Bệnh hoại tử cơ và các vấn đề liên quan trong nuôi tôm công nghệ cao
Bệnh hoại tử cơ được các nhà chuyên môn mô tả thường xuất hiện giai đoạn tôm thẻ trên 45 ngày tuổi, hiện tượng ban đầu nhận diện cho thấy, phần cơ đuôi trở nên trắng đục, sau đó lan dần khắp cơ thể.
Ở mức độ nặng có thể dẫn đến hiện tượng hoại tử, và đỏ ở phần cơ trước đó đã chuyển trắng đục. Tôm bị hoại tử cơ ở giai đoạn cấp tính, xuất hiện các vùng hoại tử trắng rộng ở các cơ vân như phần cơ bụng, cơ đuôi trắng đục, đặc biệt phần bụng, dẫn đến hiện tượng hoại tử, sau khi tôm chết, các phần này có màu đỏ tương tự như màu của tôm nấu chín.
Dấu hiệu lâm sàng đặc biệt, màu trắng, đục cơ, thường nổi bật hơn ở tôm thẻ Litopenaeus vannamei. Tôm chết, rớt đáy với tỷ lệ tăng nhanh. Bệnh hoại tử cơ là một bệnh truyền nhiễm tác nhân do virus IMNV (Infectious Myonecrosis Virus) gây ra. Hoại tử cơ là một trong những bệnh virus trên tôm, được phát hiện trong thời gian gần đây nhất.
Quá trình lây lan của IMNV qua các châu lục khác được ghi nhận do sự nhập chuyển tôm bố mẹ. IMNV lây nhiễm trên họ tôm he, bao gồm các loài được nuôi phổ biến như tôm thẻ trắng (Litopenaeus vannamei) và tôm sú (P. monodon), tôm sú nâu (Penaeus esculentus), tôm bạc thẻ (P. merguiensis).
Bệnh hoại tử cơ có thể được truyền theo chiều ngang và chiều dọc. IMNV có thể được truyền qua đường tiêu hóa của mô bị nhiễm bệnh, thông qua việc tôm sống ăn thịt tôm bị bệnh và chết. Ấu trùng tôm có thể bị nhiễm bệnh thông qua lây truyền dọc. IMNV đã được phát hiện trong trứng và buồng trứng của tôm mẹ bị nhiễm bệnh, cho thấy có sự lây truyền từ tôm mẹ sang tôm con. Sự lây lan xuất phát từ các loài địch hại như cò, giáp xác, ký sinh trùng…mang mầm bệnh từ ao tôm nhiễm bệnh, sang ao tôm khoẻ.
Bệnh hoại tử cơ có thể được truyền theo chiều ngang và chiều dọc. Ảnh:thuysan247.com
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, hoặc thâm canh trên ao đất, thả nuôi mật độ thưa (≤ 150 con/m2). Ao nuôi áp dụng các mô hình này thường diện tích lớn (2.000 – 3.000 m2), không gian sinh sống tôm trong ao thoáng rộng, hàm lượng oxy trong nước đủ đáp ứng cho tôm hô hấp, vận động...
Các mô hình này chủ yếu cho tôm ăn bằng tay, chủ động điều chỉnh thức ăn, lượng ăn, lần ăn, theo diễn biến thời tiết, chất lượng thông số môi trường, sức khoẻ tôm, nhu cầu theo trọng lượng thân, theo thời gian nuôi.
Mặt khác, lượng chất thải như phân tôm, vỏ tôm lột, thức ăn dư thừa, chất lơ lửng trong nước lắng tụ, xác tảo tàn…mức độ và sinh khối trung bình. Người nuôi tôm có thể chủ động kiểm soát, xử lý, giảm thiểu tối đa những tác động xấu, do thông số môi trường bất lợi đến tôm nuôi.
Từ những đặc điểm của phương thức nuôi trên, mức độ ảnh hưởng của bệnh hoại tử cơ, đến sự thành công, hiệu quả kinh tế mô hình chưa rõ ràng nên chưa được người nuôi quan tâm.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao và mối liên quan giữa bệnh hoại tử cơ
Nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao thường thả mật độ dày (≥ 200 con/m2), ao nuôi diện tích nhỏ (1.200 – 1.500 m2). Thường hộ nuôi sử dụng ao tròn nổi, hoặc ao hình vuông, bo tròn góc ao, lót bạt xung quanh, đáy ao. Không gian sinh sống tôm trong ao, hồ, rất chật hẹp, mật độ theo sinh khối chiều cao cột nước là chính. Hàm lượng oxy trong nước thường có nguy cơ thiếu, không đủ đáp ứng cho tôm hô hấp, vận động.
Đặc biệt, khi thời gian nuôi từ ≥ 1,5 tháng, nếu môi trường dư thừa thức ăn, tảo phát triển mất kiểm soát, chất thải không kịp thu gom, loại bỏ ra khỏi ao nuôi liên tục, khí độc sinh ra nhiều, hệ thống oxy đáy (sủi) bố trí không hợp lý tôm sẽ thiếu oxy trầm trọng hơn.
Các mô hình này chủ yếu cho tôm ăn bằng máy, mối liên hệ, phối hợp, giữa việc cho tôm ăn, lượng cho ăn trong ngày, cữ ăn trong ngày, diễn biến thời tiết, chất lượng thông số môi trường, cho thấy nhiều bất cập. Chưa cân đối giữa nhu cầu thực tế bầy tôm, theo sức khoẻ tôm, theo trọng lượng thân, theo thời gian nuôi...
