Biện pháp kỹ thuật phòng chống nắng nóng cho tôm cá
Để chủ động phòng bệnh cho các đối tượng thủy sản trong ao nuôi, đảm bảo năng suất, tốc độ tăng trưởng bà con cần chủ động áp dụng một số biện pháp kỹ thuật phòng chống nắng nóng như sau:
1. Đối với ao nuôi tôm:
* Các ao nuôi tôm đang phát triển.
- Cho tôm ăn thức ăn đảm bảo chất lượng, không bị ẩm mốc và hạn chế lượng thức ăn dư thừa trong ao nuôi. Trong thời gian thời tiết nắng nóng nên giảm lượng thức ăn hàng ngày chỉ cho ăn 60- 70% lượng thức ăn so với bình thường.
- Bổ sung các Vitamin C, khoáng, men vi sinh đường ruột, chất bổ gan, nhằm tăng sức đề kháng cho tôm.
- Có nguồn nước dự trữ trong ao chứa để cấp nước vào ao nuôi khi cần thiết để duy trì độ sâu và giảm độ mặn nước ao nuôi. Lưu ý nên cấp nước vào ban đêm, tránh cấp nước vào ban ngày làm cho tảo phát triển mạnh.
- Duy trì mực nước thấp nhất từ 1,4 - 1,5 m, đồng thời tăng thời gian quạt nước ao nuôi 24/24h để tăng hàm lượng Ôxy và tránh hiện tượng phân tầng nước trong ao.
- Quản lý khí độc NH3, H2S trong ao nuôi: để hạn chế khí độc trong ao nuôi cần quản lý độ pH ổn định, định kỳ dùng men vi sinh xử lý đáy ao và siphông loại thải các chất thải ra ngoài, xử lý đảm bảo đúng quy định.
- Kiểm soát tảo: Trong quá trình nuôi không để màu nước quá đậm, duy trì độ trong 30 – 35 cm. Vì vậy, cần có chế độ cho ăn hợp lý nhằm hạn chế lượng chất thải trong ao nuôi. Trường hợp tảo phát triển mạnh nên thay một phần nước vào ban đêm (nếu có nguồn nước đảm bảo) hoặc dùng vôi CaCO3 liều lượng 10kg/1000m3, hòa với nước tạt đều trong ao nuôi, đánh vào ban đêm (từ 20 – 22 h) liên tục trong thời gian 3 đêm để diệt bớt tảo, sau đó dùng chế phẩm sinh học làm ổn định môi trường đáy ao nuôi.
* Các ao nuôi tôm đạt kích cỡ thương phẩm hoặc bị bệnh.
- Đối với các ao nuôi tôm đạt kích cỡ thương phẩm cần tiến hành thu hoạch.
- Đối với những ao nuôi tôm có biểu hiện bất khác thường, hoặc nghi tôm bị bệnh phải báo ngay với cán bộ thú y xã, UBND xã, HTX, tổ cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, từ đó có phương án xử lý và phòng bệnh hiệu quả hơn.
2. Đối với ao nuôi cá:
- Luôn giữ mực nước khoảng 1,5 - 2m
- Cho cá ăn vào sáng sớm và chiều mát; giảm từ 5-10% lượng thức ăn cho cá ăn vào những ngày nắng nóng; Cho ăn đủ lượng, đủ chất, bổ sung men tiêu hóa tăng cường bổ sung VitaminC để tăng sức đề kháng cho cá.
- Nên có các khung bèo hoa dâu khoảng 1/4 -1/3 diện tích ao nuôi làm nơi trú nắng cho cá.
- Tuyệt đối không xả thải phân chuồng trực tiếp xuống ao nuôi; hạn chế kéo cá để tránh xây xát, gây bệnh cho cá.
- Định kỳ 1 tháng/lần, sử dụng các loại thuốc diệt khuẩn trong môi trường ao nuôi.
- Nắng nóng kéo dài, cường độ chiếu sáng trong ngày lớn làm tảo phát triển mạnh gây nên hiện tượng "tảo nở hoa " trong ao nuôi dẫn đến hiện tượng cá nổi đầu về đêm và sáng sớm. Đặc biệt sau các cơn mưa tảo chết hàng loạt làm biến đổi các yếu tố lý hóa của môi trường gây ảnh hưởng lớn đến sức đề kháng và khả năng nhiễm bệnh của động vật thủy sản.
Để hạn chế tác hại của hiện tượng " tảo nở hoa" người nuôi cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật sau:
+ Bón vôi nông nghiệp, xung quanh bờ ao trước khi mưa với lượng khoảng 10 - 15kg/ha. Nếu mưa lâu nên xả bớt nước ở tầng mặt.
+ Nếu ao nuôi có độ trong < 30cm và có màu không ổn định nên tiến hành bón men vi sinh nhằm hạn chế chất hữu cơ trong nước ngăn ngừa sự phát triển của tảo.
+ Thường xuyên quan sát ao nuôi vào lúc nửa đêm và sáng sớm, nếu thấy hiện tượng nổi đầu tiến hành dùng quạt nước, thuyền tạo sóng...đồng thời thay 30% lượng nước trong ao.
Trên đây là một số biện pháp hướng dẫn về cách phòng và quản lý môi trường ao nuôi trong mùa nắng nóng, khuyến cáo bà con áp dụng nhằm giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả cho nghề nuôi.