TIN THỦY SẢN

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tôm chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Gần 2 tháng qua, nhiều người nuôi tôm thẻ chân trắng trên các vùng nuôi dọc sông Ray (Phước Thuận, Láng Dài, Lộc An) điêu đứng vì tôm chết đồng loạt. Điều đáng quan tâm hiện nay là người nuôi tôm chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh để có những giải pháp chữa trị hiệu quả.

Nhiều hộ ngư dân xã Phước Thuận (Xuyên Mộc - Bà Rịa - Vũng Tàu) trắng tay sau đợt bệnh vừa qua. Trong ảnh: Ao tôm bị bệnh đã được tháo cạn chờ nuôi lại vụ sau.

HƠN 90% AO NUÔI BỊ THIỆT HẠI

Những ngày này, vùng nuôi thủy sản dọc sông Ray không còn cảnh nhộn nhịp, hối hả của người nuôi cho những công việc chăm sóc ao nuôi tôm thường ngày, thay vào đó là sự đìu hiu, trống vắng. Trên các vùng nuôi, lác đác vài công nhân dọn dẹp vệ sinh, cày xới đất cho ao, nhiều dàn quạt sục khí nằm ngổn ngang trên bờ… Ông Vũ Đức Chính, Phó trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Xuyên Mộc cho biết, vụ rồi diện tích thả giống toàn vùng nuôi tôm khoảng 170 ha, gần 2 tháng qua có hơn 90% diện tích tôm nuôi trong vùng bị chết, nhiều người mất bạc tỉ.

Ông Nguyễn Đăng Nhân, một trong những người nuôi tôm “sành sỏi” ở xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) cho biết, vụ rồi, ông xuống giống gần 7 ha, tôm nuôi chưa đầy 1 tháng bỗng nhiên bỏ ăn, chỉ trong vòng 3 ngày, tôm chết gần hết, thiệt hại ước tính gần cả tỉ đồng.

Nhiều người nuôi tôm đã tìm mọi cách để cứu vớt các ao nuôi nhưng cũng không có hiệu quả. Ông Ngô Văn Thức, người vừa bị “mất trắng” hơn 5 ha nuôi tôm, ở xã Phước Thuận cho biết, khi những ao nuôi đầu bị bệnh, tôm chết nhanh, ông vội vàng mang mẫu đến các Trung tâm xét nghiệm nhưng không xác định được bệnh gì; nghe mách bảo, ông lặn lội ra tận Huế, bỏ hơn chục triệu đồng mua sản phẩm Nano bạc để mong cứu số ao còn lại, nhưng cuối cùng những ao còn lại cũng mất trắng.

Tương tự, nhiều hộ nuôi tôm tại xã Lộc An, Láng Dài (thuộc huyện Đất Đỏ) cũng trắng tay do tôm chết hàng loạt, thiệt hại từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng.

GIẢI PHÁP NÀO?

Theo ông Vũ Đức Chính, hiện tượng tôm chết đồng loạt thời gian qua đều có biểu hiện bệnh giống nhau. Cụ thể, tôm nuôi trong vòng 30 ngày có dấu hiệu bỏ ăn (ăn giảm 20% về lượng) và bắt đầu chết lác đác, chỉ 3 ngày kế tiếp, tôm chết đồng loạt. Kiểm tra bằng cảm quan cho thấy, gan, tụy của tôm bị teo hoặc trắng gan, kết quả kiểm tra tại các Trung tâm kiểm nghiệm chưa phát hiện virus… “Hiện nay, chúng tôi chưa xác định được tôm chết do bệnh gì, nên rất khó đưa giải pháp khuyến cáo người nuôi tôm điều trị hiệu quả” - ông Chính nói.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, nhận định: Thời điểm này không phải là vụ thuận cho vùng nuôi dọc sông Ray, sự chênh lệch quá lớn về nhiệt độ giữa ngày và đêm, kéo theo các yếu tố môi trường khác bất lợi cho tôm, làm cho tôm bị sốc và rất dễ bị bệnh tấn công. Hơn nữa, do nguồn giống tốt không đáp ứng nhu cầu nên nhiều người nuôi phải mua con giống trôi nổi, chưa qua kiểm tra loại trừ mầm bệnh, do đó khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi, bệnh dễ phát triển và lây lan trên diện rộng. Ông Cường khuyến cáo, hiện nay các ao nuôi tôm bị chết bà con không nên tiếp tục thả giống, phải cải tạo ao theo đúng quy trình kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư hướng dẫn để loại bỏ những mầm bệnh vụ rồi, chờ đến vụ thuận (đầu mùa mưa đến) mới thả giống lại. Người nuôi nên chọn giống của những công ty có uy tín, trong trường hợp mua giống các nơi khác thì nên đến những trung tâm kiểm nghiệm như Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, Trung tâm Quốc gia giống Hải sản Nam bộ, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II… để kiểm tra, loại trừ những con giống mang mầm bệnh nhằm hạn chế thiệt hại trong vụ nuôi tiếp.

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu