Báo động: Thú cưng nhà bạn có thể đã ăn... thịt cá mập
Chọn thức ăn cho vật nuôi một cách thông minh là bạn đang góp phần bảo tồn các loài cá mập quý hiếm ngoài đại dương.
Không phải những con cá Koi đã mọc răng, trốn thoát khỏi đường ống cống và tiến hoá thành những sát thủ đại dương, nhưng việc bạn nuôi có Koi hay các loài cá cảnh, kể cả thú cưng khác như chó, mèo, chim, chuột đều có thể đang gián tiếp làm tuyệt chủng một số loài cá mập quý hiếm ngoài đại dương.
Đó là bởi thức ăn của chúng đang được trộn vào cả thịt cá mập, mà bấy lâu người tiêu dùng và cả các cơ quan quản lý, các đơn vị làm công tác bảo tồn không hề hay biết. Sự thật chỉ được hé lộ sau khi một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore lần theo dấu vết DNA có trong những hộp thức ăn động vật mà họ mua ngoài siêu thị.
Kết quả cho thấy cứ 3 mẫu phẩm thì có một mẫu phẩm chứa DNA của cá mập, thậm chí cả các loài cá mập có trong sách đỏ. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 70 triệu con cá mập bị săn bắt để lấy vây. Nhưng nếu chỉ lấy vây thì thịt chúng sẽ trở nên lãng phí. Do đó, những kẻ săn trộm sẽ thường nghiền thịt cá mập và bán lại cho các công ty sản xuất thức ăn vật nuôi.
Các nhà nghiên cứu nghi ngờ một số nhà sản xuất thức ăn vật nuôi đang tiếp tay cho những kẻ đi săn trộm cá mập lấy vây.
Các công ty sẽ khéo léo xử lý nhiệt những vụn thịt này, một mặt là để khử trùng và nấm. Mặt khác, quá trình cũng bẻ gãy các chuỗi DNA và làm mờ đi nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của thịt khiến không ai biết họ đang dùng thịt cá mập.
Bột cá trong sản phẩm thức ăn vật nuôi là bột cá gì?
Nếu bạn đọc thành phần của những hộp thức ăn cho thú cưng, bạn sẽ thấy chúng có những thành phần rất chung chung. Ngoài các chất dinh dưỡng đa lượng như protein, chất béo, carbohydrate, các thành phần vi lượng như sắt, kẽm... nhà sản xuất sẽ liệt kê thêm cả các thành phần không phân loại, từ "cá", "bột cá" cho đến "cá trắng", "cá đại dương"... như một cách quảng bá nguồn gốc tự nhiên cho sản phẩm của mình.
Thông thường, các nhà sản xuất sẽ ghi khống cá thường thành "cá ngừ" hay "cá hồi" để nâng giá sản phẩm. Nhưng với thịt cá mập thì ngược lại, họ sẽ ghi chúng một cách hạ cấp để làm mờ đi dấu vết.
Các nhà khoa học Singapore phát hiện ra điều này khi họ thu thập 45 mẫu sản phẩm thức ăn cho vật nuôi có nguồn gốc Thái Lan, được dán nhãn 16 thương hiệu phổ biến khác nhau và phân tích DNA có trong đó.
Như đã nói, quá trình xử lý nhiệt của nhà sản xuất thực phẩm chăn nuôi sẽ bẻ gãy đa số DNA cá mập nếu thịt của chúng được sử dụng. Nhưng các nhà nghiên cứu có cách để khôi phục chúng. Họ sử dụng kỹ thuật khuyếch đại gen PCR (giống với cách xét nghiệm COVID-19) để nhân số lượng các mảnh DNA cá mập nhỏ bé còn sót lại. Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ chiết tách các DNA này và so sánh chúng với một danh sách mã vạch DNA rút gọn của các loài cá mập đã biết.
Kết quả cho thấy 31% các mẫu thức ăn cho vật nuôi mà họ thu thập được trên thị trường có chứa DNA của cá mập. Một số trường hợp, các mã DNA này trùng khớp với các loài cá mập đang được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phân loại là loài đang bị đe doạ nguy cấp.
Chẳng hạn như Cá mập xanh (Prionace glauca) xuất hiện tới 7 lần, phổ biến nhất trong các mẫu thử nghiệm được IUCN xếp hạng là sắp bị đe dọa. Các nghiên cứu khác đã chỉ ra cá mập xanh thường bị đánh bắt để lấy vây. Các mẫu sản phẩm vây cá mập ở Đông Nam Á thường cũng có nguồn gốc từ cá mập xanh.
Các bằng chứng này hợp lại cho thấy những nhà sản xuất thức ăn vật nuôi ở Đông Nam Á đang tiêu thụ sản phẩm thừa từ ngành chế biến vây cá mập. Điều này sẽ ngăn xác cá mập xanh được tìm thấy, sau khi chúng đã bị giết lấy vây. Sau cá mập xanh, cá mập lông mượt (Carcharhinus falciformis) và cá mập san hô đầu trắng (Triaenodon obesus) là những loài phổ biến tiếp theo được dùng làm thức ăn vật nuôi. Tổng cộng, các nhà nghiên cứu Singapore đã tìm thấy 9 loài cá mập tất cả, bao gồm cá mập đuôi đốm (C. sorrah), cá mập mắt đỏ (Loxodon macrorhinus) và cá mập hổ cát (Carcharias taurus).
Họ cũng chỉ ra 16 mẫu sản phẩm có chứa DNA từ cá mập nhưng không thể xác định loài do mẫu DNA đã bị phá hủy quá mạnh. Đối chiếu DNA chỉ có thể được xác định chi của chúng là Carcharhinus.
Hãy chọn thức ăn cho vật nuôi một cách thông minh
Mặc dù các công ty thức ăn cho vật nuôi không đề cập cụ thể đến thịt cá mập trong các sản phẩm của họ là hợp pháp hay không, nhưng các nhà khoa học nghi ngờ với sự mơ hồ trong nhãn sản phẩm, nhiều khả năng nhà sản xuất có động cơ muốn che giấu nguồn gốc của chúng. Điều này có thể do phong trào bảo vệ môi trường, sinh vật biển khiến nhiều chủ vật nuôi từ chối mua các sản phẩm có nguồn gốc từ cá mập.
"Các thuật ngữ như "cá đại dương" đang ngăn cản chủ vật nuôi đưa ra "quyết định sáng suốt và có ý thức" về những gì họ cho động vật của mình ăn", các nhà khoa học viết. "Chúng tôi cho rằng nhiều chủ sở hữu và những người yêu thích vật nuôi sẽ lo lắng khi phát hiện ra họ có khả năng đang tiếp tay cho các hoạt động đánh bắt không bền vững".
Trên thực tế, các quần thể cá mập đại dương đã bị suy giảm tới 71% kể từ năm 1970, và 3/4 số loài cá mập hiện được coi là có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu. Trong bối cảnh đó, "thức ăn cho vật nuôi rõ ràng không phải là mục đích sử dụng xứng đáng đối với những loài cá mập này", các nhà nghiên cứu viết.
"Chúng ta cần có biện pháp bắt buộc nhà sản xuất thức ăn vật nuôi ghi nhãn tốt hơn trên sản phẩm của họ, tránh việc các thuật ngữ tóm tắt mơ hồ được sử dụng như hiện nay, từ đó cho phép người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho quần thể cá mập bằng cách giúp giảm thiểu việc đánh bắt không bền vững và sử dụng tài nguyên không phù hợp với công tác bảo tồn chúng".