TIN THỦY SẢN

Báo động tình trạng tôm, cá chết ở vùng sông nước Cà Mau

Bà con nông dân vớt xác các chết trong vuông tôm. Bài, ảnh: NGUYỄN TÙNG HƯNG

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh xác định môi trường nước không phù hợp với đời sống thủy sinh, có thể do nước thải sinh hoạt hoặc nước thải công nghiệp? Trong khi chờ đợi giải pháp hữu hiệu, người dân nhiều nơi tại vùng sông nước Cà Mau đành “treo ao”...

Hôi thối quá sức chịu đựng

Ông Phạm Văn Toản, ngụ ấp Sở Tại (xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đang đại diện cho 198 hộ dân ở các xã: Thạnh Phú, Lương Thế Trân (huyện Cái Nước), Lý Văn Lâm (TP Cà Mau), Lợi An (huyện Trần Văn Thời) tố giác các xí nghiệp chế biến thủy sản trong Khu công nghiệp Hòa Trung xả nước thải độc hại trực tiếp xuống kênh xáng Lương Thế Trân.

Ông Toản quả quyết: “Kể từ khi KCN Hòa Trung đi vào hoạt động, nước kênh xáng Lương Thế Trân đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Bà con lấy nước nuôi tôm thì tôm chết, trồng lúa thì lúa thối rễ. Bà con khiếu nại, đôi ba lần cán bộ môi trường, chính quyền họp dân nhưng đến giờ vẫn tồn tại”.

Khi hỏi về nước sông Gành Hào chảy qua TP Cà Mau rồi đổ về ngã ba Hòa Trung, ông Trương Văn Tình, 92 tuổi, ngụ ấp Hòa Nam (xã Hòa Thành, TP Cà Mau) nói: “Ô nhiễm hay không tôi không chắc. Nhưng hơn chục năm nay, trẻ con không còn tắm sông, không múc nước dưới sông sử dụng vì hôi thối quá sức chịu đựng”.

KCN Hòa Trung có nhiều xí nghiệp chế biến thủy sản, bốc mùi hôi thối, nhất là các xí nghiệp chế biến đầu, vỏ tôm. Bà Hồ Thị Nhơn, ngụ ấp Hòa Nam, hàng xóm gần với ông Tình xởi lởi: “Mùa gió tây nam hằng năm, bà con phía bên TP Cà Mau như chúng tôi “lãnh đủ”. Đến mùa gió đông bắc thì đỡ hơn vì mùi hôi thối đẩy qua bên kia sông có đông dân cư thuộc huyện Cái Nước, Trần Văn Thời. Con trai, con gái ở xứ này đi dự đám tiệc khỏi cần tự giới thiệu, nghe mùi là biết ở gần KCN Hòa Trung liền!”.

Theo ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND xã Lương Thế Trân, KCN Hòa Trung rộng chừng 350 ha, doanh nghiệp mua đất, xây dựng nhà máy chế biến thủy sản với 11 xí nghiệp. Trong đó có năm xí nghiệp đã đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng vì nợ nần. “Quy hoạch theo đuôi doanh nghiệp xây dựng tự phát nên hiện tại có hàng trăm hộ dân “mắc kẹt” trong KCN Hòa Trung. Chúng tôi đã thành lập Tổ tự quản môi trường nhưng tiếp cận xí nghiệp xả thải như thế nào thì rất khó. Vả lại, thẩm quyền kiểm tra môi trường KCN không thuộc thẩm quyền của chính quyền cơ sở nên chỉ báo cáo lên cấp trên” - Ông Trần Quốc Văn nói.

Tổn thất do ô nhiễm…

Dạo này có thấy cá chết không? Ông Trương Văn Tình, 92 tuổi, ngụ ấp Hòa Nam nói đùa: “Chú hỏi lạ... Mấy tháng trước, gia đình tôi lấy nước vào vuông nuôi tôm. Tôm chết, cá nhảy ngược lên, vớt cá chết nấu cho heo ăn. Đến giờ thì đâu còn con cá, con tôm gì nữa mà chết với không chết. Bà con phải xả cạn nước, phơi đầm tôm, thất thu!”.

Gần nhà lão nông Tình, bà Hồ Thị Nhơn, 54 tuổi, kể: “Cá chết trắng, chui đầu vào bờ vuông thì làm sao con tôm sống nổi. Trước đây, đi đổ tôm xách nặng tay thì nay xách về cái xô không. Tôi xả hết nước trong vuông ra sông, chờ xem chính quyền có cách nào giúp dân không?”.

Ông Trần Trung Hiệp, có 1,5 ha đất nuôi tôm quảng canh truyền thống bên sông Gành Hào, thuộc ấp Hòa Nam ngồi thần thừ trước sân nhà sau một ngày đi làm phụ hồ. Ông Hiệp nói giọng buồn so: “Đất đai rộng nhưng không nuôi tôm được, tôi phải đi làm phụ hồ để có tiền nuôi vợ con. Không phải gia đình tôi không dám thả tôm giống để nuôi mà hầu hết xóm này ai cũng vậy!”.

