Giải thích cơ chế cắt tảo ao nuôi bằng vi sinh
Trong quá trình nuôi tôm, sự xuất hiện và phát triển quá mức của các loại tảo độc như tảo lam, tảo giáp hay tảo mắt,… luôn là một thách thức lớn đối với người dân.
Để kiểm soát môi trường ao nuôi ổn định thì việc sử dụng chế phẩm vi sinh đang trở thành giải pháp hiệu quả và bền vững. Sử dụng vi sinh bổ sung đúng cách giúp cắt giảm mật độ tảo, cải thiện chất lượng nước và bảo vệ sức khỏe cho tôm nuôi. Vậy cơ chế cắt tảo của vi sinh là gì? Tại sao vi sinh có thể cắt tảo được?
“Cắt tảo” là thuật ngữ được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản mô tả quá trình kiểm soát hoặc giảm thiểu mật độ tảo trong ao nuôi. Đặc biệt là các loại tảo gây hại như tảo lam (cyanobacteria). Việc cắt tảo nhằm mục đích:
- Giảm mật độ tảo: Ngăn chặn sự phát triển quá mức của tảo, tránh hiện tượng nở hoa tảo (algal bloom) làm thiếu oxy và gây hại cho tôm cá.
- Ổn định chất lượng nước: Giảm thiểu hiện tượng nước bị đổi màu, mùi hôi và các vấn đề về môi trường nước do tảo phát triển mạnh.
- Hạn chế độc tố: Một số loại tảo có khả năng sản sinh ra các độc tố gây hại cho tôm cá nên việc cắt tảo giúp bảo vệ sức khỏe cho các loài thủy sản.
Phương pháp cắt tảo thường được thực hiện thông qua việc sử dụng chế phẩm vi sinh, chất diệt tảo hoặc kiểm soát các yếu tố môi trường như ánh sáng và dinh dưỡng trong ao nuôi. Dưới đây là bảng phân loại các loại tảo phổ biến trong ao tôm:
Loại tảo | Tên khoa học | Đặc điểm | Màu sắc | Vai trò/Tác động |
Tảo khuê | Bacillariophyta | Vỏ silic cứng, hình dáng đa dạng (tròn, elip, sao). Chứa sắc tố fucoxanthin | Vàng nâu | Là nguồn thức ăn tự nhiên cho ấu trùng tôm Tạo màu nước trà, giúp ổn định môi trường ao nuôi |
Tảo lam | Cyanophyta | Vi khuẩn quang hợp Dạng sợi hoặc đơn bào | Xanh lam hoặc xanh lục | Gây hiện tượng nở hoa khi phát triển quá mức Một số loài sản sinh độc tố, gây hại cho tôm và sinh vật khác |
Tảo lục | Chlorophyta | Chứa nhiều sắc tố chlorophyll Dạng sợi hoặc đơn bào | Xanh lục | Cung cấp oxy qua quang hợp Hấp thụ dinh dưỡng dư thừa, giúp cải thiện chất lượng nước |
Tảo giáp | Dinophyta | Có hai roi di chuyển Một số loài có khả năng phát sáng sinh học (bioluminescence). | Vàng nâu, đỏ | Một số loài gây hiện tượng thủy triều đỏ, gây độc cho tôm cá Tham gia vào chuỗi thức ăn của sinh vật phù du |
Mô tả các cơ chế mà vi sinh vật có lợi tác động đến tảo trong môi trường nước nuôi trồng thủy sản. Vi sinh vật không chỉ cạnh tranh nguồn dinh dưỡng mà còn sản sinh các hợp chất sinh học như kháng sinh và enzyme để ức chế sự phát triển của tảo có hại. Các cơ chế này bao gồm việc tạo ra kháng sinh như bacitracin, polymyxin, iturin và surfactin, giúp tiêu diệt hoặc ức chế tảo. Đồng thời, các enzyme như protease, cellulase và chitinase cũng được tạo ra để phá hủy tế bào tảo, làm thay đổi và ổn định pH môi trường, góp phần duy trì sự cân bằng hệ sinh thái ao nuôi.
Bản chất của tảo lam
Tảo lam hay còn gọi là vi khuẩn lam (cyanobacteria), là một nhóm vi sinh vật có khả năng quang hợp, tạo ra chất dinh dưỡng từ ánh sáng mặt trời, nước và carbon dioxide. Mặc dù được gọi là "tảo", nhưng thực chất chúng là vi khuẩn có cấu trúc tế bào đơn giản (prokaryote). Trong nhóm này, Microcystis sp. là một trong những chi phổ biến nhất, thường gặp trong ao nuôi thủy sản. Microcystis sp. dễ dàng phát triển mạnh khi môi trường nước giàu dinh dưỡng, gây ra hiện tượng nước có màu xanh lục hoặc xanh lam đặc trưng, còn gọi là "nở hoa tảo". Sự phát triển quá mức của Microcystis sp. không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nước mà còn có thể sản sinh độc tố microcystin, gây hại cho sức khỏe tôm cá và các loài thủy sinh khác.
