Bảo vệ môi trường vùng nuôi thủy sản ở Vân Đồn
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển kinh tế địa phương, huyện Vân Đồn đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững.
HTX Nuôi trồng thủy sản Vân Hải (thị trấn Cái Rồng) là một trong những đơn vị tiêu biểu vừa khai thác thế mạnh của địa phương vừa NTTS theo hướng bền vững. Theo lãnh đạo HTX cho biết: Ngoài việc tập trung kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu nhập giống đến các quy trình chăm sóc, nuôi trồng con giống sao cho sạch mầm bệnh thì các xã viên còn được hướng dẫn kiểm tra thường xuyên việc ghi chép nhật ký sản xuất, các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, nhận định tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng chống. Qua đó, giúp con giống phát triển khỏe mạnh, sản phẩm bán ra thị trường được đánh giá cao.
Nuôi thủy sản rất hợp với vùng nước tại Vân Đồn, nhưng cũng rất dễ mắc dịch bệnh, nhất là khi thời tiết thất thường, vì vậy HTX luôn chú trọng vệ sinh, khử trùng lồng bè theo định kỳ. Đặc biệt, Ban quản lý HTX luôn theo dõi, nhắc nhở các hộ thành viên phải chú ý thời điểm giao mùa vật nuôi hay bị bệnh nên phải bổ sung nguồn thức ăn hợp lý. Thức ăn phải tươi, bảo quản tốt và không quá hạn sử dụng... Điều quan trọng nhất là nguồn nước, cần bảo đảm sạch sẽ, tránh bị ô nhiễm.
Hiện nay tổng diện tích nuôi trồng trên địa bàn huyện Vân Đồn là 3.100ha. Trong đó, huyện đã định hướng giúp các công ty, hộ gia đình đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hàng hoá tập trung, đảm bảo vùng nuôi an toàn và ngày càng đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, để phát huy hết tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản, huyện còn khuyến khích nhiều hộ tập trung nuôi, thả các giống nuôi có giá trị kinh tế cao và không tác động nhiều đến môi trường nước biển như: Hàu Thái Bình Dương, ngao giá, ốc các loại...
Cụ thể, huyện đã đầu tư mở rộng hơn 100ha nuôi các loài nhuyễn thể, nâng tổng diện tích nuôi lên trên 2.100ha, tập trung tại xã Bản Sen, Hạ Long, Thắng Lợi, Đông Xá, Ngọc Vừng, Quan Lạn... Ngoài ra, huyện còn phát triển vùng nuôi cá biển với hơn 4.700 ô lồng, chủ yếu là cá song, giò, hồng... tại các xã Bản Sen, Hạ Long, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, thị trấn Cái Rồng. Cùng với đó là phát triển diện tích nuôi hải sản khác với 750ha, nuôi cá nước ngọt là 60ha, tập trung ở các xã Bình Dân, Ngọc Vừng, Đoàn Kết.
Một số hộ trên địa bàn huyện Vân Đồn đã chuyển sang sử dụng bè bằng vật liệu HDPE thân thiện với môi trường.
Nhờ phát huy tiềm năng, thế mạnh trong đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản nên sản lượng thủy sản của Vân Đồn có xu hướng tăng đều qua các năm. Tổng sản lượng thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2018 đạt 13.875 tấn, bằng 54% kế hoạch và bằng 111% so với cùng kỳ năm trước.
Để đảm bảo môi trường vùng NTTS, cơ quan chức năng cũng thường xuyên thực hiện giám sát nuôi bằng việc lấy mẫu nước để quan trắc phân tích 1tháng/lần. Qua kiểm tra cho thấy chất lượng nước biển ở vùng nuôi đều đảm bảo tiêu chuẩn cho phép. Hiện nay, thay vì dùng lưới bọc phao như trước đây thì các hộ nuôi sử dụng vật liệu nổi hoặc bạt làm bè NTTS. Đặc biệt, một số hộ đã chuyển sang sử dụng vật liệu mới (HDPE), loại vật liệu này có ưu điểm là độ bền cao, không chịu ảnh hưởng khi bị các thuyền nhỏ va đập vào khung lồng, chịu được sóng cấp 6-7, thuận lợi trong việc vệ sinh lồng, đặc biệt là thân thiện với môi trường.
Thực tế cho thấy, việc không quản lý tốt môi trường trong NTTS sẽ tác động xấu đến môi trường sản xuất và phát triển bền vững. Đó là dịch bệnh, đây là bài học đã xảy ra vào năm 2012 khi dịch bệnh tu hài làm trên 800 hộ dân và hơn 20 doanh nghiệp nuôi tu hài tại Vân Đồn thiệt hại ước tính gần 1.000 tỷ đồng.
Với tốc độ phát triển nghề NTTS như hiện nay, muốn thực hiện tốt việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường nuôi, điều quan trọng là có những giải pháp hữu hiệu hơn để vừa giảm tình trạng khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản, vừa không tác động đến cuộc sống của ngư dân. Đặc biệt là rà soát, quy hoạch các vùng nuôi trồng thuỷ sản, từ đó định hướng rõ phát triển vật nuôi phù hợp với từng vùng nước, từng tuyến đảo. Điều đó góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương.