Bán tôm kèm… đinh ốc: Xuất khẩu nhận “quả đắng”?
Những chiêu trò gian lận về sản phẩm khi xuất khẩu không những khiến cho DN phải nếm “quả đẳng” mà toàn ngành còn phải chịu liên đới.
Là một trong người thực hiện nhiệm vụ kết nối giao thương giữa các DN Việt Nam và Nhật Bản, ông Đỗ Văn Dũng - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản, cho biết người Nhật rất “mếm” người Việt.
Song điều đó không có nghĩa là người Nhật cũng sẽ “thích” và chọn hàng Việt. Nguyên do là sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chưa đủ độ tin tưởng đối với người tiêu dùng nước này.
Vị này kể câu chuyện, có trường hợp DN xuất khẩu tôm của Việt Nam xuất sang thị trường này, đã đóng… “đinh” vào thân mỗi con tôm để tăng trọng lượng. Khi lô hàng được đưa sang, các nhà nhập khẩu phát hiện, DN không những phạt mà còn bị “cấm cửa”.
Một vi phạm, cả ngành hứng chịu
Cũng theo ông Dũng, một số lô hàng xuất sang còn bị phát hiện tồn dư thuốc kháng sinh vượt mức cho phép. Thực tế này khiến cho ngành tôm phải chịu “liên đới”, với sự kiểm soát ngặt nghèo hơn của cơ quan chức năng nước này.
Thay vì kiểm dịch 30% lô hàng, thì toàn bộ 100% lô hàng tôm xuất khẩu sang đều bị kiểm dịch với các tiêu chí khắt khe. Yêu cầu ngặt nghèo đã khiến cho DN chịu thêm chi phí lưu kho, lưu bãi. Đến nỗi, gần đây cơ quan nông nghiệp của Việt Nam phải sang làm việc và đề nghị, có điều chỉnh lại.
Câu chuyện con tôm xuất sang Nhật không phải là mới, khi mà hàng loạt các mặt hàng nông, thủy sản khác của Việt Nam xuất sang các thị trường “khó tính” bị trả về hoặc bị phạt, do vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sơn, Phó Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế và kinh tế (Bộ Công Thương) cho biết, trong số các mặt hàng vi phạm quy định của nước nhập khẩu, có nhiều sản phẩm chủ lực như gạo, chè, trái cây, thủy sản…, các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều yêu cầu rất khắt khe về chất lượng sản phẩm thực phẩm, nông sản.
Thời ăn ngon mặc đẹp sao vẫn tư duy “sản lượng”?
Trong khi đó, các DN sản xuất, chế biến xuất khẩu của ta năng lực lại rất hạn chế. Không chỉ đơn giản là nâng cao công nghệ, mà phải đảm bảo cả quy trình sản xuất từ vùng nuôi trồng, thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật đến chế biến, bảo quản.
Thậm chí, nhiều DN còn có tư duy làm ăn “chộp giật”, “ăn sổi” nên chưa có sự đầu tư bài bản. Đến nỗi, khi kể câu chuyện về người nông dân chọn giống lúa gạo, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bày tỏ sự ngạc nhiên và lo lắng.
Vị chuyên gia này cho biết, khi hỏi người nông dân tại sao không trồng giống lúa để bán được 100.000 đồng/kg, mà cứ trồng giống lúa chỉ bán được 10.000 đồng/kg, họ nói trồng lúa bán giá thấp dễ làm mà năng suất cao hơn.
“Họ nói rằng giống lúa loại 100.000 đồng/kg vừa khó làm mà năng suất lại thấp. Giờ là thời ăn ngon, mặc đẹp rồi, tôi không hiểu sao làm kinh tế mà vẫn có tư duy như thế” - Ông Thiên lo ngại.
Vị chuyên gia này còn băn khoăn: “Nhiều chuyên gia hỏi tôi, tại sao chiến lược quốc gia cứ theo đuổi hàm lượng thô, tăng sản lượng mà không phải là chất lượng?”.
Xuất khẩu nông, lâm thủy sản 6 tháng đầu năm giảm 2,8% so với cùng kỳ, riêng nông sản giảm 7,4%. Không chỉ do tác động của tỷ giá, mà một phần nguyên nhân đến từ việc hàng loạt các lô hàng xuất khẩu bị trả về, đã ảnh hưởng lớn đến kim ngạch chung.
Điều đáng nói là dù đã có những cảnh báo, hay phải nhận “quả đắng” khi bị phạt và hàng bị trả về, song theo ông Sơn thì nhiều DN vẫn chủ quan. Thậm chí có những trường hợp vẫn sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc không đạt tiêu chuẩn nên dư lượng vượt mức cho phép; hoặc trà trộn sản phẩm có chất lượng kém vào lô hàng…
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh ý thức của DN và thay đổi tư duy trong sản xuất, cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước để người sản xuất và DN nâng cao hơn nữa năng lực, ứng dụng công nghệ để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu.