Bảo hiểm nông nghiệp gặp khó
Doanh nghiệp bảo hiểm thì than thua lỗ, thậm chí vướng phải hiện tượng chưa nhiều nhưng đau đầu là nông dân tìm cách trục lợi qua bồi thường bảo hiểm; nông dân được bảo hiểm thì nói công ty bảo hiểm tìm cách làm khó trong bồi thường, thậm chí ngưng bán hợp đồng bảo hiểm do e ngại rủi ro…
Đó là những khó khăn của chính sách thí điểm bảo hiểm nông nghiệp mà có lúc, nông dân nuôi tôm kéo tới văn phòng chi nhánh công ty bảo hiểm tỉnh hay Ban chỉ đạo thí điểm bảo hiểm cấp tỉnh (thuộc UBND tỉnh) một số địa phương đòi công ty bảo hiểm phải tiếp tục bán bảo hiểm, tới mức hồi giữa năm nay, Bộ Tài chính đã phải tổ chức họp khẩn với các công ty bảo hiểm và chính quyền các địa phương tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp ở ĐBSCL.
Thí điểm đúng lúc
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Vũ Văn Tám trong tọa đàm về chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn giữa tháng 8, một chính sách vốn gắn liền với thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ, đã cho rằng, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NN-PTNT triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đối với 20 tỉnh, cũng như 7 nhóm sản phẩm nông nghiệp là rất đúng lúc, đặc biệt trong điều kiện của Việt Nam rủi ro trong sản xuất nông nghiệp về thiên tai, dịch bệnh và thị trường.
Sơ bộ đánh giá thí điểm BHNN của Bộ NN-PTNT cho thấy, BHNN có kết quả tốt, giúp người nông dân bớt thiệt thòi trong quá trình sản xuất nông nghiệp và đặc biệt, trong mấy năm vừa qua, giá trị hàng hóa nông sản được bảo hiểm trên 200.000 tỉ đồng, chứng tỏ hàng hóa nông sản được bảo hiểm rủi ro không hề nhỏ và người nông dân mua bảo hiểm đã được các công ty bảo hiểm hỗ trợ, bồi thường kịp thời khi có rủi ro xảy ra.
Ông Tám cũng thừa nhận BHNN là chính sách rất mới và cũng khó cả với nông dân chưa quen tiếp cận loại hình này trong sản xuất và đối với tổ chức bảo hiểm cũng là mới.Đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng vậy, nên không tránh được bất cập. Trong tất cả lĩnh vực và các đối tượng thì triển khai thí điểm tương đối thuận lợi. Riêng đối với bảo hiểm tôm nước lợ, có thể nói, hiện nay là vấn đề rất nóng, ông Tám cho biết.
Với nông dân miền Tây sông nước và các công ty bảo hiểm tham gia thì điều ông Tám nói đang ám chỉ những khó khăn trong bảo hiểm cho nuôi tôm ở Sóc Trăng và Cà Mau, vốn ầm ĩ trên báo chí hồi tháng 4, 5 năm nay khi một công ty tham gia bán bảo hiểm nông nghiệp đã đột ngột ngưng bán bảo hiểm cho nông dân nuôi tôm, nông dân kéo tới văn phòng chi nhánh công ty bảo hiểm.
Khó cho cả hai
Sóc Trăng là một trong số các tỉnh ở ĐBSCL thí điểm BHNN cho con tôm nước lợ nhưng nông dân nuôi tôm ở Sóc Trăng lại vướng phải tình trạng chậm bồi thường rủi ro của công ty bảo hiểm. Số liệu thống kê của tỉnh Sóc Trăng cho thấy năm ngoái doanh nghiệp bảo hiểm ước bồi thường cho 2.500 lượt hộ với 4.750 hồ sơ, số tiền trên 250 tỉ đồng. Hiện còn tồn khoảng 470 hồ sơ chưa thể giải quyết với số tiền bồi thường gần 21 tỉ đồng, chủ yếu là hộ nghèo do còn vướng mắc về thủ tục, đang chờ xem xét duyệt.
Còn Công ty Bảo Việt Sóc Trăng cho biết, vụ nuôi tôm 2012, số tiền mà công ty này chi trả bồi thường vượt gấp 3 lần số tiền thu được nhờ bán hơn 6.000 hợp đồng bảo hiểm trước đó.
Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, tính đến hết tháng 5-2013, Bảo hiểm Bảo Việt đã chi trả bồi thường cho nông dân các tỉnh triển khai 3 sản phẩm cây lúa, vật nuôi và thủy sản tổng cộng 350 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là bồi thường thiệt hại về tôm tại hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu. Riêng hai tỉnh này, BảoViệt đã bồi thường 340 tỉ đồng.
Bảo hiểm Bảo Việt thừa nhận, xét về hiệu quả thì BHNN đã bị âm do số tiền bồi thường vươt quá doanh thu phí bảo hiểm.
Khi thí điểm BHNN, các nhà hoạch định chính sách đã tính toán với điều kiện của nước ta hiện nay, trong trường hợp tổn thất xảy ra mang tính thảm họa, thì số tiền bồi thường BHNN là 1.652 tỉ đồng, nên nhớ, đây là tính cho phạm vi thí điểm BHNN. Còn trong trường hợp tổn thất xảy ra tương tự như năm 2012 thì tổng số tiền này vào khoảng 200 tỉ đồng, tương đương tổng kinh phí hỗ trợ phí BHNN mà ngân sách nhà nước đã chi cho các địa phương (169 tỉ đồng) trong suốt thời gian vừa qua.
Theo Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, việc tái BHNN theo chương trình thí điểm đã bị lỗ tới 330 tỉ đồng.
Thực tế bồi thường rủi ro lớn hơn nhiều và đã xuất hiện nhiều ý kiến nói nông dân trục lợi BHNN. Phía các công ty bảo hiểm thì cho rằng những rủi ro được bảo hiểm và rủi ro không được bảo hiểm trong nông nghiệp, nhất là nuôi tôm rất khó kiểm soát nên trục lợi BHNN ũng khó có thể tránh khỏi.
Trên báo chí các địa phương có BHNN, nhất là thủy sản trong hơn 1 năm qua đã xuất hiện nhiều tin bài ám chỉ nông dân đang trục lợi BHNN bằng việc kết hợp với các đại lý cung cấp vật tư nông nghiệp, thức ăn thủy sản để “làm đẹp” hồ sơ yêu cầu bồi thường rủi ro.
Quyết không bỏ BHNN
Những trục trặc của thí điểm BHNN đã được bàn thảo tại hội nghị khẩn do Bộ Tài chính chủ trì hồi tháng 5, sau đó được phản ánh lên Chính phủ nhân buổi làm việc với chính quyền tỉnh Sóc Trăng của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh hồi giữa tháng 7 qua và gần đây, Bộ Tài chính đã quyết định nâng phí BHNN như một giải pháp dung hòa trong tình cảnh hai công ty bảo hiểm tham gia là Bảo Hiểm Bảo Việt và Bảo Minh luôn than phiền tiền bồi thường nhiều hơn doanh thu bán phí bảo hiểm.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN – PTNN cho biết đến 6-2014, Chính phủ sẽ tổng kết thí điểm BHNN, để đánh giá và từ đó có giải pháp cho thời gian tới nhưng quan điểm của ngành nông nghiệp thì BHNN là chính sách đúng đắn, lâu dài trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp đi vào hiện đại, kèm theo nhiều rủi ro.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh tại họp báo ngày 19-7 của Bộ Tài chính, khẳng định không những không dừng thí điểm BHNN mà qua thực tiễn thí điểm kết quả tương đối tốt và đề nghị đưa ra đại trà. Tuy nhiên bà cho rằng vẫn cần có những phản hồi thực tế, thảo luận thêm.
Thủ tướng chính phủ đã có Quyết định số 315/QÐ-TTg ngày 1-3-2011 về việc thí điểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013 tại 21 tỉnh. Trong đó thực hiện bảo hiểm đối với cây lúa tại các tỉnh Nam Ðịnh, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Ðồng Tháp. Bảo hiểm đối với trâu, bò, lợn, gia cầm tại Bắc Ninh, Nghệ An, Ðồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Ðịnh, Bình Dương và Hà Nội. Bảo hiểm đối với nuôi trồng thủy sản cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.