TIN THỦY SẢN

Biển Đông cùng lúc có “siêu” bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động

Đường đi của bão số 7 còn diễn biến phức tạp, khó lường. (Ảnh: NCHMF) phạm thanh

“Siêu” bão giật cấp 15, cấp 16 đang tiến sâu vào biển Đông và còn tiếp tục mạnh thêm. Cùng lúc áp thấp nhiệt đới áp sát vùng biển nước ta sẽ gây thời tiết nguy hiểm trên vùng biển phía nam.

Bão Utor (số 7) được đánh giá là cơn bão rất mạnh và nguy hiểm. Hiện các trung tâm khí tượng ở Nhật, Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam chưa có sự đồng nhất khi dự báo đường đi của “siêu” bão sau khi tiến vào biển Đông. Dự báo "siêu" bão này sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam cũng như các khu vực đã bị bão số 5 và số 6 càn quét liên tiếp những ngày qua, trong đó có thủ đô Hà Nội.

Tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, đến 1h sáng nay (11/8),  tâm  bão số 7  ở khoảng 14,2 độ Vĩ Bắc; 127,0 độ Kinh Đông, cách đảo Lu - Dông (Philippin) khoảng 650km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 1h ngày 12/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 123,2 độ Kinh Đông, cách đảo Lu – Dông (Philippin) khoảng 140km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km. Đến 1h ngày 13/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 118,6 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 730km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cũng cảnh báo, cùng lúc bão số 7 đang di chuyển hiện trên biển Đông còn có vùng áp thấp nhiệt đới đang hoạt động cách  đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 120 km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm. Đến 1h ngày mai (12/8), tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa rào và giông mạnh. Biển động. Ở các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có giông.

phạm thanh Báo Dân Trí