TIN THỦY SẢN

Biện pháp quản lý thức ăn hiệu quả trong nuôi tôm

Quản lý thức ăn hiệu quả mang lại lợi nhuận trong nuôi tôm NT

Thức ăn trong nuôi tôm chiếm một phần chi phí khá cao. Quản lý thức ăn hiệu quả trong nuôi tôm là một yếu tố quan trọng giúp tăng trưởng tôm khỏe mạnh, giảm chi phí, mang lại lợi nhuận cho người nuôi tôm và bảo vệ môi trường. Dưới đây là một số biện pháp quản lý thức ăn hiệu quả trong nuôi tôm:

Chọn thức ăn

Chất lượng thức ăn trong nuôi tôm là một nhân tố quan trọng làm nên thành công của vụ nuôi. Chất lượng thức ăn ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của tôm, khi lượng thức ăn cho tôm tăng, tôm tích lũy nhiều năng lượng hơn và quá trình sinh trưởng cũng tăng.

Sử dụng thức ăn có chất lượng cao, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho tôm (đạm, lipid, carbohydrate, vitamin và khoáng chất). 

Khi lựa chọn thức ăn cho tôm, yếu tố đầu tiên cần quan tâm là màu sắc và mùi đặc trưng. Màu sắc yêu cầu từ vàng nâu đến nâu, có mùi đặc trưng của nguyên liệu phối chế, không có mùi ẩm mốc và mùi lạ khác. Thức ăn không bị vón cục và có độ đồng đều cao, thức ăn viên gồm 6 loại để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm.

Lựa chọn thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm (tôm giống, tôm nhỏ, tôm trưởng thành).

Thức ăn cần phải có nguồn gốc rõ ràng, không chứa các thành phần có hại như chất độc hay vi sinh vật gây bệnh.

Bảo quản thức ăn

Đối với các loại thức ăn trong nuôi tôm có dạng viên hoặc thức ăn bổ sung, bà con nên chọn các sản phẩm của các doanh nghiệp có công bố hàm lượng, chất lượng theo quy định, nằm trong danh mục thức ăn thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam, được sử dụng phổ biến và hiệu quả.

Bà con nên chọn các sản phẩm của các doanh nghiệp có công bố hàm lượng, chất lượng theo quy định

Kho chứa thức ăn phải sạch sẽ, thoáng mát, khô ráo, ngăn chặn được động vật gây hại và không thấm dột. Đối với các loại thức ăn riêng phải được xếp ngay ngắn trên các pallet cao tối thiểu 10cm. Thức ăn viên phải được xếp theo từng mã số riêng biệt, thức ăn bổ sung phải được xếp riêng vào từng loại pallet.

Tất cả các loại thức ăn trong kho phải có nhãn hiệu và nguồn gốc rõ ràng. Các loại thức ăn phải xếp cách tường 10cm và chừa lối đi để thuận tiện cho việc xuất nhập thức ăn. Những thức ăn không sử dụng hết được trong một lần nên được đóng chặt nắp hoặc cột thật kỹ và bảo quản đúng nơi quy định.

Xác định lượng thức ăn 

Cần xác định chính xác lượng thức ăn cần thiết cho tôm dựa trên kích cỡ và tốc độ tăng trưởng của chúng. Có thể sử dụng các công thức tính lượng thức ăn dựa trên trọng lượng tôm và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR).

Theo dõi cường độ bắt mồi của tôm hàng ngày và số lần cho ăn để điều chỉnh kịp thời. Chài tôm là biện pháp theo dõi thức ăn trong nuôi tôm cũng như kiểm tra sức khỏe tôm tốt nhất, mỗi ao chài từ 4-8 vị trí, các vị trí nên cố định cho các lần chài, chài trước khi cho ăn 30 phút, thường xuyên kiểm tra ruột tôm.

Nếu ruột tôm có màu thức ăn, thức ăn đang bị dư, nếu ruột tôm vừa có màu thức ăn, vừa có màu bùn đen là thức ăn đủ. Còn trường hợp toàn bộ ruột tôm màu đen là biểu hiện của việc thiếu thức ăn. Tăng hay giảm thức ăn được điều chỉnh vào ngày hôm sau đúng vào bữa ăn mà hôm trước chài kiểm tra, làm như vậy cho bữa ăn sẽ tính được chính xác lượng thức ăn cho từng bữa.

Thường xuyên điều chỉnh lượng thức ăn để tránh dư thừa hoặc thiếu hụt, vì dư thừa thức ăn có thể gây ô nhiễm nước, còn thiếu thức ăn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm.

Số lần cho ăn

Thức ăn nên được chia thành nhiều lần trong ngày để đảm bảo tôm có thể tiêu hóa hết thức ăn và không bị dư thừa.

Thức ăn nên được chia thành nhiều lần trong ngày để đảm bảo tôm có thể tiêu hóa hết thức ăn và không bị dư thừa

Do tôm ăn chậm và liên tục nên bà con cần cho tôm ăn nhiều lần trong ngày. Nên chia thức ăn trong ngày ra nhiều lần, tháng thứ nhất khoảng 2-3 lần, các tháng sau khoảng 4-5 lần là phù hợp để tôm có thể sử dụng hết lượng thức ăn, tránh lãng phí và giảm thiểu việc gây ra ô nhiễm môi trường.

Giảm thiểu tình trạng thức ăn dư thừa trong ao có thể giúp giảm thiểu ô nhiễm và duy trì chất lượng nước.

Sử dụng công nghệ trong quản lý thức ăn

Sử dụng các thiết bị tự động như máy cho ăn để giúp điều chỉnh lượng thức ăn chính xác và đồng đều hơn.\

Hệ thống cảm biến và theo dõi có thể giám sát tình trạng thức ăn, mức độ ô nhiễm nước và điều kiện môi trường trong ao.

Kiểm soát chất lượng nước

Quản lý chất lượng nước trong ao là một yếu tố quan trọng để ngăn ngừa sự phân hủy của thức ăn dư thừa và duy trì sự sống cho tôm.

Đảm bảo các yếu tố như oxy hòa tan, pH, nhiệt độ và nồng độ amoniac được kiểm soát để không ảnh hưởng đến sự hấp thụ thức ăn của tôm. Tôm sẽ giảm ăn nếu hàm lượng oxy trong ao thấp hơn 4 ppm và ngưng ăn khi thấp hơn 2 ppm. Nhiệt độ nước thích hợp là 28-30°C, khi nhiệt độ nước giảm đi còn ở mức 20°C thì lượng thức ăn nên giảm khoảng 30% so với lượng thức ăn trung bình.

Nên kiểm tra nhiệt độ nước trong ao trước khi cho tôm ăn, nếu hàm lượng oxy hòa tan và nhiệt độ nước chưa thích hợp thì bà con nên chờ ánh sáng mặt trời chiếu xuống ao ít nhất 1 giờ rồi mới cho tôm ăn bữa đầu tiên trong ngày.

Việc quản lý thức ăn hiệu quả không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn góp phần tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường trong nuôi tôm. Vì vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa khoa học, công nghệ và kinh nghiệm thực tế để mang lại hiệu quả cao nhất trong nuôi tôm.

NT