TIN THỦY SẢN

Bình Định: Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào ngành thủy sản

Vùng nuôi tôm công nghệ cao tại xã Mỹ Thành được Tập đoàn Việt - Úc xây dựng khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao. Phạm Tiến Sỹ

Mới đây, UBND tỉnh Bình Đinh đã tổ chức hội thảo giới thiệu tiềm năng thủy sản và kêu gọi các DN đầu tư vào lĩnh vực này, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Mời gọi đầu tư phát triển kinh tế biển

Tại hội thảo giới thiệu tiềm năng thủy sản và nuôi tôm công nghệ cao do UBND tỉnh vừa tổ chức tại TP Quy Nhơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu khẳng định tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biến theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Để đảm bảo mục tiêu trên, tỉnh mong muốn các DN đến tìm hiểu và đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá; nhà máy chế biến, đông lạnh, đóng hộp cá ngừ và thủy sản khác;  nâng cấp hạ tầng khu neo đậu trú tránh bão Tam Quan Bắc; xây dựng Trung tâm bán đấu giá cá ngừ theo tiêu chuẩn quốc tế tại TP Quy Nhơn. Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các DN đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng chủ đề của hội thảo sát với chủ trương, định hướng của Chính phủ và Bộ NN&PTNT, đồng thời cam kết hỗ trợ tỉnh ta thực hiện các dự án liên quan đến lĩnh vực thủy sản.

Nhiều hoạt động thiết thực

Hiện toàn tỉnh có 6.245 tàu cá, trong đó có 3.649 công suất từ 90 CV trở lên chuyên khai thác thủy sản xa bờ. Sản lượng thủy sản khai thác 7 tháng đầu năm 2018 đạt trên 141.330 tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá tại các địa phương được đầu tư phát triển. Các cảng cá, bến cá đã được Nhà nước đầu tư khá hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân neo đậu và bán sản phẩm, chuẩn bị “tổn” để ra khơi. Toàn tỉnh có 7 cơ sở đóng tàu thuyền, năng lực đóng 100 tàu/năm; hơn 100 cơ sở cung ứng vật tư nghề cá; 23 cơ sở, DN chuyên thu mua, chế biến thủy sản tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước.

Tỉnh cũng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm tại Tuy Phước, Hoài Nhơn, Phù Mỹ; xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi tôm an toàn sinh học, đa dạng hóa phương thức và loại thủy sản thả nuôi, gắn với quản lý dịch hại, đảm bảo hiệu quả nuôi tôm tại các địa phương. Đồng thời, quy hoạch vùng nuôi tôm công nghệ cao tại xã Mỹ Thành (Phù Mỹ), diện tích 460 ha, trong đó có 300 ha đang được Tập đoàn Việt - Úc sử dụng để xây dựng khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao. Vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại xã Cát Thành (Phù Cát), diện tích 150 ha cũng đang được 6 DN triển khai các dự án. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 7 tháng đầu năm 2018 đạt 4.862 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ.

Công tác bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của thủy sản ven bờ, gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác bền vững, giữ gìn đa dạng sinh học cũng được chú trọng. Toàn tỉnh có 32/32 xã, phường ven đầm, ven biển đăng ký tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản”. Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương và các tổ cộng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản tuyên truyền ngư dân chấp hành tốt các quy định về quản lý nguồn lợi biển, khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ các rạn san hô, các bãi sinh sản nhằm phục hồi và phát triển nguồn lợi, phát triển đa dạng sinh học trên đầm Trà Ổ, đầm Thị Nại và vịnh Quy Nhơn.

Phạm Tiến Sỹ Báo Bình Định