Người dân đành treo đầm nuôi tôm vì sợ nước ô nhiễm làm tôm chết.

Ông Phạm Văn Đủ, cùng địa chỉ, thêm vào câu chuyện ô nhiễm môi trường nước trên sông rạch Cà Mau: “Cá chết đã xảy ra nhiều năm nay, nhất là mùa khô hạn, nước ô nhiễm không được pha loãng. Còn bây giờ, mùa mưa xuống, cá lội ra sông, gặp nước độc, nhảy lộn ngược rồi chết. Bà con ở đây, lấy nước vào nuôi tôm, tôm chết và cá cũng chết sạch sành sanh”.

Như Nhân dân điện tử đã đưa tin, trong tháng 7-2017, UBND huyện Đầm Dơi (Cà Mau) báo cáo các tuyến sông, gồm: Gành Hào, Bảy Háp và Mường Điều (thuộc xã Tân Trung) xuất hiện nước bị xám đen, bốc mùi hôi thối, cá chết đồng loạt. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc tìm nguyên nhân, khắc phục nhanh để người dân tiếp tục tăng gia sản xuất.

Chớ đánh đổi môi trường…?

Nguồn nước sông rạch ở Cà Mau đang bị ô nhiễm do sản xuất công nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế người dân, đặc biệt là những hộ có thu nhập chính nhờ nuôi trồng thủy sản. Với vùng nuôi tôm hơn 290 nghìn ha, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của Cà Mau nên việc bảo vệ môi trường nước đang trở thành vấn đề bức bách cho sự phát triển bền vững nghề nuôi tôm, giúp các loài thủy sinh vật khác phát triển và cân bằng sinh thái trong tự nhiên.

Công khai xả thải ra kinh xáng Lương Thế Trân của một xí nghiệp chế biến đầu vỏ tôm trong KCN Hòa Trung.

Còn nhớ vào năm 2012, KCN Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Nhà máy Đạm Cà Mau quá trình vận hành thử nghiệm đã rò rỉ a-mô-ni-ắc, làm cá chết trắng ngã ba sông Cái Tàu. Từ đó, nghề chài lưới trên sông thưa dần vì tôm cá tự nhiêm bị suy giảm.

KCN chế biến thủy sản phường 8 (TP Cà Mau) và KCN Hòa Trung nằm dọc kênh xáng Lương Thế Trân (thuộc xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước) xả thải ra sông rạch từ TP Cà Mau ăn thông với các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Trần Văn Thời có hiện tượng đổi màu nhiều năm nay. Cuối tháng 6-2017, Sở TN-MT Cà Mau phối hợp các cơ quan chức năng khảo sát, lấy mẫu nước tuyến sông Gành Hào, Mương Điều, Bảy Háp, kênh xáng Lương Thế Trân… Kết quả phân tích đã ghi nhận, có đến 8/11 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Cùng thời gian trên, Sở TN-MT Cà Mau khảo sát tuyến kênh Nàng Âm (thuộc ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân) nằm trong KCN Hòa Trung có nhiều thông số kỹ thuật vượt chuẩn. Giữa tháng 5 và 6-2017, Tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất Công ty CP Thực phẩm Đại Dương, Công ty CP Thực phẩm-Thủy sản-Xuất khẩu Cà Mau (FFC)… có những hành vi xả thải không đúng quy định.

Theo Sở TN-MT Cà Mau, các thông số môi trường nước ô nhiễm ảnh hưởng đến thủy sản, gây độc thủy sinh và tôm cá (không bảo đảm cho đời sống thủy sinh). Tuy nhiên, thời điểm lấy mẫu nước không trùng với thời điểm cá chết và không lấy được mẫu cá chết nên chưa có cơ sở khẳng định chính xác nguyên nhân tôm, cá chết nhiều lần trên sông, rạch Cà Mau.

Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở TN-MT Cà Mau nói: “Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo vệ môi trường quan trắc, khảo sát, phân tích để có kết luận nguyên nhân cá chết”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhắc nhở nhiều địa phương trong cả nước: “Không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường…”. Tuy nhiên, trước thực trạng người dân phản ảnh cá chết hàng loạt trong thời gian gần đây ở vùng sông nước Cà Mau, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh cần tính toán lại cho hợp lý để có giải pháp “dài hơi” giúp dân phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững.

Sở TN-MT Cà Mau báo cáo: Nguyên nhân chất lượng nước mặt bị ô nhiễm có thể do các hoạt động, như: Nước thải sinh hoạt khu dân cư không được xử lý thải trực tiếp ra môi trường và các cơ sở sản xuất công nghiệp (KCN Hòa Trung và TP Cà Mau) xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu ra môi trường”.

Bài, ảnh: NGUYỄN TÙNG HƯNG Báo Nhân Dân