Mặt khác, lượng chất thải như phân tôm, vỏ tôm lột, xác tôm chết, thức ăn dư thừa, chất lơ lửng trong nước lắng tụ, xác tảo tàn đạt hàm lượng và sinh khối rất cao. Người nuôi tôm gặp khó khăn trong kiểm soát, xử lý, giảm thiểu tối đa những tác động xấu, do diễn biến thông số môi trường xấu, bất lợi từ thời tiết quá nhanh.
Mức độ ảnh hưởng càng trầm trọng, bệnh hoại tử cơ càng nhiều cơ hội xâm nhập, tăng mức độ gây hại nặng nề hơn. Các dấu hiệu lâm sàng của bệnh hoại tử cơ như tôm ăn yếu dần, xuất hiện tôm bơi dọc mé bờ ngày càng nhiều, gan chuyển từ nâu sang vàng, phân cơ bụng xuất hiện những vùng trắng, đục mờ.
Bệnh hoại tử cơ cũng có thể xuất hiện do tôm mắc một số vấn đề khác như thiếu oxy, nuôi mật quá dày,... Ảnh: bioaquagroup.com
Những ao nuôi bà con quản lý thức ăn không tốt, gây dư thừa thức ăn, những ao nuôi để tảo lục (Chlorella) phát triển từ màu xanh đậm dần chuyển sang màu rau má (tảo mắt - Euglena sp), những ao có hiện tượng tôm bơi dọc bờ vào ban ngày, những ao pH nước ao nuôi > 8.3, tôm ăn yếu…trong những ao nuôi gặp vấn đề trên, nguy cơ bệnh hoại tử cơ xuất hiện rất cao.
Ngoài ra, bệnh hoại tử cơ cũng có thể xuất hiện do tôm mắc một số vấn đề khác như thiếu oxy, nuôi mật quá dày, nhiệt độ hoặc độ mặn trong ao nuôi do ảnh hưởng thời tiết thay đổi đột ngột, tôm bị sốc liên quan đến căng thẳng, nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra các vết thương, làm sức khoẻ tôm yếu dần...
Bệnh hoại tử cơ tác nhân gây bệnh do virus, nên bà con nuôi tôm chỉ phòng bệnh là chính. Bà con nên thả nuôi mật độ hợp lý, mật độ thả phù hợp khả năng vận hành nắm bắt kỹ thuật, khả năng đầu tư trang thiết bị, điều kiện ao, hồ nuôi, điều kiện tài chính.
Trong quá trình nuôi, chủ động san, chuyển, tôm nuôi sang môi trường mới liên tục (20 – 30 ngày/lần chuyển). Gây tảo khuê Cheatoceros sp., Skeletonema sp làm màu nước trong ao nuôi. Quản lý thức ăn, lượng thức ăn hàng ngày, chỉ đáp ứng 80% lượng ăn, so nhu cầu thực tế của tôm nuôi. Chủ động điều chỉnh lượng ăn hàng ngày theo sức khoẻ tôm, theo diễn biến thời tiết, theo chất lượng thông số môi trường.
Bà con cần tăng cường bổ xung chất hỗ trợ gan cho tôm được sử dụng phổ biến như Sorbitol, Inositol, Choline và Methionine, Beta glucan; vi sinh đường ruột có lợi như Bacillus subtilis, Lactobacillus acidophilus, Saccharomyces cerevisiae. Các chất phụ gia như acid hữu cơ; các chất hỗ trơ tiêu hoá như Prebiotic, Probiotic điển hình như như Mannan Oligosaccharide (MOS), Galacto-oligosaccharide (GOS), Fructo-oligosaccharide (FOS), Lipopolysaccharides. Các loại enzyme hỗ trơ tiêu hoá như Amylase, Protease, Cellulose, Phytase, Xylanase, Mannaase, pectinase, B-Glucanase, a-Galactosidase, Lipase; các acid amine thiết yếu như Methionine, Lysine, Leusine, Arginine, Threonine; các vitamin tổng hợp dạng Premix…cải thiện hoạt động gan tuỵ, hệ đường ruột tôm nuôi.
Chủ động dùng Selenium, CaCO3, CaMg(CO3)2, Ca, Mg nguyên liệu, bổ xung khoáng. Tốt nhất bà con nên dùng các khoáng hữu cơ:
Protein Chelates = ligandum + ion kim loại --> Hấp thu > 80% (Ca, P, Fe, Zn, Mg tạo phức protein chelates với amin hữu cơ DL-methionine, L-lysine, Arginine, Tryptophan và Valine).
Một số khoáng hữu cơ điển hình như Metal (Specific Amino Acid) complex; Metal Amino Acid complex; Metal Amino Acid Chelate…Định kỳ sổ và diệt ký sinh trùng, diệt khuẩn ao nuôi, điều chỉnh màu nước, tiêu diệt bệnh trung gian trong ao nuôi.
Bệnh hoại tử cơ trên tôm thẻ chân trắng do virus gây ra, trong đó, do nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao mật độ dày, năng suất và sản lượng nuôi sinh khối lớn. Khối lượng chất thải hàng ngày trong ao nuôi rất nhiều, là cơ hội để bệnh thâm nhập, bùng phát nhanh, gây hậu quả nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả mô hình. Phòng bệnh là giải pháp tối ưu, hạn chế tác hại gây ra.