Bảo hiểm nông nghiệp ở ĐBSCL - Chủ trương đúng
Việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp đã góp phần giúp đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững nông nghiệp, an sinh xã hội và đời sống người dân nông thôn. Tuy nhiên quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
“Bà đỡ” của nhà nông
Trong các chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là chính sách hỗ trợ của Nhà nước có ý nghĩa to lớn đối với việc phát triển bền vững nông nghiệp, an sinh xã hội và đời sống người dân nông thôn.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, hơn một năm thực hiện thí điểm BHNN đã giải quyết bồi thường cho hơn 4.000 hộ/6.400 hộ bị thiệt hại, với số tiền hơn 280 tỷ đồng, giúp cho hơn 4.000 nông hộ của 7 địa phương vùng ĐBSCL giảm bớt khó khăn, có điều kiện, kinh phí để tiếp tục tái đầu tư sản xuất vụ tiếp theo, góp phần giải quyết khó khăn cho nông dân, nhất là trong thời điểm sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn như những năm gần đây. Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực ban hành và sửa đổi nhiều quy định hướng dẫn các địa phương thực hiện sát với thực tế của tỉnh.
Ông Bùi Ngọc Sương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến người nông dân nên Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết, chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó có BHNN. Đây là chính sách hỗ trợ được nhân dân và cả hệ thống chính trị các địa phương vùng ĐBSCL quan tâm, nhất là các địa phương được chọn thí điểm đã đồng thuận cao, triển khai thực hiện quyết liệt. BHNN có ý nghĩa hết sức to lớn và quan trọng đối với phát triển bền vững nông nghiệp, an sinh xã hội và đời sống nhân dân nông thôn. Đây có thể ví như “bà đỡ” cho nông dân và là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giải quyết công tác xóa đói, giảm nghèo cho nông dân; giúp nông dân giảm bớt khó khăn do hậu quả thiên tai, dịch bệnh gây ra, tạo công cụ cho nông dân quản lý rủi ro và tìm kiếm nguồn tài chính bù đắp thiệt hại, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, phát triển sản xuất nông nghiệp…
Những vướng mắc cần gỡ
Tuy nhiên, theo UBND các tỉnh trong vùng ĐBSCL, quá trình thực hiện thí điểm BHNN đã nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc giữa quy định của cơ quan có thẩm quyền và thực tế sản xuất, nuôi trồng ở địa phương. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện chưa có kinh nghiệm, thủ tục bảo hiểm còn phức tạp đã gây nhiều bức xúc cho nông dân tham gia bảo hiểm…
Anh Nguyễn Văn Sáng, một hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước (Cà Mau) cho biết, nhà anh có ba ao nuôi tôm, mặc dù vụ trước anh không phải nhận tiền đền bù vì trúng mùa nhưng vụ này, cả ba ao đã được anh mua BHNN vì e ngại rủi ro quá lớn. Anh Sáng đã đóng tiền tạm ứng phí bảo hiểm cho đại lý bảo hiểm. Vì thế, khi biết doanh nghiệp bảo hiểm tạm ngừng ký hợp đồng mới và thương thảo lại mức biểu phí, một số người dân đã phản ứng quyết liệt, thậm chí kéo nhau lên ăn chực nằm chờ tại trụ sở các cơ quan tham gia Ban chỉ đạo BHNN.
Bộ Tài chính đã ban hành nhiều quyết định và được điều chỉnh nhiều lần, nhưng vẫn chưa hợp lý, như Quyết định số 2114/QĐ-BTC ngày 24/8/2012 của Bộ Tài chính (Quyết định 2114) nâng mức tỷ lệ phí bảo hiểm nuôi tôm thâm canh từ 7,42% lên 9,72%, quy định doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bồi thường hoặc từ chối một phần, nếu: Mật độ tôm thực tế thấp hơn 80% so với mật độ trong giấy chứng nhận bảo hiểm, tôm thả không đồng nhất về kích cỡ, được xác định nhiều loại độ tuổi cùng nuôi trong một cơ sở nuôi trồng. Gần đây nữa là Quyết định 1725 ngày 23/7/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quyết định 1042 tiếp tục nâng mức phí bảo hiểm đối với tôm từ 9,72% lên 13,73%. Như vậy sẽ gây khó khăn cho những hộ nuôi những vụ trước bị thiệt hại.
