Vì sao nên ưu tiên diệt tảo vào ban đêm thay vì ban ngày?
Tảo hay gọi chung là “thủy sinh thực vật” – một thành phần không thể thiếu trong nuôi tôm. Tuy nhiên, sự phát triển quá mức của tảo (hay hiện tượng nở hoa tảo) lại mang đến nhiều rủi ro, đặc biệt khi xử lý không đúng thời điểm.
Việc diệt tảo vào ban ngày tưởng chừng hợp lý nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe tôm mà làm giảm năng suất vụ nuôi. Vì sao việc diệt tảo vào ban đêm lại được khuyến khích hơn?
Lợi và hại của tảo đối với ao tôm
Những loại tảo có lợi như tảo khuê, tảo lục,…sẽ là mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn của tôm, chúng đóng vai trò như một hệ thống lọc sinh học trong môi trường nước giúp ổn định các thông số môi trường. Tảo quang hợp và sản sinh ra nguồn O2 dồi dào cung cấp cho tôm, che chắn ánh sáng hạn chế rong đáy phát triển,…
Ngược lại, các loài tảo lam, tảo giáp, tảo mắt,…là những loại tảo có hại trong ao. Vì tảo cũng là thức ăn, mà tôm thì không thể phân biệt được tảo nào có lợi và tảo nào có hại. Khi tôm ăn vào các loại tảo trên có thể bị ngộ độc, mắc các bệnh đường ruột và tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh khác tấn công, gây bệnh nặng hơn. Các tế bào tảo lam, tảo giáp rất dễ bị mắc kẹt trong đường ruột và mang tôm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hô hấp và tiêu hóa của tôm.
Khác với tảo khuê và tảo lục khi tảo độc phát triển quá mức sẽ cạnh tranh với tôm nuôi về mặt O2 và dinh dưỡng. Hơn thế nữa là gây ra hiện tượng nở hoa ảnh hưởng tiêu cực đến tôm nuôi.
Tảo nở hoa là nguyên nhân làm tôm mắc các bệnh về đường ruột và gan tụy.
- Hiện tượng tảo nở hoa làm tôm dễ mắc các bệnh về đường ruột nếu ăn phải chúng. Tảo tích tụ trong cơ thể tôm làm tôm yếu đi và dễ mắc các bệnh như phân lỏng, đứt đoạn, phân trắng, tắc nghẽn đường ruột.
- Tảo nở hoa rất nhanh sẽ dẫn đến hiện tượng tảo tàn, quá trình phân hủy xác tảo chiếm rất nhiều oxy của ao và sinh ra độc tố khiến tôm dễ mắc bệnh hoại tử gan tụy.
- Tảo phát triển mạnh làm các yếu tố môi trường biến động lớn, đặc biệt là pH. Quá trình hô hấp vào ban đêm của tảo sẽ hấp thu một lượng lớn O2 trong nước và thải ra một lượng lớn CO2, làm pH giảm thấp. Với điều kiện thiếu oxy và pH thấp làm tôm dễ nổi đầu buổi sáng, hệ miễn dịch của tôm sẽ suy yếu và dễ mắc bệnh. Đồng thời quá trình phân hủy xác tảo cũng làm tăng nồng độ khí độc trong ao.
- Nước phát sáng: Một số loài tảo giáp có tính phát quang, khi nở hoa sẽ phát sáng ảnh hưởng đến tập tính của tôm.
Một số cách cắt tảo
- Sử dụng đồng sunfat (CuSO4).
- Sử dụng Clorine.
- Cắt tảo bằng vôi.
- Cắt tảo bằng vi sinh.
Nhận biết thời điểm cần cắt tảo
Đầu tiên, nếu muốn tiến hành cắt tảo, người nuôi cần biết nhận biết các dấu hiệu như sau để biết lượng tảo trong ao đã đến thời điểm cần diệt:
- Độ trong của nước dưới 30cm.
- Độ pH buổi chiều hôm nay cao hơn 0,2 so với buổi chiều hôm qua hoặc pH buổi chiều cao hơn pH buổi sáng 0,5.
- Oxy buổi sáng dưới 3 ppm, tôm nổi đầu vào nửa đêm hoặc sáng sớm.
- Tôm có dấu hiệu giảm ăn (canh nhá).
Vì sao nên tiến hành cắt tảo vào ban đêm?
Khi thực hiện cắt tảo nên tiến hành vào ban đêm (khoảng 9h - 11h), bởi vì có 2 nguyên do:
Vào ban ngày, tảo hoạt động mạnh do thực hiện quang hợp hấp thụ khí CO2 tạo ra oxy và năng lượng. Lúc ban đêm, tảo hấp thụ khí oxy để đốt năng lượng dự trữ, giai đoạn này là lúc tảo yếu nhất. Vì vậy, cắt tảo lúc này sẽ giúp diệt được triệt để hơn và ít cực công.
Thêm vào đó, vào ban đêm tôm cũng trở nên ít hoạt động và hô hấp ít hơn, khi đó ta thực hiện các biện pháp cắt tảo vào thời điểm này sẽ hạn chế ảnh hưởng đến tôm, không khiến tôm bị stress hay sốc.
Trong khoảng thời gian này, bà con có thể tiến hành đánh vi sinh diệt tảo bởi đây là thời điểm tảo yếu nhất trong ngày. Vào ban đêm, tảo lấy nitơ hữu cơ từ phân tôm và thức ăn dư thừa để làm chất dinh dưỡng, do đó, việc đánh vi sinh vào thời điểm này sẽ cạnh tranh nguồn dinh dưỡng với tảo khiến tảo bị cắt nguồn thức ăn đột ngột và chết dần.