Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm và biện pháp phòng chống
Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) còn được biết đến là “Hội chứng chết sớm”, do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra. Bệnh này có tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ chết có thể lên đến 90% sau 3-5 ngày phát hiện.
Bệnh xảy ra ở hầu hết các tháng trong năm, nhưng chủ yếu vụ nuôi chính từ tháng 3 – 8. Bệnh lây từ tôm bệnh sang tôm khỏe, mầm bệnh tồn tại trong môi trường có thể gây bệnh trực tiếp cho tôm khỏe.
Ở giai đoạn đầu chưa rõ ràng, tôm chậm lớn, lờ đờ, bỏ ăn, tấp mé và chết ở đáy ao nuôi. Ở giai đoạn tiếp theo, tôm bệnh có hiện tượng mềm vỏ, màu sắc cơ thể biến đổi, gan tụy mềm, dễ vỡ, sưng to, đổi màu và chết. Tôm bị bệnh lâu ngày có gan tụy teo, dai, nhạt màu, ruột trống không chứa thức ăn.
Phương pháp lấy mẫu, xác định tác nhân gây bệnh
Chuyển mẫu tôm còn sống được chứa trong túi nylon có nước và bơm ôxy hoặc ướp lạnh 2-8°C về phòng thí nghiệm. Lấy mẫu gan tụy hoặc máu nuôi cấy, phân lập và định danh vi khuẩn (không quá 24 giờ, kể từ khi hoàn thành việc lấy mẫu)
Kỹ thuật PCR (Realtime PCR): xác định Vibrio parahaemolyticus có gen độc lực để khẳng định tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm nuôi.
Phòng chống bệnh tại cơ sở sản xuất tôm giống
Phòng bệnh
Trước khi xuất bán con giống ra ngoài tỉnh phải đăng ký kiểm dịch đảm bảo không nhiễm mầm (vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus mang gen độc lực gây bệnh).
Định kỳ 02 tháng/lần lấy mẫu nước, chất cặn đáy bể vả thức ăn tươi sống để xét nghiệm bệnh AHPND.
Có sổ theo dõi sức khỏe, sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường và thức ăn trong quá trình sản xuất; sổ xuất, nhập tôm bố mẹ, tôm giống.
Xử lý bệnh
Ngừng sản xuất trên lô tôm bố, mẹ bị bệnh.
Tiến hành thu hoạch lô tôm bố, mẹ, ấu trùng và hậu ấu trùng bị bệnh để tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về thú y thủy sản.
Theo dõi các lô tôm bố, mẹ khác và lấy mẫu nước, chất cặn đáy bể xét nghiệm nếu nghi ngờ.
Xử lý môi trường nước, ao, bể, dụng cụ khu vực sản xuất giống... bằng các loại hóa chất có trong Danh mục thuốc thú y dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam trước khi xả ra môi trường để tránh lây lan.
Phòng chống bệnh tại cơ sở nuôi tôm thương phẩm
Phòng bệnh
Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp.
Trong 6 tuần đầu tiên sau khi thả, các cơ sở nuôi thâm canh, bán thâm canh tiến hành lấy mẫu tôm, nước, bùn định kỳ 02 tuần/lần để đếm Vibrio tổng số đồng thời phát hiện Vibrio parahaemolyticus mang gen gây bệnh.
Xử lý bệnh
Thông báo cho các cơ sở nuôi xung quanh để có các biện pháp phòng bệnh kịp thời tránh lây lan trên diện rộng.
Mẫu nước hoặc bùn ao nuôi phát hiện vi khuẩn Vibrio tổng số vượt quá giới hạn cho phép (≥ 103 CFU/ml) phải điều chỉnh, làm giảm số lượng vi khuẩn Vibrio trong ao như sử dụng các chế phẩm sinh học, các loại hóa chất diệt khuẩn trong Danh mục thuốc thú y dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam.
- Nếu phát hiện Vibrio parahaemolyticus mang gen gây bệnh AHPND nhưng tôm không chết:
+ Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, tăng cường sức đề kháng cho tôm, ngăn chặn sự phát tán tôm bệnh sang các ao nuôi khác.
+ Điều chỉnh các yếu tố môi trường nuôi trong ngưỡng thích hợp, không để biến động mạnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm sức đề kháng của tôm nuôi”.
- Nếu phát hiện Vibrio parahaemolyticus mang gen độc lực gây bệnh AHPND và tôm chết thì phải áp dụng các biện pháp:
+ Không tự chữa trị, không xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường;
+ Tôm bệnh đạt kích cỡ thương phẩm: có thể sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi hoặc các mục đích khác (trừ động vật thủy sản làm giống hoặc thức ăn tươi sống cho động vật thủy sản khác);
+ Tôm bệnh không đạt kích cỡ thu hoạch: Không vứt tôm mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh ra môi trường…
+ Chỉ được phép vận chuyển tôm ra ngoài vùng có dịch sau khi đã xử lý theo hướng dẫn của Cơ quan Thú y;
+ Không vứt tôm mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh ra môi trường;
+ Xử lý nước ao nuôi, nước thải, khử trùng các dụng cụ, ao bể, nền đáy, diệt giáp xác bằng các loại hóa chất được phép sử dụng;
+ Căn cứ vào tình hình thực tế và theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành nuôi trồng thủy sản của địa phương để quyết định nuôi tiếp hay tạm dừng. Nếu nuôi tiếp, áp dụng Quy trình nuôi tôm nước lợ an toàn trong vùng dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản.