Sản xuất giống thủy sản nước ngọt đa loài và mô hình nuôi
Thực hiện chủ trương giảm khai thác, tăng nuôi trồng, việc nghiên cứu sản xuất giống đa loài với các mô hình nuôi có vai trò quan trọng và nhiều năm qua được chú trọng đã đạt thành tựu đáng ghi nhận. Sau đây xin giới thiệu kết quả ở Trường Thủy sản thuộc Trường Đại học Cần Thơ qua thống kê của PGS.TS Phạm Thanh Liêm.
Lịch sử nghề nuôi cá nước ngọt ở miền Nam
Hình thành từ những năm 1960, chủ yếu nuôi cá trong lồng bè và nuôi cá tra trong ao nhỏ. Cá giống đánh bắt từ tự nhiên. Trước 1975, nghề nuôi cá bè phát triển ở Châu Đốc, Châu Phú, Phú Châu, Chợ Mới của tỉnh An Giang và khu vực miền Đông Nam bộ như Sài Gòn, Đồng Nai. Loài nuôi chính là cá ba sa, cá tra, cá chài, he vàng, lóc bông.
Thời kỳ này cũng đã có một số loài được nhập khẩu để sản xuất giống như cá mùi, rô phi vằn, trê phi. Tuy nhiên, việc sản xuất giống cá nước ngọt chưa phát triển, toàn miền Nam chỉ có 21 trại giống cá.
Đến những năm đầu thập niên 1980, cùng với sự di nhập các loài cá mè trắng, mè hoa, trắm cỏ, cá chép từ miền Bắc, sản xuất giống cá nước ngọt bắt đầu phát triển ở miền Nam. Từ sau năm 1990, bên cạnh các loài nuôi truyền thống (cá tra, ba sa), các loài cá nhập nội (cá mè, chép, trôi, trắm, rô phi), nhiều loài mới được đưa vào nuôi như bống tượng, trê lai, mè vinh, rô phi đỏ, cá lóc, rô đồng, cá chim trắng … Kỹ thuật sản xuất giống cũng được quan tâm phát triển, đã có hơn 70 loài cá sản xuất giống thành công.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu các loài nuôi không chỉ thoả mãn về thực phẩm mà còn tạo ra sản phẩm hàng hóa cho xuất khẩu, và cả nuôi cảnh - giải trí. Nhu cầu giống đa loài với các mô hình nuôi không ngừng phát triển.
Thuần hóa và sản xuất giống các loài bản địa có giá trị kinh tế
Trước tiên là nhóm cá da trơn. Dùng kỹ thuật kích thích sinh sản nhân tạo thành công các loài cá da trơn thuộc họ Pangasiidae như cá ba sa, cá tra, cá hú, cá tra bần, cá vồ đém; đến nay đã rất thuần thục.
Bên cạnh, kỹ thuật kích thích sinh sản ứng dụng thành công trên cá leo, cá kết... Với cá kết đã cho sinh sản được 120.000-160.000 trứng/kg cá, tỷ lệ ương giống 12-18%, tỷ lệ nở 80-85%. Với cá leo đã cho sinh sản được 70.000-80.000 trứng/kg cá, tỷ lệ cá sống sau 1 tháng 12-15%.
Sản xuất giống cá trê Phú Quốc (Clarias gracilentus): Tỉ lệ thành thục của cá cái 78,6-80%, sức sinh sản 12.000 – 28.000 trứng/kg cá, kích thích sinh sản não thùy (2 mg/kg)+ HCG (4.000 IU/kg). Cá con ăn thức ăn chế biến từ ngày 20 với tỉ lệ sống đạt trên 70%.
Sản xuất giống cá sát sọc (Pangasius macronema): Tỉ lệ thành thục của cá cái 50 – 60%, kích thích sinh sản HCG liều 6.000 UI/kg, tỉ lệ rụng trứng 70 – 80%; thụ tinh 60-80%. Sức sinh sản 40.000 – 60.000 trứng/kg cá, tỉ lệ sống cá giống 15-20%.
