xúc từ các nguồn khác ngoài CPF, được cho là do lây lan bệnh đốm trắng.


Sản lượng tôm Trung Đông 2015-2019 và dự kiến đến năm 2021.

Sản lượng tôm ở Trung Đông được kì vọng sẽ tăng lên 500.000 tấn trước cuối năm 2030, cố vấn Al Sahtout cho biết.

Nguyên nhân là sự thúc đẩy của các dự án lớn của chính phủ tại Arab Saudi, Ai Cập và Iran, cũng như sự phát triển của các địa điểm sản xuất tôm mới ở Oman và Qatar.

Cuối năm 2017, Ai Cập đã mở một trang trại nuôi cá rô phi và tôm tích hợp mới, lớn nhất ở Trung Đông, với chi phí 90 triệu USD, được xây dựng trong mối quan hệ đối tác giữa Tập đoàn Trung Quốc Guangdong Evergreen và quân đội Ai Cập.

Theo ông Al Sahtout, ngành công nghiệp tôm thẻ định hướng xuất khẩu của Iran cũng hứa hẹn sẽ tăng mạnh trong thập kỉ tới.

"Năm 2018, sản lượng tôm của Iran đạt 45.000 tấn, chúng tôi dự kiến sản lượng thấp hơn một chút vào năm 2019, nhưng họ đang đặt mục tiêu tăng tới hơn 60.000 tấn vào năm 2021".


Sản lượng tôm Iran 2011-2019 và dự kiến đến năm 2021.

Các dự án lớn của chính phủ ở Oman và Qatar cũng đã đặt ra các mục tiêu sản xuất quy mô lớn. Oman đang phát triển 5 trang trại nuôi tôm với sự hỗ trợ từ Thái Lan và Singapore, với mục tiêu vào năm 2030 sẽ đạt 71.200 tấn tôm mỗi năm.

Trong khi đó, Qatar - hiện không có trang trại nuôi tôm - đang có kế hoạch thành lập một số trang trại ban đầu sử dụng công nghệ của Mỹ với khả năng sản xuất 3.000 tấn tôm mỗi năm, sau đó nhanh chóng tăng sản lượng hàng năm lên 100.000 tấn trong 5 năm tới.

Ngọc Ánh Vietnambiz