TIN THỦY SẢN

Bình Định: Cá voi lớn xuất hiện, săn mồi ở biển Nhơn Lý

Cá voi lớn xuất hiện tại biển Nhơn Lý Ái Trinh

Chiều ngày 5.6, tại khu vực biển Hòn Sẹo xã Nhơn Lý ( TP Quy Nhơn) xuất hiện một con cá voi có kích thước khoảng 10 m, ước nặng hơn 7 tấn.

Ông Lê Tư, sinh năm 1968, ngư dân làm nghề vây rút tủ là một trong những ngư dân đầu tiên phát hiện cá voi cho biết, vào lúc 5 giờ chiều, ngày 5.6, ghe của ông đang đậu ngoài đầu đảo hòn Sẹo (hòn Sẹo có 2 khu vực: đầu Sẹo mặt hướng bắc và đuôi Sẹo mặt hướng đông nam) để chờ luồng cá nục, cá cơm thì bắt gặp cá voi ( cá Ông) xuất hiện. “Lúc đầu một số bạn thuyền thấy nhấp nhô lưng cá thì tưởng là tàu ngầm, nhưng khi thấy cá dựng đầu lên, há mỏ thẳng đứng lên trời, hàm dưới nằm ngang theo hình chữ L để hút những đàn cá nhỏ, thì biết đó là cá Ông ( đã từng xem trên ti vi khi xuất hiện ở biển Đề Gi). Cá chỉ xuất hiện tầm 3 đến 5 phút, sau đó di chuyển ra Hòn Cân”. 

Ông Tư cho biết thêm, ở bãi biển Nhơn Lý thì thường xuất hiện cá nhám voi  (ngư dân quen gọi cá voi sứa, thuộc loài cá mập), nhưng cá voi như trên là lần đầu tiên ông nhìn thấy tại biển Nhơn Lý. 

Cá voi thường xuất hiện tại khu vực biển này

Được biết liên tiếp 2 năm 2022, 2023 vào tháng 7, 8 tại khu vực biển Đề Gi, Phù Cát xuất hiện loài cá voi Balaenoptera edeni, tên thường gọi là cá voi Bryde. Cá voi Bryde là loài cá voi nhỏ, loài này tương đối phổ biến ở khu vực Đông Nam Á, thuộc họ Balaenopteridae, con đực có kích thước từ 12 đến 13 m, trong khi con cái lớn hơn một chút, từ 13 đến 14 m. Cả hai giới đều nặng từ 13.6 tấn đến 15 tấn. Cá voi Bryde sống ở vùng nước ấm của đại dương, với nhiệt độ dao động từ 15 đến 200 C. Chúng là sinh vật sống ven biển và sống nổi thường đi theo nguồn thức ăn của chúng. Thức ăn của cá voi Bryde tương đối đa dạng, bao gồm các loài cá nhỏ thường đi theo đàn, phiêu sinh vật, cũng như các loài giáp xác có kích thước nhỏ. Hiện nay ở biển Nhơn Lý, đang mùa gió nam, nên các loài cá nhỏ như :cá phèn, cá nục, cá tai nhỏ, cá giò... rất nhiều. 

Cá voi săn mồi

Cá voi Bryde loài động vật hoang dã quý hiếm thuộc Phụ lục I của Công ước CITES cấm buôn bán vận chuyển quốc tế; Công ước về Bảo tồn các loài di cư của động vật hoang dã CMS;  Thuộc Bậc VU một taxon được coi là sẽ nguy cấp khi chưa phải là rất nguy cấp hoặc nguy cấp nhưng đang đứng trước một nguy cơ lớn sẽ bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên trong một tương lai tương đối gần theo Quyết định 82/2008/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công bố danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển. 

Sự xuất hiện của cá voi gần bờ tại Bình Định là điều rất đáng mừng, là một tín hiệu tích cực, cho thấy môi trường biển gần bờ của Bình Định được cải thiện, có nhiều thức ăn. Sự xuất hiện của cá voi là niềm vui không chỉ riêng cộng đồng dân cư tỉnh Bình Định và mà là niềm vui chung của người dân cả nước Việt Nam. Nếu được quản lý bảo vệ tốt, cá voi quay lại thường xuyên hằng năm tại Bình Định, là một điều rất tuyệt vời để du lịch địa phương phát triển một cách bền vững. 

Ái Trinh