Bệnh thường gặp trên cá tra và biện pháp phòng chống
Cục Thủy sản vừa cho biết đặc điểm dịch tễ của một số bệnh thường gặp trên cá tra và biện pháp phòng trị có hiệu quả.
Đặc điểm dịch tễ của các bệnh thường gặp
Bệnh gan thận mủ
Đây là bệnh nguy hiểm trên cá tra, thuộc danh mục bệnh động vật thủy sản phải công bố dịch, hiện nay đã cơ bản được kiểm soát không bùng phát thành đợt dịch lớn. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện rải rác trong các ao nuôi.
Bệnh do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây ra, xuất hiện ở tất cả các giai đoạn nuôi nhưng mẫn cảm nhất là giai đoạn cá giống. Trong nuôi, bệnh có thể xuất hiện quanh năm nhưng nhiều nhất vào mùa mưa lũ, tập trung 3 tháng đầu sau khi thả nuôi. Bệnh có thể xuất hiện nhiều lần trong một vụ nuôi và khả năng làm chết tới 50% đàn cá. Có thể lây trực tiếp từ cá bệnh sang cá khỏe (trong cùng ao) hoặc lây qua môi trường giữa các ao và vùng nuôi khác nhau (mầm bệnh theo nước hoặc các loài cá hoang dã). Cá bị bệnh yếu, kém ăn, bơi lờ đờ; mổ ra thấy trên gan, thận và lách có nhiều đốm trắng.
Bệnh xuất huyết
Đây là bệnh phổ biến, các loại vi khuẩn gây bệnh thường lây nhiễm cho nhiều loài cá nuôi và rất khó kiểm soát do vi khuẩn thường trực sẵn trong môi trường ao nuôi và các loài cá hoang dã.
Bệnh do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra, xuất hiện ở tất cả các giai đoạn nuôi và có thể làm chết 90% đàn cá. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng tập trung vào đầu mùa khô, đặc biệt khi cá bị stress sau khi trời mưa. Bệnh lây trực tiếp từ cá bệnh sang cá khỏe (trong cùng ao) hoặc lây qua môi trường giữa các ao và vùng nuôi khác nhau (mầm bệnh có trong nước hoặc các loài cá hoang dã). Cá bị bệnh xuất hiện các đốm đỏ do xuất huyết ở gốc vây, quanh miệng, mắt và hậu môn. Mắt lồi đục, quanh hốc mắt bị sưng, mất nhớt; bụng trướng to, các vây xơ rách. Khi mổ khám thấy xoang bụng chứa dịch, gan thận sưng, xuất huyết và hoại tử.
Bệnh trương bóng hơi
Nguyên nhân chính do nấm Fusarium sp và độc tố của nấm gây ra, còn có một số nguyên nhân khác như môi trường ao nuôi nhiễm khí độc, kim loại nặng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Độc tố tác động lên hệ thần kinh cá, làm rối loạn quá trình điều tiết bóng hơi và gây ra hiện tượng cá bị trương bóng hơi.
Cá bị bệnh sẽ ốm yếu (do bỏ ăn), bơi lờ đờ trên mặt nước, tách đàn; khi bơi lưng cá nhô cao hơn mặt nước, bụng trướng to, cá có xu hướng đớp khí nhiều hơn bình thường. Trước khi chết, cá bơi nghiêng hoặc ngửa bụng. Mổ thấy bóng hơi trướng to, chứa bọt khí và có dịch; có thể kèm theo hiện tượng lở loét trên da, vây lưng; một số trường hợp ruột xuất huyết, máu cá sẫm màu và đặc hơn bình thường.
Bệnh trắng đuôi, thối đuôi
Do vi khuẩn Flavobacterium columnare gây bệnh, không chỉ cho cá tra mà còn 35 loài cá khác như chép, trắm cỏ, rô phi, rô, lươn, hồi vân…. Trong các nhóm vi khuẩn gây bệnh trên cá nước ngọt, F.columnare là loài gây thiệt hại lớn; với cá tra làm chết 80 -100% cá hương, cá giống và 35- 60% ở cá trưởng thành.
Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng phổ biến từ tháng 10 đến tháng 4. Cá nhiễm F.columnare có dấu hiệu trắng da (xuất hiện các đốm bạc màu bên ngoài cơ thể); tia mang xơ trắng, bạc màu; mòn vây. Cá nhiễm bệnh không có bệnh tích trong nội quan. Các vùng tổn thương trên da, mang cá nhiễm bệnh xuất hiện vi khuẩn gram âm (-) dạng sợi mảnh, tập trung thành cụm lớn hoặc xuất hiện rải rác trong mô bào. Các vùng tổn thương trên mang làm giảm khả năng hô hấp của cá, gây suy giảm chức năng sinh lý của cơ thể và gây chết khi các vùng tổn thương lan rộng. Ngoài ra, mang và da đóng vai trò quan trọng đối với khả năng miễn dịch của cá tra, khi các cơ quan này tổn thương thì khả năng miễn dịch suy giảm, cá dễ bị nhiễm các tác nhân gây bệnh sẵn có trong nước.
