Chuyển giao cá tra bố mẹ và nâng cao chất lượng giống
Vừa qua, Tép Bạc phản ánh thông tin từ Cục Thủy sản và Hiệp hội Cá tra Việt Nam về chất lượng giống cá tra thấp, hao hụt đến 95% trong ương dưỡng và khi nuôi thương phẩm cũng hao hụt lớn, nhiều bạn đọc muốn biết thêm công tác giống đang thực hiện. Sau đây xin cung cấp thông tin từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II (Viện 2)
Chuyển giao đàn cá tra hậu bị bố mẹ năm 2024
Viện 2 thực hiện dự án “Phát triển sản xuất giống cá tra” được Bộ NN&PTNT phê duyệt ngày 18/5/2023, trong 4 năm 2023-2026. Nội dung chính: Sản xuất và cung cấp 75.000 con cá tra hậu bị bố mẹ từ đàn cá đã qua chọn lọc nâng cao tốc độ tăng trưởng thế hệ thứ 4 với tiến độ 25.000 con/năm, liên tiếp 3 năm 2024, 2025 và 2026. Đồng thời, xây dựng và tập huấn qui trình ương cá bột lên cá giống đạt tỷ lệ sống cao, chất lượng tốt.
Đàn cá thế hệ thứ 4 (G4) do Viện 2 thực hiện từ năm 2001, bằng ứng dụng di truyền và công nghệ gen vào chọn giống, đạt tăng trưởng nhanh hơn 31,1% (so với đàn tự nhiên, chưa qua chọn lọc), được sử dụng để sản xuất đàn con, chọn lựa và cung cấp cá hậu bị hiện nay. Với 150 con cá bố mẹ G4, nuôi vỗ, cho sinh sản theo quy trình khoa học được 52.000 con cá giống và nuôi đạt 1 kg/con. Loại bớt cá đực để đạt tỷ lệ đực/cái là 1/2 (cá cái nhiều gấp đôi cá đực để nâng cao hiệu quả sản xuất), gắn dấu điện tử có số (dấu vị trí DCWT) để phân biệt với cá chưa qua chọn giống.
Các địa phương đã đăng ký nhận cá hậu bị bố mẹ và góp vốn đối ứng đến tháng 11/2024 là 25.000 con. Gồm Đồng Tháp 16.800 con, An Giang 4.000 con, Tiền Giang 2.000 con, Cần Thơ 2.200 con. Chất lượng đàn cá giao cho các địa phương: Có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn 30%, cá cái nhiều gấp đôi cá đực, khối lượng 1 kg/con, gắn dấu điện tử có số.
Các cơ sở nhận cá hậu bị bố mẹ được cấp giấy chứng nhận nguồn gốc “đàn cá tra hậu bị chọn giống” của Viện 2 để sản xuất và kinh doanh giống chất lượng cao truy xuất được nguồn gốc. Đồng thời, được tham gia đào tạo tập huấn về qui trình ương cá bột lên cá giống đạt tỷ lệ sống cao, chất lượng tốt; được tham gia vào chuỗi sản xuất cá tra giống chất lượng cao, tạo dựng thương hiệu và uy tín của cơ sở.
Viện 2 cũng cho biết kế hoạch các năm tiếp theo: Tháng 10/2025 và tháng 10/2026, mỗi tháng phát tán 25.000 cá hậu bị bố mẹ.
Các giải pháp nâng cao chất lượng sản xuất giống
Chọn giống nâng cao tăng trưởng và kháng bệnh. Về tính trạng tăng trưởng, như giới thiệu ở trên, Viện 2 đã chọn lọc quần thể thế hệ thứ 4 (G4) được 639 con, tăng trưởng nhanh hơn 31,1% so với đàn tự nhiên, chưa qua chọn lọc. Đàn cá G4 tham gia sinh sản 120 gia đình tạo thế hệ G5 và đã được chọn lọc trong quý 4/2024.
Tính trạng kháng bệnh gan thận mủ, Viện 2 đã chọn lọc quần thể kháng bệnh gan thận mủ thế hệ thứ 1, G1-KB bằng ứng dụng di truyền số lượng và công nghệ gen vào chọn giống, với qui mô 521 cá thể trong năm 2020. Hiệu quả ước tính đạt 13% cho tính trạng kháng bệnh gan thận mủ và đạt 7,5% cho tính trạng tăng trưởng (so sánh với bố mẹ G0-KB). Đàn cá bố mẹ G1-KB đã tham gia sinh sản tạo 120 gia đình thế hệ G2-KB và được chọn lọc trong quý 4/2024.
Ứng dụng công nghệ tuần hoàn trong sản xuất giống cá tra. Viện 2 đã xây dựng được quy trình ương nuôi cá tra giai đoạn bột lên hương bằng hệ thống tuần hoàn (RAS) với mật độ trung bình 7.500 con/m3, đạt tỷ lệ sống trung bình 51,2% và bảo đảm chất lượng tốt không nhiễm bệnh. Xây dựng quy trình ương nuôi cá tra giai đoạn hương lên giống bằng hệ thống tuần hoàn (RAS) với mật độ trung bình 2.020 con/m3 đạt tỷ lệ sống trung bình 99,25%, sinh khối 53,92 kg/m3 và bảo đảm chất lượng tốt không nhiễm bệnh. Hiện đang đăng ký 2 giải pháp hữu ích cho 2 quy trình này.
Ương giống nâng cao tỷ lệ sống trên bể xi măng trong điều kiện kiểm soát môi trường và mầm bệnh. Viện 2 đã xây dựng được quy trình ương cá tra trên bể xi măng (24 m2, che kín giữ nhiệt độ nước ổn định 30-32oC) với mật độ ương 5.000 con/m2. Cho cá ăn ấu trùng Artemia 2 ngày và Moina bổ sung từ ngày thứ 2 đến thứ 10, thức ăn bột cho cá ăn từ ngày thứ 7. Tỷ lệ sống của cá tại thời điểm 10 ngày đạt 71,8 – 81,6%; tại 21 ngày ở giai đoạn nghiên cứu đạt 38,6%, giai đoạn kiểm nghiệm đạt 37,5%. Cá tăng trưởng tốt với trung bình khối lượng 120,1 – 216,4 mg/cá và trung bình chiều dài 19,6 - 21,3 mm. Giải pháp kỹ thuật nổi bật là: Sử dụng vi sinh xử lý nước, cho ăn thức ăn tự nhiên đủ số lượng và chất lượng, kiểm soát môi trường và mầm bệnh chặt chẽ, có giải pháp phòng trị bệnh phù hợp. Kết quả của đề tài nghiên cứu sẽ phổ biến rộng rãi.
Ương giống nâng cao tỷ lệ sống trong ao đất. Thực hiện tại 2 khu sản xuất giống tập trung tại tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Kết quả ương từ bột lên hương đạt tỷ lệ sống 39,0-48,3%; từ hương lên giống đạt 43,8-63,9%, tổng cả giai đoạn từ bột lên giống đạt 27,0% và 21,8%. Giải pháp kỹ thuật nổi bật là: Sử dụng vi sinh xử lý nước, gây nuôi thức ăn tự nhiên đủ số lượng và chất lượng, kiểm soát môi trường và mầm bệnh chặt chẽ, có giải pháp phòng trị bệnh phù hợp. Kết quả nghiên cứu sẽ được phổ biến rộng rãi.