Biện pháp hạn chế tôm chết do virus đốm trắng
Hiện chưa có biện pháp chữa trị bệnh do virus đốm trắng gây ra trên tôm, vì vậy phòng ngừa vẫn là cách hữu hiệu nhất…
Triệu chứng:
Tôm bị bệnh đốm trắng do virus thường biểu hiện một số triệu chứng bệnh lý như tôm có hiện tượng dạt vào bờ, giảm ăn, quan sát trên thân tôm thấy xuất hiện những đốm trắng tròn nằm dưới lớp vỏ kitin ở giáp đầu ngực hoặc toàn thân. Thân tôm xuất hiện màu hồng tím. Tôm chết hàng loạt và có thể chết 100% chỉ trong 3 đến 5 ngày sau khi có dấu hiệu bệnh.
Biện pháp hạn chế:
Bệnh đốm trắng chủ yếu lây truyền theo chiều ngang. Virus này lây từ giáp xác (cua, còng…) nhiễm bệnh đốm trắng từ môi trường bên ngoài ao hoặc ngay trong ao tôm. Vì vậy, khi chuẩn bị ao cần tiêu diệt hết các vật trung gian truyền bệnh bằng vôi hoặc hóa chất. Vét sạch bùn đáy, rải vôi, phơi khô đáy ao 5 đến 7 ngày. Lấp (bít) các lỗ ở bờ ao để cua, còng hết nơi trú ẩn. Khi cấp nước vào ao nuôi cần lọc qua túi lọc nhiều lớp để ngăn trứng và ấu trùng của các loài cá, giáp xác vào ao nuôi trở thành vật truyền bệnh. Sau đó, cần phải tiến hành diệt tạp trong nước trước khi thả nuôi để diệt một số loài cá dữ và cá mang bệnh.
Bệnh đốm trắng không có khả năng lây theo chiều thẳng đứng vì các noãn bào (trứng) nhiễm virus đốm trắng thì không chín (thành thục) được. Nhưng trong quá trình đẻ trứng, tôm mẹ có thể thải ra các virus đốm trắng từ trong buồng trứng, do đó, ấu trùng tôm dễ dàng nhiễm virus ngay từ giai đoạn sớm. Việc xét nghiệm tôm giống âm tính với virus đốm trắng trước khi thả nuôi là một trong những mắt xích quan trọng khống chế và hạn chế thiệt hại do bệnh này gây ra. Khi mua con giống nhất thiết phải qua kiểm dịch, xét nghiệm và nên mua tại các cơ sở uy tín để đảm bảo chất lượng. Tôm sú bố mẹ hiện nay chủ yếu vẫn là khai thác từ tự nhiên nên con giống mang mầm bệnh là điều khó tránh khỏi.
Bệnh đốm trắng thường xuất hiện vào mùa xuân hoặc đầu hè, nhất là khi nhiệt độ trong ngày biến động lớn (nhiệt độ biến động giữa ngày và đêm, sáng, chiều…). Trong quá trình chăm sóc, hạn chế việc gây stress cho tôm, khi tôm bị stress sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh này. Quản lý tốt các yếu tố môi trường, khí độc… đồng thời tăng cường dinh dưỡng cho tôm nhất là vào những thời điểm giao mùa hoặc có mưa nắng thất thường, kéo dài. Sử dụng chế phẩm sinh học để duy trì môi trường ao nuôi, sử dụng vitamin C, men vi sinh trộn vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm nuôi là một lựa chọn có hiệu quả. Tuyệt đối không sử dụng thức ăn tươi sống cho tôm ăn vì đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh tiềm tàng. Thực hiện an toàn sinh học trong suốt quá trình nuôi như sử dụng lưới ngăn chim, rào ngăn động vật sẽ giúp hạn chế lây lan dịch bệnh từ vùng này đến vùng khác hoặc từ ao nuôi này sang ao nuôi khác. Trong trường hợp ao tôm bị đốm trắng, thực hiện các biện pháp cách ly ngay.