Tiếp theo là các loài cá khác như: Cá lóc đạt tỉ lệ sống cá giống 40-50%, cá lóc bông tỉ lệ sống cá giống 15-20%, cá rô đồng và sặc rằn tỉ lệ sống cá giống 30-40%, cá dày tỉ lệ sống cá giống 50-60%. Cá thát lát còm cũng đã được sản xuất giống với tỉ lệ sống cá giống đến 60-70%, cá linh tỉ lệ sống cá giống 30-40%, cá heo tỉ lệ sống cá giống 15-20%. Cá chạch lấu tỉ lệ sống cá giống 50-60%. Đặc biệt là lươn tỉ lệ sống con giống đạt 80-90%.
Nghiên cứu sản xuất giống thành công các loài có giá trị kinh tế cao như cá niên, cá chạch lửa, cá chốt bông. Cải tiến kỹ thuật sản xuất giống cá heo.
Các giống cá trên đã chuyển giao và phát triển rộng rãi cho vùng ĐBSCL.
Bên cạnh, sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc bươu đồng (ốc bươu đen-Pila polita). Quy trình là tuyển chọn ốc bố mẹ, nuôi vỗ và kích thích sinh sản, ấp trứng, ương giống và nuôi thương phẩm. Có bể ương ốc giống, nuôi ốc giống 21 ngày, nuôi ốc trong ao đất và nuôi thâm canh trong bể.
Nâng cao chất lượng cá bố mẹ và giống các loài chủ lực
Gồm có nghiên cứu quy trình nuôi vỗ cá tra bố mẹ cải thiện chất lượng trứng; Quy trình ương trong ao lót bạt cùng trại nuôi nhằm giảm tỉ lệ hao hụt cá giống. Cải thiện chất lượng giống cá sặc rằn bằng phương pháp ghép phối chéo và chọn lọc. Chọn giống cá trê vàng cho tính trạng tăng trưởng và khả năng chịu mặn. Kết quả đang triển khai ứng dụng.
Đề tài hợp tác giữa Trường Đại học Liège và Namur (Vương quốc Bỉ) với Trường Thủy sản (Đại học Cần Thơ) chọn giống cá tra chịu mặn. Cá bố mẹ chọn lọc đạt 5-9 kg sau 3 năm; Thành thục và sinh sản tốt trong độ mặn 5‰: sức sinh sản đạt 178.000 trứng/kg cá; tỷ lệ thành thục trên >44%; kích thước trứng >1,1 mm. Trứng thụ tinh và nở tốt ở độ mặn 5‰. Thành công đang đưa đến khả năng cung cấp 500 triệu bột/năm.
Trường Đại học Thủy sản cũng đang tiếp tục phát triển giải pháp cải thiện chất lượng giống các loài nuôi kinh tế như cá heo vạch, lươn đồng, cá thát lát còm, ếch đồng.
Phát triển các mô hình nuôi
Mô hình nuôi phổ biến cho các loài cá da trơn là nuôi đơn thâm canh trong ao, bè; bể lót bạt; nuôi trong hệ thống tuần hoàn. Các mô hình cho kết quả tốt và đã chuyển giao cho nhiều địa phương.
Nuôi tôm càng xanh – lúa luân canh: Với 3 thửa ruộng đạt lợi nhuận 63-64 và 75%. Mô hình tôm càng xanh trong vườn dừa: Tỷ suất lợi nhuận đạt 42-56%. Cũng đã chuyển giao cho nhiều địa phương.
Đặc biệt là nghiên cứu phát triển các mô hình nuôi tuần hoàn nước. Nuôi cá tra thương phẩm đạt năng suất 40 kg/m3; ương cá tra đạt tỉ lệ sống 54,9%. Mô hình nuôi cá trê cho vùng đô thị và ven đô đạt năng suất 100-120 kg/m3 sau 4 tháng nuôi. Mô hình ương và nuôi lươn trong hệ thống tuần hoàn nước đạt năng suất 40-45 kg/m2. Mô hình nuôi cá lóc đạt năng suất 140 kg/m3.
Đáng chú ý, mô hình nuôi thủy sản kết hợp với trồng rau thủy canh. Có 3 cấu phần chính: Bể nuôi cá (lươn, chạch lấu, rô phi...), hệ thống lọc gồm bể lắng với lọc sinh học, rau thủy canh. Bể nuôi cá có sục khí ô xy. Kết quả đạt được rất khả quan.