Báo động đỏ: Tình trạng lạm dụng kháng sinh có xu hướng gia tăng
Phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đánh giá, xu hướng các cơ sở nuôi lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình nuôi đang tăng.
Tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển ngành tôm 2022 và ký quy chế phối hợp quản lý tôm giống, ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong năm ngoái, Nafiqad đã thực hiện lấy 1.768 mẫu tôm nuôi (tôm thẻ chân trắng và tôm sú) tại 111 vùng nuôi tập trung để phân tích dư lượng hóa chất, kháng sinh, thì có 13 mẫu tôm vi phạm.
Theo đó, các lô tôm vi phạm liên quan đến chỉ tiêu hóa chất kháng sinh, bao gồm chloramphenicol, ciprofloxacin, oxytetracycline, ormetoprim, enrofloxacin và SEM. Trong khi đó, vào năm 2020, Nafiqad đã lấy tổng cộng 1.313 mẫu tôm nuôi, nhưng không phát hiện mẫu nào tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm, tức không có mẫu tôm vi phạm.
Từ kết quả nêu trên, ông Bá Anh đánh giá, xu hướng các cơ sở nuôi lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình nuôi đang tăng. “Các trường hợp vi phạm đều được điều tra, xử lý theo đúng quy định”, ông Bá Anh cho biết.
Sự tồn dư kháng sinh trong thực phẩm thủy sản ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người khi sử dụng. Ảnh tanhuuqui
Còn liên quan đến lô tôm bị các nước nhập khẩu cảnh báo, ông Bá Anh cho biết, năm ngoái có 64 lô tôm bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo. Trong đó, cảnh báo về chỉ tiêu phosphate 22 lô; bệnh thủy sản 12 lô; vi sinh 9 lô; kim loại nặng 1 lô; ghi nhãn 2 lô.
Riêng về tồn dư hóa chất kháng sinh cấm có 8 lô bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo, giảm 2 lô so với cùng kỳ năm 2020.
Thống kê của Nafiqad cho thấy, hiện có 352 cơ sở chế biến tôm được công nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và trong danh sách xuất khẩu sang các quốc gia, vùng lãnh thổ có yêu cầu lập danh sách lô hàng được cấp giấy chứng nhận thực phẩm thủy sản bởi Nafiqad.
Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt gần 3,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 4% so với năm trước đó. Trong đó, xuất khẩu tôm chủ yếu sang các thị trường như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Trung Quốc và Hong Kong…
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự báo năm 2022 xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 10-12% so với năm 2021, với mức kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 4 tỉ đô la Mỹ.