TIN THỦY SẢN

ASC - Chứng chỉ mới cho cá tra

Vung nuôi cá tra công ty Hùng Vương.

Năm 2010, WWF, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep) và Hội Nghề cá VN (Vinafis) đã ký một thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp cá tra sản xuất có trách nhiệm hơn với môi trường, xã hội, để đạt được chứng nhận của Hội đồng nuôi trồng thủy sản bền vững (ASC).

Theo cam kết, tới năm 2015, 50% sản phẩm cá tra sẽ đạt chứng nhận ASC. Tới thời điểm này, ngành cá tra VN đã đạt được mục tiêu đề ra: 6 DN chế biến xuất khẩu cá tra chiếm 10% sản lượng đã đạt chứng chỉ ASC và 30 Cty khác đang nỗ lực để đạt được chứng chỉ ASC trong thời gian tới.

Hiện nay, thị trường châu Âu như Đức, Hà Lan và Thụy Sỹ rất chú trọng tiêu chuẩn ASC. Các siêu thị của họ đã đặt hàng và chỉ trưng bày các sản phẩm cá tra VN có chứng nhận ASC với giá bán cao hơn so với sản phẩm bình thường từ 20-30cen/kg.

Ban đầu, DN có vùng nuôi cá tra chỉ phải đóng một khoản phí tư vấn cho đơn vị tư vấn nước ngoài. Chi phí này tùy thuộc vào số lượng vùng nuôi, đơn cử như Cty Nam Việt bỏ ra 200 triệu đồng phí tư vấn ASC cho 1 vùng nuôi. Đối với Cty Hùng Vương, chi phí để đạt chứng chỉ ASC khoảng 50 triệu/ha.

Để đầu tư cho ASC thì ao nuôi phải có hệ thống cống thoát nước thải. Theo phương pháp nuôi thông thường, Cty có 10 ao thì cả 10 ao đều được được sử dụng còn nuôi theo tiêu chuẩn ASC chỉ sử dụng 8 ao, 2 làm môi trường lắng và bơm bùn thải.

Chi phí chứng chỉ ASC cũng tương đương với chí phí để làm chứng nhận GlobalGAP. Nhưng ngược lại, tổ chức cấp chứng chỉ thu phí này sẽ trả 50% cho địa phương. Nơi các DN, người nuôi có chứng nhận thì phải đóng góp cho địa phương đó. Cụ thể, 1 kg cá nguyên liệu phải trích 5 đồng nộp phí ASC thì tổ chức đó lại trích 50% cho địa phương.

Đối với DN xuất khẩu, điều kiện xuất phải có nhà máy đạt được tiêu chuẩn tối thiểu, nhất là tiêu chuẩn bán lẻ SQF 1000 và một số tiêu chuẩn của VN như ISO… thì được đăng ký làm chứng chỉ ASC.

Việc có thêm chứng chỉ ASC không tạo nên sự chồng chéo cũng như tăng chi phí khá cao cho DN vì có sự phân chia thị trường. Thị trường nào cần chứng chỉ nào thì vùng nuôi chuyên theo chứng chỉ ấy.

Qua theo dõi quá trình làm ASC, chúng tôi nhận thấy các quá trình đầu tư, xây dựng cũng như kiểm soát về vấn đề nuôi trồng… đều được họ đưa lên trang web, truyền hình quảng cáo đã có những tác động rất tích cực mà trước đây các tổ chức về chứng nhận khác chưa làm được. Việc một tổ chức uy tín quốc tế thông qua chứng chỉ này tự quảng bá hình ảnh con cá của mình là rất hiệu quả.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp, Vasep, Hội Nghề cá nên ngồi lại để kết hợp với tổ chức WWF để quảng bá hình ảnh thay vì chúng ta bỏ tiền đi làm thương mại.

DDDN