TIN THỦY SẢN

Bạc Liêu phát triển mạnh mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Chế biến tôm xuất khẩu tại TP. Bạc Liêu. Tú Anh

Năm 2020, sản xuất nông nghiệp của tỉnh tuy đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, song, với quyết tâm vượt khó hóa giải các “nguy cơ” thành “thời cơ” theo hướng thích ứng sống chung với hạn mặn, chủ động ứng phó với dịch theo phương châm “vừa sản xuất, vừa chống dịch” nên tình hình sản xuất tiếp tục được duy trì và giữ vững tăng trưởng.

Đứng đầu quốc gia về nuôi tôm công nghệ cao

Đối với tỉnh Bạc Liêu, thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt mô hình nuôi tôm siêu thâm canh là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Năm 2020, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh đạt 25.800ha (tăng 31,41% so với năm 2015), cho tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy hải sản năm 2020 ước đạt 400.000 tấn (tăng 34% so với năm 2015 và tăng 8,10% so với mục tiêu nghị quyết). Trong đó, sản lượng tôm 200.000 tấn (tăng 68,57% so với năm 2015 và tăng 36% so với mục tiêu nghị quyết).

Hiện toàn tỉnh có gần 30 công ty, đơn vị đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng công nghệ nhà màng của Israel; công nghệ cho ăn tự động của Úc; công nghệ sinh học xác định tình trạng sức khỏe của tôm và 467 hộ dân tham gia mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn với tổng diện tích 2.250ha (tăng gấp 29,6 lần so với năm 2015) và cho tổng sản lượng thu hoạch 47.500 tấn (năng suất bình quân 21,11 tấn/ha).

Với thế mạnh này, Bạc Liêu được xem là địa phương có nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao hàng đầu quốc gia, có thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, Bạc Liêu có 4 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có 7 đơn vị được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản. So với các mô hình truyền thống, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao cho năng suất tăng từ 10 - 15 lần so với nuôi tôm thông thường.

Đặc biệt, trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất, mô hình canh tác tôm - lúa đều tăng qua từng năm, về diện tích, năng suất và giá trị gia tăng (năm 2020, diện tích đạt 39.578ha, tăng 10.000ha so với năm 2015), đây là mô hình phát triển bền vững, lợi nhuận cao hơn từ 15 - 30% so với độc canh cây lúa. Bạc Liêu còn là tỉnh đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước trong sản xuất tôm giống chất lượng cao (chiếm hơn 50% của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khoảng 22% cả nước), có 23 nhà máy chế biến, xuất khẩu tôm với tổng công suất thiết kế 135.000 tấn/năm, đứng thứ 3 cả nước, góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm tôm của tỉnh. Đến nay, tỉnh đã đầu tư hoàn thành gần 90% hạ tầng kỹ thuật Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và tuyển chọn được 9 doanh nghiệp, nhà đầu tư vào khu này.


Nông dân huyện Phước Long thu hoạch tôm trên đất lúa. Ảnh: K.T

…Vẫn còn gặp khó

Tất cả những yếu tố trên đang từng bước hình thành động lực để phát triển Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm với toàn bộ chuỗi giá trị từ tôm bố mẹ, tôm giống, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ, thương mại về tôm của cả nước; đồng thời ngành Nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò “trụ đỡ”, góp phần duy trì đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Nuôi trồng thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn và có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, tỉnh cũng đã và đang đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là kết cấu hạ tầng về điện, giao thông, thủy lợi… vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển. Chẳng hạn như hệ thống điện 3 pha phục vụ các vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh chỉ mới đạt gần 40% diện tích nuôi tôm; hệ thống kênh mương bị bồi lắng nhanh, nhất là ở khu vực phía Nam Quốc lộ 1A; hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển... đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn để đầu tư hàng năm nhưng khả năng đầu tư của tỉnh còn hạn chế.

Mặt khác, nguy cơ ô nhiễm môi trường vùng nuôi trồng thủy sản là rất cao (nhất là các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh); Chính sách đầu tư tín dụng để phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn khó khăn, nhất là nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông dân phát triển này. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giá tôm nguyên liệu giảm 15 - 20% so với cùng kỳ, làm ảnh hưởng đến tâm lý người nuôi tôm…

Tất cả những khó khăn trên đã được ngành Nông nghiệp kiến nghị và tập trung các giải pháp tháo gỡ, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành tôm công nghiệp của cả nước.

Theo Sở NN&PTNT, để tháo gỡ những khó khăn hiện nay và góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, thi đua hoàn thành nhiệm vụ và tạo tiền đề cho những năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Tập trung đầu tư đưa vào khai thác Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, các vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, tôm - lúa..., đồng thời có các giải pháp hiệu quả hơn trong xử lý môi trường nuôi tôm. Thực hiện có hiệu quả đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; trọng tâm là nuôi tôm công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị, sản xuất sạch, hữu cơ. Tiếp tục phát triển các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể); ưu tiên phát triển diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ và có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC, hữu cơ…) vào các vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao và đảm bảo các thông số kỹ thuật của tôm xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã số, mã vạch hộ nuôi, ao nuôi, vùng nuôi. Thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo môi trường, dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh để giảm thiểu rủi ro, nâng cao thu nhập cho người nuôi.

Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với nông dân, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân; tổ chức sản xuất các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, theo chuỗi giá trị khép kín, phát triển bền vững, hiệu quả gắn với xây dựng cánh đồng lớn; xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo khuyến nghị của Tổ chức Thú y Thế giới và yêu cầu của Úc để có thể xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con sang Úc.

Tú Anh Báo Bạc Liêu