Bảo hành tôm giống
Việc xét nghiệm tôm trước khi thả nuôi không còn xa lạ gì đối với người dân nuôi tôm Cà Mau nói riêng cả nước nói chung. Thế nhưng, những mẫu xét nghiệm được người dân nuôi tôm muốn cơ sở sản xuất phải có cơ chế bảo hành, đó là cách duy nhất đảm bảo quyền lợi cho cả đôi bên.
Bảo hành tôm giống, điều mà ít ai nghĩ đến và cũng chưa bao giờ làm, nhưng có lẽ đã đến lúc cần phải xem xét lại. Vì nuôi tôm hiện có quá nhiều rủi ro, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan.
Nhất giống…
Nhiều năm trước, nuôi tôm quảng canh cũng như tôm công nghiệp được coi là nghề “hốt bạc”, thế nhưng giờ nuôi tôm lại được ví như “đánh bạc với trời”. Đơn giản, người nuôi tôm giờ đây luôn canh cánh lo âu mong từng ngày qua đi khi tôm giống được thả xuống ao nuôi.
Ông Lâm Thành Kính, ấp Hoà Trung, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, bức xúc: “Việc tôm giống xét nghiệm đạt 100% bây giờ chỉ là tính thủ tục bởi mẫu xét đạt vẫn xảy ra bệnh, vẫn thiệt hại 100%. Chính vì lẽ đó mà nó đã khiến nhiều gia đình tán gia bại sản. Tôm chết không chừa của một ai, cả những người có nhiều kinh nghiệm lẫn người mới vào nghề”.
Ông Võ Hồng Ngoãn, người một thời được mệnh danh là “vua tôm” của đất Bạc Liêu, phân trần: “Thành công hay thất bại là do con giống quyết định. Điều này tôi đúc rút được qua hàng chục năm gắn bó với con tôm. Bởi, người nuôi tôm dù có kinh nghiệm kỹ thuật chuyên môn sâu, môi trường, thời tiết, khí hậu thuận lợi, hạ tầng ao hồ tươm tất đến mức nào mà thả tôm giống không chất lượng và có mầm bệnh thì cũng bị thất bại”.
Cùng đó, người nuôi hiện gặp rất nhiều khó khăn khi chọn giống đi xét nghiệm để lựa sạch bệnh. Vì hiện nay, con giống nhiễm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây hoại tử gan tuỵ chết sớm (hay còn gọi là EMS) và con giống nhiễm dư lượng kháng sinh quá cao, nuôi rất chậm lớn, kéo dài thời gian (chi phí đội lên rất tốn kém, chưa tính đến là gây thiệt hại nặng). Nhiều địa phương có diện tích nuôi trồng thuỷ sản, nhưng lại chưa có các cơ sở với đầy đủ thiết bị xét nghiệm.
Đó là trở ngại lớn cho đa số nông dân chọn mua giống, còn những hộ nuôi nhỏ lẻ làm sao có khả năng đem mẫu tôm đi tỉnh này, tỉnh kia xét nghiệm. Người nuôi đành nhắm mắt liều thả giống không xét nghiệm, may thì ít mà rủi lại nhiều và hậu quả là thiệt hại kinh tế và làm ô nhiễm môi trường. Tình hình này đã kéo dài nhiều năm nay nhưng chưa có phương hướng giải quyết triệt để.
Bảo hành tôm giống
Giờ đã đến lúc người nuôi tôm nghĩ đến việc bảo hành tôm giống, để an tâm sản xuất.
Khi tôm chết, người nuôi tôm cần sự chia sẻ khó khăn của công ty giống từ cam kết bảo hành, để tái sản xuất.
Ông Võ Hồng Ngoãn kiến nghị, cơ quan quản lý chuyên ngành cần vận động các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tôm giống liên kết với người nuôi tôm, liên kết một cách thật tâm. Trước hết, để giảm khó khăn cho nông dân và đảm bảo chất lượng con giống, phải có sự cam kết rõ ràng, nghĩa là tôm giống phải được bảo hành. Cụ thể, với tôm giống thẻ chân trắng bảo hành sống đến 30 ngày và tôm sú giống là 60 ngày.
Theo ông Ngoãn, trong thời gian bảo hành, nếu tôm nuôi bị thiệt hại thì không thu tiền giống để chia sẻ rủi ro với người nông dân. Khoản này so ra đâu có lớn. Vì tổng chi phí cho 1 ao nuôi nếu bị thiệt hại trong thời gian bảo hành thì con giống chỉ chiếm 10-30%, 70-80% còn lại người nuôi lãnh đủ…
Nếu các công ty sản xuất tôm giống cùng thực hiện được liên kết này thì người dân rất yên tâm để mua và thả nuôi, cũng không nhất thiết phải đi xét nghiệm con giống.
Mặt khác, bảo hành tôm giống sẽ tạo sự ràng buộc trách nhiệm giữa những trại cung cấp giống và người nông dân. Hai bên đảm bảo gắn bó lâu dài và cùng có lợi, loại trừ những trại cung cấp giống không chất lượng. Thực hiện được điều này còn giúp giảm gánh nặng cho ngành quản lý và hạn chế mầm bệnh lây lan.
Thực hiện được điều đó, giấc mộng trả nợ, trở thành tỷ phú của nông dân mới có cơ hội thành hiện thực. Các nhà máy chế biến thuỷ sản mới có nguồn tôm nguyên liệu ổn định, sạch đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu. Từ đó, tạo được thương hiệu vững chắc với các thị trường nhập khẩu khó tính…