TIN THỦY SẢN

Bình Định: Hội thảo nuôi tôm thẻ ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc

Ao nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh minh họa: Tepbac NTN

Trong vài năm trở lại đây, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã và đang triển khai xây dựng mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc” trên địa bàn toàn tỉnh.

Nhờ áp dụng công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng, nhiều hộ nuôi tôm đã nuôi thành công, tỷ lệ sống của tôm đạt trên 90% và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trước đây.

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã tổ chức chương trình gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với nông dân để bàn về các giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi tôm bằng công nghệ Semi-Biofloc. Tham dự chương trình có sự tham gia của các đại biểu đến từ Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và PTNT cùng 140 hộ nuôi tôm trên 02 địa bàn thị xã Hoài Nhơn và huyện Phù Mỹ.

Tại các buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, các đại biểu và người nuôi tôm đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ Semi-Biofloc, các giải pháp kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, vấn đề được người nuôi tôm quan tâm nhất là vấn đề dịch bệnh, biện pháp hạn chế rủi ro do dịch bệnh. Các đại biểu cũng đã tư vấn, giải đáp thắc mắc vấn đề này.

Theo đó, công nghệ Semi-Biofloc giúp ổn định môi trường nước bằng công nghệ ủ men vi sinh kết hợp với mật rỉ đường để đưa vào ao nuôi. Việc áp dụng tốt công nghệ Semi-Biofloc có thể hạn chế 80% dịch bệnh so với cách nuôi trước đây. Ngoài ra, với công nghệ nuôi mới này, người nuôi có thể hạn chế sử dụng hoặc không sử dụng kháng sinh trong mỗi vụ nuôi. Qua đó, người nuôi giảm được chi phí sản xuất, kiểm soát tốt dư lượng kháng sinh trong con tôm thương phẩm, nâng cao được giá thành sản phầm.


Đối thoại 2 chiều giữa các đại biểu và người nuôi tôm. Ảnh: NTN

Qua việc đối thoại trực tiếp, người nuôi tôm đã nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nói chung, cũng như việc áp dụng công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng nói riêng.

Tuy nhiên để triển khai vào thực tế, người nuôi tôm cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền cũng như sự hỗ trợ kỹ thuật và đặc biệt nguồn vốn để đầu tư sản xuất. Đồng thời, các cấp ban ngành cần định hướng người nuôi tôm theo liên kết chuỗi sản xuất, kết nối với các doanh nghiệp trong việc mua con giống tốt, thức ăn và tiêu thụ sản phẩm./.  

NTN