TIN THỦY SẢN

Bay như... ếch

Do có tứ chi rất khoẻ, giữa các ngón có màng da, màng chân lớn, nếp da bên cánh tay rộng nên ếch cây có thể dễ dàng lướt mình từ cây này sang cây khác. Ảnh: Tim Laman

Những ngày đầu năm 2013, cộng đồng yêu thiên nhiên rất thú vị trước thông tin các nhà khoa học Úc và Việt Nam phối hợp nghiên cứu, phát hiện và công bố trên tạp chí sinh học quốc tế Journal of Herpetology loài ếch cây mới ở vùng đất thấp phía Nam Việt Nam, với tên khoa học Rhacophorus helenae.

Nhà sinh học người Úc, tiến sĩ Jodi Rowley – đang làm việc tại viện bảo tàng Sydney, là người có công phát hiện và mô tả loài ếch này – cho biết bà đặt tên loài ếch mới như vậy để vinh danh mẹ – bà Helen M. Rowley, người mới được chẩn đoán ung thư buồng trứng, vì đã giúp đỡ mình trong công tác nghiên cứu.

“Tìm thấy loài ếch lớn và ấn tượng này là một sự ngạc nhiên với tôi, nhất là khi chúng sinh sống tại các vùng đất trũng nằm quanh các ruộng lúa ở TP.HCM. Điều hiếm có về phát hiện mới là tôi tìm thấy một con ếch đơn lẻ tại khu vực chỉ cách trung tâm TP.HCM 90km”, Rowley nói.

Rowley cho biết thêm, bà nhìn thấy loài ếch này lần đầu ở Việt Nam hồi năm 2009 trong chuyến khảo sát tới các cánh rừng. Tuy nhiên bà đã nghĩ đây là loài ếch cây quen thuộc, đã được phát hiện và đặt tên Rhacophorus kio, nên không bận tâm.

Các loài ếch này đang có nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống và sự xâm lấn của con người. Ảnh: Tim Laman

Cho đến chuyến khảo sát kế tiếp sau đó hơn một năm, bà có cơ hội chứng kiến tận mắt tiêu bản mẫu của con ếch từng thấy trước đó và ghi nhận chúng có nhiều đặc điểm khác biệt về so sánh các mẫu DNA giữa hai loài và đặc điểm hình thái bên ngoài như kích thước lớn hơn, phần hậu môn sẻ xẻ thuỳ... Các phân tích tế bào sau đó xác nhận đánh giá của Rowley là chính xác.

Loài ếch cây Rhacophorus helenae có vùng phân bố khá rộng, từ khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông thuộc tỉnh Bình Thuận đến rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc vùng Thác Mai (Đồng Nai). Chúng có kích thước khá lớn: dài thân con đực

Ếch cây Rhacophorus helenae do các nhà khoa học Úc và Việt Nam phát hiện

72,3 – 85,5mm, con cái 89,4 – 90,7mm. Mặt trên lưng và đầu màu xanh lá cây hay xanh dương với những đốm trắng. Bụng vàng nhạt, có đốm đen lớn trên nền vàng ở hai bên nách. Bàn chân, tay có màng hoàn toàn, đĩa ngón rộng trên nền vàng nhạt của màng chân (màng tay của ba ngón ngoài) có màu đen hay tím sẫm.

Màng chân lớn, nếp da bên cánh tay rộng. Gót chân có nếp da nhọn. Màu sắc con đực và con cái giống nhau. Hiện các nhà nghiên cứu đang xác minh xem con ếch do Rowley phát hiện có bị nguy hiểm không vì nơi sinh sống của loài này là một vùng rừng đồng bằng, nên việc mất nơi cư trú sẽ đe doạ nghiêm trọng giống loài này.

Ngoại hình ếch cây thường tương xứng với khu vực sinh sống và có khả năng thay đổi

Họ ếch cây gồm khoảng 320 loài sống rải rác từ châu Phi hạ Sahara, Trung Quốc, Đông Nam Á, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, quần đảo Sunda Lớn. Có khoảng 80 loài thuộc các chi trong họ ếch cây hiện sống tại châu Á.

Chúng có hệ thống màng giữa các ngón chân phát triển, thích nghi với đời sống trên cây. Ngoại hình cũng thường tương xứng với môi trường sinh sống: loài sống ở vùng nhiệt đới thường có màu sắc sặc sỡ, còn loài sống ở vùng khí hậu ôn đới thường có màu tối hơn.

Một con ếch cây xấu số bị rắn vồ. Ảnh: FreakingNews

Nhiều loài trong số chúng còn có khả năng thay đổi màu sắc tương ứng với sự thay đổi của môi trường. Do có tứ chi rất khoẻ, giữa các ngón có màng da, màng chân lớn, nếp da bên cánh tay rộng nên ếch cây có thể dễ dàng liệng từ trên cây cao xuống và tiếp đất nhẹ nhàng, hoặc lướt từ cây này sang cây khác mà không hề hấn gì. Với những đặc tính này, ếch cây còn có tên gọi là ếch bay.

Các mẫu ếch cây ở Việt Nam được thấy ở các cánh rừng nằm ở vùng đất trũng ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Ninh Bình, Quảng Bình, Bình Thuận, Đồng Nai… và các loài ếch này đang có nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống và sự xâm lấn của con người.

SGTT