Trong khi đó, các đơn vị tham gia BHNN như Công ty Bảo Việt hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm là chính, lực lượng chuyên trách thiếu và yếu, chưa có kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ; Công ty Bảo Minh ban hành một số nội dung quy định chưa phù hợp thực tế, nên lúng túng, xử lý chưa phù hợp quy định, gây bức xúc cho người tham gia bảo hiểm. Việc bồi thường thiệt hại còn chậm, chưa kịp thời, nên hiện các tỉnh trong vùng ĐBSCL còn tồn đọng hơn 2.000 hồ sơ thiệt hại chưa được đơn vị bảo hiểm giải quyết.
Bên cạnh đó, một số hộ nuôi chưa tuân thủ việc ghi nhật ký ao nuôi, chứng từ đầu tư, giấy kiểm dịch giống. Các hộ nghèo được nhà nước hỗ trợ đầu tư nên phát sinh tâm lý ỉ lại, thiếu tuân thủ quy trình kỹ thuật, thả giống với mật độ quá dầy, nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao. Hiện tại các tỉnh ven biển thực hiện thí điểm bảo hiểm đối với tôm chưa có quy trình xét nghiệm, chuẩn đoán bệnh hoại tử gan tụy cấp trên con tôm, mà chỉ xác định bằng phương pháp kiểm tra lâm sàng, gây khó khăn cho cơ quan thú y trong việc xác định dịch bệnh. Còn túng túng trong việc triển khai thực hiện; công tác tuyền truyền, tập huấn còn hạn chế.
Đối với BHNN trên cây lúa tại An Giang và Đồng Tháp, một số cán bộ, đảng viên có đất canh tác tại các huyện thí điểm chưa thể hiện tinh thần nêu gương trong việc thực hiện, nên phần nào cũng làm giảm lòng tin đối với nông dân. Các quy định về BHNN trên cây lúa trên phạm vi rộng lớn, chưa phù hợp cho từng cá nhân hộ tham gia, các quy định về bồi thường còn nhiều phức tạp, tốn nhiều thời gian làm giảm sự tin tưởng của nông dân tham gia bảo hiểm… Khi có thiệt hại xảy ra, nông dân vẫn phải chờ đến cuối vụ lúa, khi thống kê công bố năng suất mới được bồi thường… Ngoài ra còn nhiều tác nhân thiệt hại trên lúa, như mưa lớn bất thường, triều cường gây ngập úng; ốc bươu vàng, chuột hại chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung vào đối tượng thiên tai, dịch bệnh thuộc phạm vi BHNN trên cây lúa (theo quy định tại Khoản 7, Điều 1, Quyết định 315, thiên tai: Như bão lũ, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá và các loại rủi ro thiên tai khác; dịch bệnh, như dịch cúm, dịch tai xanh, bệnh lở mồm, long móng, bệnh thủy sản, bệnh rầy nâu, vàng lùn, xoắn lá và các loại dịch bệnh khác)…
BHNN là một chủ trương đúng đắn, sát hợp với nông dân vùng ĐBSCL, có ý nghĩa to lớn và thiết thực trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, nhất là vùng nông thôn. Để tiếp tục nhân rộng chính sách bảo hiểm này, cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân. UBND các tỉnh trong vùng ĐBSCL cũng đã kiến nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tổng kết, đánh giá để ban hành chính sách ổn định, lâu dài (không còn thí điểm) và nhân rộng các địa phương toàn vùng ĐBSCL triển khai thực hiện./.