TIN THỦY SẢN

Ấu trùng Leptocephalus - Tiền thân của cá chình nước ngọt

Ấu trùng Leptocephalus. Ảnh: afamily.vn Nguyệt Hoa

Ít ai biết rằng cá chình nước ngọt mà chúng ta vẫn hay thấy từng tồn tại trong hình dáng của một ấu trùng có màu trong suốt như một dải thủy tinh biết di chuyển trong môi trường nước.

Loài cá có thân hình trong suốt 

Ở giai đoạn ấu trùng (tên khoa học là Leptocephalus) cá chình hay được biết đến với tên gọi là cá chình kính. Bởi lúc này, ấu trùng của cá chình kính có thân hình dẹt phẳng và trong suốt đến mức chúng ta có thể nhìn xuyên qua cơ thể của chúng. 

Được biết, ấu trùng này còn là một dạng ấu trùng của một số loài cá chình biển và cá lịch biển. 

Tuy nhiên, cơ thể trong suốt này chỉ đồng hành với cá chình trong thời kỳ đầu khi trứng mới nở vì tới giai đoạn trưởng thành thì chúng sẽ trải qua một quá trình biến đổi và bắt đầu có màu sắc, thường là chuyển thành trắng đục mà khi đó người ta gọi chúng là elver. Bên cạnh đó, mắt của chúng cũng dần mở rộng hơn. 

Thông thường, ấu trùng này được phát hiện ở độ sâu 100m bên dưới mặt nước biển tại các con sông, đập, phá, hồ nước ngọt,... Nhưng khi bước vào mùa sinh sản, chúng sẽ di chuyển ra biển để đẻ trứng ở vùng biển có mực nước sâu khoảng 300m. Sau khi đẻ xong, những con cái sẽ chết trên biển. 

Lúc này, những quả trứng mới đẻ sẽ nở ra ấu trùng trong suốt sau khoảng từ 2 đến 10 ngày rồi dựa vào sự tác động của dòng chảy về phía bờ biển, những con cá chình kính không màu tí hon này (hay còn gọi là glass eel) sẽ được đưa dạt vào bờ biển và vào các cửa sông, tức nơi các tổ tiên chúng từng sinh sống. 

Dù không có bất kỳ sự dẫn dắt nào, những chú cá chình non vẫn phải tự tìm cách di chuyển vào các vùng đầm lầy, hồ, nhánh sông nước ngọt để tiếp tục duy trì sự sống.  

Cứ như thế, khi đến tuổi sinh sản, chúng lại thực hiện chuyến di cư ra biển và vòng đời của cá chình kính cứ liên tục nối tiếp nhau. 

Thân hình trong suốt rất lạ mắt. Ảnh: cflas.org

Một giải pháp nhằm bảo tồn quần thể cá chình kính tự nhiên 

Tại Nhật Bản, người tiêu dùng khá ưa chuộng những món ăn chế biến từ cá chình nước ngọt. Tuy nhiên,  để tạo ra những con cá chình thương phẩm ở các trang trại thì đa số chúng được nuôi từ những ấu trùng cá chình có nguồn gốc từ môi trường tự nhiên. 

Hiện tại, đây được cho là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm giảm sức ép từ việc đánh bắt quá mức cá chình ở tự nhiên cũng như góp phần ổn định và gia tăng số lượng cá chình giống giống để cung cấp cho thị trường. 

Song, quy trình nuôi từ lúc cá chình chỉ là ấu trùng đến cá chình thương phẩm diễn ra rất khó khăn. Nguyên nhân đến từ việc các nhà sản xuất cá chình không thể cung cấp cho ấu trùng loại thức ăn giống ở môi trường tự nhiên là “tuyết biển” mà chỉ có thể tạo ra một loại thức ăn nhân tạo có kết cấu dạng hồ bột từ trứng cá mập. Để kích thích ấu trùng ăn chúng, họ đã dựa vào nguyên lý của một hợp chất hóa học nào đó có trong noãn hoàng. 

Thêm nữa, khó khăn trong việc để tất cả ấu trùng tiếp cận với nguồn thức ăn được quết dưới đáy bể cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến một lượng lớn ấu trùng chết. Bởi không phải ấu trùng nào cũng đủ sức bơi xuống đáy và có được khả năng tiêu hóa tốt loại thức ăn này. 

Như vậy, để có thể phát triển ngành công nghiệp nuôi cá chình trong chu trình khép kín đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải giải quyết được vấn đề về loại thức ăn mới và cải thiện hệ thống nuôi cho ấu trùng. Có như thế, loại ấu trùng trong suốt như thủy tinh này mới có thể sinh trưởng tốt trong môi trường nhân tạo. 

Nguyệt Hoa