Bản chất màu trà (màu vàng nâu) trong ao tôm
Tảo khuê (tảo silic, tảo cát): Đây là nguyên nhân chính tạo ra màu nước trà tự nhiên trong ao. Tảo khuê phát triển mạnh trong môi trường nước lợ, mặn và ao có độ kiềm cao. Thường xuất hiện ở đầu vụ nuôi.
Vi sinh vật: Một số loài vi khuẩn như Bacillus spp. và Rhodopseudomonas spp. có thể sản sinh sắc tố màu vàng hoặc nâu, góp phần tạo màu nước trà.
Cơ chế cắt tảo khi dùng vi sinh
Các chế phẩm vi sinh như Bacillus spp., Rhodopseudomonas spp., Saccharomyces cerevisiae, và Actinomyces spp. được sử dụng để kiểm soát mật độ tảo lam trong ao nuôi thông qua các cơ chế chính như sau:
Bacillus spp.
- Tiết ra chất kháng sinh: sản xuất các kháng sinh như bacitracin và polymyxin có khả năng ức chế sự phát triển của tảo lam.
- Phân hủy enzyme: Enzyme như protease và cellulase được tiết ra giúp phá hủy cấu trúc tế bào tảo, làm suy yếu và chết tảo.
- Cạnh tranh dinh dưỡng: tiêu thụ nhanh các chất dinh dưỡng chứa nitơ và phốt pho. Đồng thời làm giảm nguồn dinh dưỡng cho tảo lam.
- Phân hủy chất hữu cơ: Giảm lượng chất hữu cơ dư thừa trong ao nuôi (thức ăn thừa, xác tảo chết) từ đó làm giảm môi trường sống và ngăn chặn phát triển của tảo lam.
Rhodopseudomonas spp.
- Kháng sinh và ức chế quang hợp: sản xuất các chất kháng sinh và các hợp chất ức chế quang hợp làm giảm khả năng phát triển của tảo lam.
- Cạnh tranh ánh sáng và dinh dưỡng: Với đặc tính quang hợp, Rhodopseudomonas spp. cạnh tranh ánh sáng với tảo lam, đồng thời sử dụng các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình sinh trưởng.
Saccharomyces cerevisiae
Phân hủy chất hữu cơ: tiết ra các enzyme như protease và amylase giúp phân hủy các chất hữu cơ phức tạp thành các chất đơn giản hơn. Điều này làm giảm lượng dinh dưỡng dư thừa trong ao, gián tiếp hạn chế sự phát triển của tảo lam.
Actinomyces spp.
- Sản xuất kháng sinh: Các kháng sinh tự nhiên như streptomycin và tetracycline do Actinomyces spp. sản xuất giúp ức chế sự phát triển của tảo lam.
- Cạnh tranh dinh dưỡng: Mặc dù không phải là cơ chế chính, Actinomyces spp. cũng góp phần làm giảm nguồn dinh dưỡng cho tảo lam.
Lợi ích của việc dùng vi sinh để cắt tảo
- Ổn định môi trường: Vi sinh giúp giảm mật độ tảo lam, ổn định chất lượng nước, cải thiện khả năng trao hô hấp động vật nuôi, giảm thiểu nguy cơ thiếu oxy.
- Tăng cường sức khỏe thủy sản: Bằng cách kiểm soát mật độ tảo, vi sinh giúp cải thiện điều kiện sống, giảm stress cho tôm cá và tăng cường sức đề kháng.
- Giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ: Quá trình phân hủy các chất hữu cơ dư thừa giúp duy trì môi trường nước sạch hơn, hạn chế nguy cơ bùng phát tảo độc.
Hướng dẫn sử dụng chế phẩm vi sinh
- Thời điểm: Tốt nhất nên bổ sung vào tối khi nước mát, tốt nhất là 23h để cắt tảo.
- Lưu ý: Không sử dụng cùng lúc với các hóa chất diệt khuẩn hoặc kháng sinh để tránh làm giảm hiệu quả của chế phẩm vi sinh. Ngoài ra, có thể bổ sung 1 nhịp vôi CaO với liều 15-20 ppm kèm vôi CaCO3 liều 30-40 ppm tùy giai đoạn và mô hình nuôi kết hợp 1-3 ngày sẽ hiệu quả.
Kết luận
Việc sử dụng vi sinh cắt tảo trong nuôi trồng thủy sản là phương pháp an toàn và hiệu quả để kiểm soát tảo gây hại ao nuôi. Bằng cách tận dụng cơ chế cạnh tranh dinh dưỡng, sản sinh enzyme và kháng sinh tự nhiên từ vi sinh giúp giảm mật độ tảo một cách hiệu quả mà không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe tôm cá.