Bắt tay cứu cá tra
Dù giá cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua có nhích nhẹ, nhưng vẫn còn xa mới đạt đến điểm hòa vốn. Nông dân gặp khó khi các nhà máy sản xuất đã “bão hòa”. Để “cứu” cá tra, nông dân và doanh nghiệp cần thắt chặt mối liên kết, tìm giải pháp.
Cầm cự nuôi, chờ thời
Bà con nông dân nói giá cá tra nhích lên dù ít cũng khiến tâm trạng họ nhẹ được phần nào. Bấy lâu nay họ cố căng mình cầm cự nuôi chờ thời điểm giá cá nhích lên khi các doanh nghiệp cần nguyên liệu chế biến. “Giờ nông dân bán được cá cho doanh nghiệp nên yên tâm hơn” - anh Nguyễn Văn Trường (Hai Trường), một người nuôi cá lâu năm trên sông Hậu, tại TP Cần Thơ cho biết. Có dịp ngồi bên ao nuôi cá tra của anh Hai Trường, rồi được tiếp xúc với nhiều bạn nuôi cá tra của anh mới thấm thía, cái gian nan của nghề nuôi cá tra lúc này. Anh Hai Trường ấm ức nói: “Nếu gõ từ khóa “người nuôi cá tra có lời” kết quả cho rất ít, còn gõ “nuôi cá tra lỗ” thì kết quả hiện ra dài ngoằng”!
Theo anh Hai Trường, hiện ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp (ba địa phương có diện tích nuôi lớn nhất), chỉ còn những người nuôi cá thiện chiến mới dám bám trụ lại nghề. Anh Sáu Tỏ, cũng là một người có ao nuôi cá ngồi gần anh Hai Trường tâm sự: “Cá tra giờ gần như “bão hòa”, chỉ có người dân đã trót “phóng lao phải theo lao” thôi. Chúng tôi chỉ biết hy vọng giá cá sẽ tăng để có một cơ hội gỡ gạc lại thua lỗ lâu nay. Nếu bây giờ mà nghỉ nuôi, thì ngân hàng siết nợ sẽ khổ trăm bề…”.
Cả anh Hai Trường và Sáu Tỏ đang có “sổ nợ” ở ngân hàng vài trăm triệu đồng. Thời cao điểm của phong trào nuôi cá tra, thì từ chủ tiệm vàng, doanh nghiệp xây dựng, địa ốc, cán bộ… đều đua nhau nuôi cá tra. Giờ thì thoái trào, cơ cấu vùng nuôi, người nuôi đã khác, chuyên biệt và chuyên nghiệp hơn. “Các doanh nghiệp chế biến đã tự hình thành vùng nuôi để cung cấp 70% nguyên liệu, phần còn lại do người dân cung cấp. Người nuôi cá hiện nay cũng đã ý thức được mức độ rủi ro nên đã liên kết khá chặt với các nhà máy để bán cá” - ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA) nhận định.
Tiến thoái lưỡng nan
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2015, diện tích thu hoạch cá tra khoảng 3.600 ha, sản lượng hơn một triệu tấn (giảm 2% so với cùng kỳ năm 2014) với năng suất trung bình đạt 285 tấn/ha (so với năm 2014 là 279 tấn/ha). Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2015 đạt hơn 1,5 tỷ USD, giảm 11,5%... Thị trường xuất khẩu cá tra trong năm 2015 có nhiều biến động dẫn đến sự thay đổi về cơ cấu tỷ trọng của các thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, trong khối EU, dự báo trong những năm tới nguồn cung cá sẽ tiếp tục tăng, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến vị trí của cá tra Việt Nam trên bản đồ tiêu thụ của thế giới. Sức ép cạnh tranh còn tăng lên khi một số quốc gia đang khuyến khích phát triển nuôi cá da trơn như: Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN sẽ làm hạn chế nhu cầu nhập khẩu và khuyến khích tiêu dùng sản phẩm nội địa. Đó là chưa kể đến việc, các rào cản thương mại đang được các nước đặt ra ngày một nhiều, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu như thuế chống bán phá giá và Đạo luật Nông trại (Farm Bill) của Mỹ...
Hiện nay, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, khi gặp khó khăn trong tìm lời giải cho câu hỏi: Có nên sửa Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra hay không!? Một lãnh đạo trong Hiệp hội nói khá thận trọng: “Cái khó ở đây chính là, nếu sửa đổi Nghị định 36 thì cũng đồng nghĩa với việc, thừa nhận bước lùi về chất lượng. Nghị định 36 đang được trình Chính phủ xem xét, có dự kiến lùi thời gian thực hiện tiêu chuẩn VietGap cho vùng nuôi đến hết năm 2016…”. Vậy nên, trả lời được câu hỏi này sẽ tác động rất lớn đến vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL.
Trước mắt để giải quyết quy hoạch phát triển ngành một cách dài hơi, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đang khẩn trương hoàn chỉnh và thực hiện đề án xếp hạng doanh nghiệp ngành cá để thúc đẩy hoạt động cạnh tranh của doanh nghiệp, nhằm từng bước nâng cao vị thế doanh nghiệp trên thương trường. Đồng thời, hoàn thiện đề án và thúc đẩy hoạt động tái cấu trúc ngành hàng cá tra, tiếp tục triển khai thực hiện các nghiên cứu làm cơ sở nền tảng cho việc phát triển bền vững ngành hàng.
Hiện tại, số lượng nông dân “treo” ao ngày càng tăng. Điều ấy có thể sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu trong dài hạn. Nhưng có nuôi lại hay không, quy mô như thế nào, thì người nông dân phải liên kết chặt với doanh nghiệp cụ thể để có đầu ra ổn định (có hợp đồng mua cá). Chỉ có như vậy, người nông dân mới có thể tránh được rủi ro! Còn về dài hạn, muốn lấy lại đà tăng trưởng của một ngành từng là mũi nhọn xuất khẩu, cần sớm có những quy hoạch chiến lược để phát triển nuôi và chế biến cân bằng, bền vững. Về phía Nhà nước, cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ nông dân xây dựng vùng nuôi, hỗ trợ kinh phí để duy trì, cấp giấy chứng nhận chất lượng cũng như hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi siêu thị bán hàng ở nước nhập khẩu để tiếp thị sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Trên thực tế, đây là điều mà bản thân các doanh nghiệp lẫn hộ nuôi không đủ lực để tự thực hiện nên rất cần có sự trợ lực từ các đơn vị chuyên môn và cơ quan nhà nước.
Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc người nuôi và doanh nghiệp Việt Nam cần phải tuân thủ “luật chơi” chung, phải áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong nghề nuôi cá tra, để đáp ứng các tiêu chí và yêu cầu của các thị trường khó tính.