Bạc Liêu: Thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ tôm
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Bạc Liêu, tuần cuối tháng 11-2012, sản lượng tôm thu hoạch được trên 3.000 tấn và các nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh đã mua trên 500 tấn tôm nguyên liệu cho chế biến, nghĩa là lượng tôm nguyên liệu hoàn toàn đáp ứng đủ cho nhu cầu chế biến xuất khẩu của doanh nghiệp trong tháng 12-2012.
Thế nhưng, trong thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu lại đang kêu thiếu tôm nguyên liệu để chế biến xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp hiện nay phải ngừng hoạt động, hay hoạt động cầm chừng vì không có nguồn tôm nguyên liệu đúng vào thời điểm các doanh nghiệp đang tập trung cho chế biến, nhằm phục vụ nhu cầu của thị trường cuối năm.
Tuần cuối tháng 11, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ thu mua hơn 280 tấn thủy sản để chế biến. Trong đó, tôm nguyên liệu chiếm hơn 250 tấn, còn lại là các loại thủy sản khác. Có sự “vênh” nhau khá lớn giữa các con số báo cáo và thực tế, do lượng tôm nguyên liệu còn lại “chạy” ra ngoài tỉnh.
Thực tế cho thấy, thiếu sự liên kết giữa "các nhà" trong sản xuất, tiêu thụ tôm, chưa có doanh nghiệp chế biến thủy sản nào trên địa bàn tỉnh có sự đầu tư cho con tôm hay có hợp đồng bao tiêu con tôm cho người sản xuất.
Các doanh nghiệp đều kinh doanh theo kiểu “mạnh ai nấy làm” lúc thiếu tôm nguyên liệu thì chạy nháo nhào, đẩy giá lên miễn sao mua cho được nguyên liệu. Có lúc tôm ngoại lấn át tôm nội, thì ngay tức thì tôm nguyên liệu rớt giá thê thảm và không có người mua. Doanh nghiệp thiếu hẳn một chiến lược kinh doanh ổn định lâu dài để phục vụ cho chế biến xuất khẩu.
Tình trạng này đã tồn tại từ nhiều năm nay và cũng chưa biết bao giờ mới có giải pháp khắc phục. Người nuôi tôm ở Bạc Liêu năm nay gặp rất nhiều rủi ro và khó khăn do tôm tiếp tục chết nhiều, trên diện rộng. Diện tích tôm chết đã lên đến hơn 16 ngàn ha, gây thiệt hại rất lớn cho người nuôi tôm. Hiện tại dù các nhà máy kêu thiếu tôm nguyên liệu, nhưng giá tôm cũng đang giảm từ 70.000 đồng đến gần 100.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2011.