Bệnh do ký sinh trùng
Gây thiệt hại cho cá tra từ ương giống đến nuôi thương phẩm; phổ biến ở giai đoạn cá nhỏ, chủ yếu là nhóm ngoại ký sinh. Các nhóm ngoại ký sinh trùng có chu kỳ phát triển trực tiếp không qua ký chủ trung gian như trùng bánh xe (Trichodina), thích bào tử (Myxobolus, Henenguya), trùng miệng lệch (Chilodonella), sán lá đơn chủ (Dactylogyrus, Gyrodactylus), trùng mỏ neo (Lernaea),...
Cá bị nhiễm bệnh thì da, mang, vây có nhiều trùng bám thành các hạt lấm tấm rất nhỏ, màu hơi trắng đục (đốm trắng), thấy rõ bằng mắt thường. Da, mang cá có nhiều nhớt, màu sắc nhợt nhạt. Cá bệnh nổi từng đàn lên mặt nước, bơi lờ đờ yếu ớt; lúc đầu cá tập trung gần bờ, nơi có cỏ rác, quẫy nhiều do ngứa ngáy; trùng bám nhiều ở mang, phá hoại biểu mô mang làm cá ngạt thở. Khi cá yếu quá chỉ còn ngoi đầu lên để thở, đuôi bất động cắm xuống nước.
Một số biện pháp phòng chống bệnh
Biện pháp tổng hợp
Tuyệt đối tuân thủ quy trình nuôi, mật độ thả nuôi, quy trình xử lý nước thải, chất thải và tăng cường chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho cá. Sử dụng chế phẩm sinh học, men vi sinh, chế phẩm tăng cường chức năng của gan, thận, đường ruột cho cá.
Khuyến khích sử dụng vắc xin phòng bệnh cho cá.
Biện pháp phòng bệnh với cơ sở sản xuất giống
Cơ sở nuôi cá bố mẹ cần sử dụng nguồn nước qua lưới lọc hai lớp (kích cỡ mắt lưới 40µm). Nước đảm bảo chất lượng theo quy định. Mật độ nuôi theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản. Cá bố mẹ có nguồn gốc rõ ràng, đạt yêu cầu về chất lượng. Sử dụng thức ăn đủ lượng đạm theo nhu cầu ở từng giai đoạn phát triển của cá. Các loại thức ăn tổng hợp và tự chế biến phải được bảo quản tốt, tránh nhiễm nấm mốc và nhiễm khuẩn; thức ăn tươi sống phải được xử lý, đảm bảo không mang mầm bệnh.
Cơ sở sản xuất cá giống cần cải tạo ao và xử lý môi trường đúng quy trình kỹ thuật. Nước cấp vào ao đảm bảo chất lượng (cho qua lưới lọc hai lớp, kích cỡ mắt lưới 40 µm). Mật độ thả theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản, chọn cá bột và cá hương khỏe, kích cỡ đồng đều. Thức ăn giai đoạn đầu (sau khi thả cá bột) là nguồn tự nhiên (luân trùng, moina,…); giai đoạn tiếp theo sử dụng thức ăn công nghiệp dạng bột, mảnh hay viên có kích thước phù hợp với cỡ miệng cá.
Quản lý sức khỏe cá: Bổ sung các loại vitamin, khoáng,… để tăng sức đề kháng cho cá. Kiểm tra các yếu tố môi trường ao ương: hàm lượng ôxy hòa tan (hằng ngày); pH, độ kiềm (2 ngày/lần); H2S, NH3 (1 tuần/lần) để xử lý khi có dấu hiệu bất thường. Thay nước phù hợp ở ao ương mỗi ngày. Chỉ sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học trong Danh mục thuốc thú y dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam.
Biện pháp phòng bệnh đối với cơ sở nuôi cá tra thương phẩm
Nước xả, chất thải từ ao đang nuôi phải được xử lý đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y bằng vôi bột, hóa chất được phép. Trường hợp ao xảy ra bệnh ở vụ trước, phải xử lý nước đảm bảo không còn mầm bệnh trước khi xả thải.
Chọn và thả giống cá tra giống khỏe mạnh, nguồn gốc rõ ràng; mật độ thả nuôi theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản. Sử dụng thức ăn có các thành phần, kích cỡ phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của cá. Sử dụng vắc xin phòng bệnh theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan thú y có thẩm quyền. Chỉ sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học trong Danh mục thuốc thú y dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam.
Kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi: DO (hằng ngày); pH, độ kiềm (2 ngày/lần); H2S, NH3 (1 tuần/lần). Không dùng chung dụng cụ giữa các ao, lồng, bể. Người làm việc tại cơ sở nuôi phải thực hiện vệ sinh, khử trùng khi vào, ra.
Giám sát dịch bệnh chủ động: Lấy mẫu xét nghiệm theo hướng dẫn của cơ quan thú y; và định kỳ lấy mẫu cá để xét nghiệm xác định mầm bệnh ít nhất 1 lần/tháng/ao. Giám sát dịch bệnh bị động: Khi phát hiện cá bị bệnh, chết bất thường cần báo cho cơ quan thú y gần nhất; phối hợp với cán bộ thú y lấy mẫu gửi xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.