Bình Định: Chủ động giảm thiểu tổn thất nuôi trồng thuỷ sản mùa mưa bão
Theo Bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng, thuỷ văn, thời hạn mùa khu vực tỉnh Bình Định từ tháng 9/2023 đến tháng 02/2024 của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Định số KTHM-04/17h00/BDIN.
Ngày 15/8/2023 dự báo từ nay đến hết năm 2023 số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 05 - 07 cơn bão/ATNĐ, trong đó có khoảng 02 - 03 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta và khu vực Bình Định có khả năng ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp khoảng 01 - 02 cơn.
Để chủ động ứng phó với mùa mưa bão, lũ lụt năm 2023, nhằm giảm thiểu tổn thất về cơ sở vật chất và sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản, Chi cục Thủy sản yêu cầu các nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh thực hiện một số biện pháp sau:
Đối với nuôi trồng thủy sản nước lợ
- Vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến thân thiện môi trường, nuôi theo hình thức đánh tỉa thả bù, người nuôi cần khẩn trương thu hoạch các sản phẩm tôm, cua, cá,… để tránh thất thoát sản phẩm trước khi mưa bão, lũ lụt xảy ra.
- Vùng nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh trong vùng đầm, người nuôi thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết, kiểm tra hoạt động của tôm nuôi và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát sản phẩm.
- Vùng nuôi tôm trên cát: Thường xuyên kiểm tra hoạt động của tôm nuôi và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời, tích cực áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho tôm khi thời tiết thay đổi bất thường. Khi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão từ biển đổ vào, người nuôi chú trọng việc củng cố ao nuôi vững chắc, chủ động nguồn nước phục vụ cho sản xuất.
Đối với nuôi trồng thủy sản nước mặn
- Đối với nuôi thủy sản lồng bè trên biển tại phường Ghềnh Ráng, xã Nhơn Hải, xã Nhơn Châu thành phố Quy Nhơn; xã Mỹ Thành huyện Phù Mỹ… cần tiến hành thu hoạch trước mùa mưa bão nếu cá, tôm đạt kích cỡ thu hoạch. Khi bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ cần tăng cường hệ thống dây neo chằng bảo vệ bè canh, lồng nuôi hoặc có thể di chuyển lồng bè vào nơi không bị ảnh hưởng nước ngọt, dòng chảy nhẹ để tránh khi bão gió lớn xô đẩy làm vỡ lồng, bè.
- Kiểm tra lại lồng bè, tu sửa lại những nơi xung yếu, vệ sinh tẩy dọn lại lồng sạch sẽ, thoát nước nhanh. Khi sóng to, gió lớn cần củng cố lại các dây neo, liên kết và kéo lồng nuôi xuống sát đáy để hạn chế ảnh hưởng vật nuôi. Khi thời tiết xấu, mưa to gió lớn, tuyệt đối không để người tại bè nuôi.
Đối với nuôi trồng thủy sản nước ngọt
- Đối với nuôi cá lồng hồ chứa: người nuôi cần tiến hành thu hoạch trước mùa mưa bão nếu cá đảm bảo về kích cỡ thương phẩm. Trong trường hợp không thể thu hoạch người nuôi nên thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, mực nước trên sông và tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động đối phó bảo vệ thủy sản một cách có hiệu quả.
Kiểm tra tu sửa lại những nơi xung yếu lồng bè, vệ sinh tẩy dọn lại lồng sạch sẽ, thoát nước nhanh, củng cố lại các dây neo, di chuyển lồng, bè vào những nơi kín gió, dòng chảy nhẹ để tránh làm vỡ lồng, bè. Người nuôi nên chú ý tình trạng cây, gỗ do dòng nước lũ cuốn trôi làm hư hỏng lồng bè, thất thoát sản phẩm. Khi thời tiết xấu, mưa to gió lớn, tuyệt đối không để người tại bè nuôi.
- Đối với ao nuôi cá cần khẩn trương thu hoạch, tránh thất thoát sản phẩm khi bão, lũ xảy ra. Đối với những ao chưa thu hoạch, ít bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ lụt, cần củng cố và kiểm tra các bờ ao, cống, tránh rò rỉ, nước tràn bờ. Cần phát quang cây xung quanh bờ đê, để tránh cành lá rơi vào ao làm ô nhiễm ao nuôi và đề phòng khi có gió lớn cây đổ có thể làm vỡ đê bao sẽ làm thất thoát cá. Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, có kế hoạch thu hoạch sản phẩm trước khi có bão.