Benjina, nơi tận cùng thế giới của những nô lệ thời hiện đại
Hãng tin Mỹ AP vừa đoạ giải báo chí Pulitzer danh giá với loạt điều tra về tình trạng nô lệ trong ngành đánh bắt hải sản ở một số quốc gia châu Á như Indonesia, Thái Lan. Báo NNVN lược thuật loạt điều tra công phu, kéo dài cả năm trời để rồi dẫn đến nhiều thay đổi trên thị trường hải sản thế giới này.
Những nô lệ người Miến Điện ngồi bệt trên sàn nhà, nhìn ra ngoài qua song sắt cửa buồng giam được bố trí kín đáo trên một hòn đảo nhỏ, cách xa quê nhà họ vài ngàn km. Cách đó không xa, các công nhân khác đang bốc hàng lên tàu. Đây là số hải sản do những người bị đối xử không khác gì nô lệ đánh bắt. Chúng sẽ được đưa tới những thị trường lớn của thế giới, vào các nhà hàng, thậm chí là cả cửa hàng thức ăn cho vật nuôi ở Mỹ.
Nô lệ thời hiện đại
Nhưng tám người trong cũi giam bị xếp vào thành phần nhân công có khả năng chạy trốn. Họ sống chỉ với một chút cơm và cà ri mỗi ngày, chỗ bị giam chỉ rộng đủ để nằm xuống. Khi nào có tàu đánh cá mới ra khơi, họ sẽ bị buộc phải theo tàu làm việc.
“Tất cả những gì tôi đã làm là bảo thuyền trưởng rằng tôi không thể chịu đựng thêm nữa và tôi muốn về nhà”, Kyaw Naing, với đôi mắt khẩn cầu hướng về một máy quay phim của phóng viên hãng AP gắn bí mật trên mình một công nhân. “Lần cập cảng sau đó, tôi đã bị nhốt”, cậu nói đầy lo lắng khi thấy bóng dáng một bảo vệ gần đó.
Ở đây, tại một ngôi làng trên đảo Benjina của Indonesia, tứ bề là biển cả, hàng trăm nô lệ bị buộc tham gia một đường dây liên kết giữa các công ty và các quốc gia trong ngành đánh bắt hải sản.
Những nô lệ thời hiện đại mà phóng viên phỏng vấn được trên đảo Benjina hầu hết đến từ Miến Điện, một trong những nước nghèo nhất thế giới. Họ được đưa tới Indonesia qua ngõ Thái Lan và bị buộc phải đi đánh cá. Những thứ họ đánh bắt được đưa bằng tàu biển về Thái Lan rồi từ đây nhập vào thị trường hải sản thế giới.
Trong một năm điều tra vụ việc, phóng viên AP nói chuyện với hơn 40 người, có những nô lệ đang phải làm việc và cả những người đã thoát được khỏi Benjina. Phóng viên đã theo dõi một chuyến tàu chở hải sản do nô lệ khai thác rời bến từ Benjina, theo dấu nó bằng thiết bị vệ tinh để biết nó cập một cảng Thái Lan. Tại đây, các phóng viên tiếp tục theo đoàn xe chở hàng đi liên tục 4 ngày đêm để tới hàng chục nhà máy, khu bảo quản lạnh và chợ cá lớn nhất Thái Lan.
“Hải sản bẩn” sau đó được chuyển tới Mỹ, theo ghi nhận của hải quan nước này. Chúng cũng tới các nước châu Á, tới châu Âu nhưng nhóm phóng viên chỉ theo dõi các chuyến hàng tới Mỹ, nước công khai các số liệu thương mại.
Những nô lệ mà AP phỏng vấn không biết tôm cá được đưa đi đâu. Họ chỉ biết chúng rất có giá và họ không được ăn chúng. Họ nói các thuyền trưởng trên tàu đánh cá bắt buộc họ uống nước không sạch và làm việc 20-22 giờ/ca và không có ngày nghỉ. Hầu như tất cả đều nói họ bị đá, đánh bằng roi đuôi cá đuối có độc nếu phàn nàn hoặc có ý muốn nghỉ ngơi một chút. Họ được trả công rất thấp, thậm chí là không trả trong khi ngày ngày khai thác những mẻ lưới đầy mực, tôm, cá hanh, cá mú và các loại hải sản khác.
Đảo “Thần Chết”
Một số người đã đánh bạo gọi phóng viên cầu cứu khi tàu đã vào cảng. “Tôi muốn về nhà, tất cả chúng tôi đều muốn”, một người đàn ông nói bằng tiếng Miến Điện, những người khác cũng lặp lại những lời đó. “Cha mẹ chúng tôi không biết tin tức gì của chúng tôi trong một thời gian dài rồi. Tôi chắc họ nghĩ chúng tôi đã chết”.
Kyaw Naing, một nô lệ đến từ Miến Điện bị giam trên đảo Benjina. Sau khi AP có loạt điều tra, Kyaw Naing đã được giải thoát và trở về quê. (Ảnh: AP, The Star)
Một người khác liếc mắt đầy lo lắng về phía buồng thuyền trưởng và nói: "Chúng tôi bị đánh đập, chúng tôi không thể chống trả. Tôi nghĩ số phận chúng tôi đang nằm trong tay Thần Chết”.
Nhiều trường hợp đã bị thương tật hay thậm chí mất mạng trên các con tàu đánh cá. “Nếu người Mỹ hay châu Âu ăn những con cá này, họ nên nhớ về chúng tôi”, Hlaing Min, 30 tuổi, một nô lệ đã thoát khỏi Benjina, nói. “Có cả đống xương người dưới biển. Hài cốt dân đánh cá phải chất đầy một hòn đảo rồi”.
Đối với các nô lệ người Miến Điện, Benjina là nơi tận cùng thế giới. Khoảng 3.500 người sống trên thị trấn bao gồm hai hòn đảo, cách nhau 5 phút đi thuyền. Là một phần của quần đảo Maluku, trước đây có tên là quần đảo Gia Vị (Spice). Vào những tháng có mưa theo gió mùa, không thể đến được Benjina bằng tàu bởi lúc đó biển Arafura động dữ dội. Ở đây còn bị cô lập thêm bởi không có internet. Trước khi một cột thu phát sóng điện thoại được dựng lên tháng trước, người làng phải trèo lên đỉnh các ngọn đồi vào buổi tối với hy vọng tìm được sóng gửi một tin nhắn. Trên đảo có một đường băng, nhưng đã bị bỏ hoang trong nhiều năm.
Cảng nhỏ ở Benjina do công ty Pusaka Benjina Resources quản lý. Công ty này có trụ sở cao 5 tầng, trong khuôn viên có đặt các chuồng nhốt nô lệ. Đây là công ty đánh bắt hải sản duy nhất ở Benjina có đăng ký chính thức với chính phủ Indonesia và theo công bố, là chủ của hơn 90 tàu giã cào (một hình thức đánh lưới sát đáy biển). Tuy nhiên, các thuyền trưởng là người Thái Lan và chính phủ Indonesia đang điều tra khả năng các tàu cũng thuộc sở hữu của người Thái.
Công ty Pusaka Benjina không trả lời điện thoại, không hồi đáp thư của phóng viên, không nói chuyện với họ cho dù phóng viên đã tới tận văn phòng của họ ở Jakarta, thủ đô Indonesia.