Bước phát triển mới của thủy sản Ninh Bình
Ninh Bình với đủ 3 vùng sinh thái là vùng núi, đồng bằng và ven biển đã tạo ra rất nhiều lợi thế để phát triển một ngành thủy sản toàn diện. 60 năm qua, từ nghề cá nhân dân thủ công, dựa vào khai thác tự nhiên là chính, ngư dân Ninh Bình đã sớm ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại cả trong nuôi trồng, khai thác và chế biến, nhờ đó, thủy sản đã và đang khẳng định được vị trí quan trọng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Giống như sự phát triển chung của ngành thuỷ sản Việt Nam, thuỷ sản Ninh Bình cũng xuất phát từ nghề sản xuất nhỏ, bắt đầu từ việc người dân ven sông, ven biển đánh bắt thủy sản bằng những công cụ thô sơ. Sau đó, bắt đầu hình thành một vài khu vực nuôi tập trung với những tổ hợp, hợp tác xã sản xuất thủy sản đầu tiên ở thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Giai đoạn từ năm 1992 – 2013, nghề thủy sản Ninh Bình đã dần được tổ chức và sắp xếp lại, hệ thống quản lý đã đi vào một mối, tạo đà cho sản xuất phát triển. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2013 đến nay là quá trình tăng trưởng phát triển liên tục của ngành trên mọi lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu và dịch vụ hậu cần nghề cá.
Trong nuôi trồng, hiện tỉnh ta đã phát triển đa dạng các đối tượng, hình thức nuôi trên cả ba loại hình mặt nước: Mặn, lợ và ngọt. Trong đó tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao là những đối tượng nuôi chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều ngư dân. Năng suất ngao nuôi trung bình đạt 35 tấn/ha; nhiều mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo các công nghệ mới đạt năng suất 100 tấn/ha/vụ (3-4 vụ/năm).
Công tác quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung được thực hiện theo quy định, làm cơ sở cung cấp thông tin, cảnh báo cho người nuôi trồng thủy sản chủ động các biện pháp giảm thiểu các rủi ro do môi trường, thời tiết gây ra. Kết quả: Diện tích nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh đã tăng từ 10 nghìn ha năm 2010 lên trên 13 nghìn ha năm 2018 (tăng 1,3 lần), kéo theo đó là sản lượng nuôi trồng thuỷ sản tăng từ gần 20 nghìn tấn năm 2010 lên trên 44 nghìn tấn năm 2018.
Về khai thác, đến nay, cơ cấu tàu thuyền đã chuyển dịch theo hướng tăng phương tiện khai thác xa bờ, giảm phương tiện khai thác gần bờ; áp dụng cơ giới hóa để khai thác các đối tượng thuỷ hải sản có giá trị kinh tế cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm. Các chính sách hỗ trợ khai thác thủy sản của Trung ương và của tỉnh đã khuyến khích, động viên ngư dân trong tỉnh đầu tư đóng mới nhiều tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần.
Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 111 tàu cá, trong đó có 38 chiếc tàu có chiều dài trên 15m hoạt động vùng khơi, 27 chiếc tàu có chiều dài từ 12 đến 15 m hoạt động vùng lộng và còn lại 46 chiếc tàu có chiều dài dưới 12m hoạt động vùng ven bờ. Đã có 9 tổ đội, 2 hợp tác xã khai thác hải sản được thành lập, qua đó hỗ trợ giúp nhau đánh bắt thuỷ hải sản trên các vùng biển xa. Sự hiện diện của tàu cá và ngư dân Ninh Bình trên biển đã góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Về sản xuất giống, toàn tỉnh hiện có 86 cơ sở sản xuất giống thủy sản (1 cơ sở sản xuất giống nước ngọt, 85 cơ sở sản xuất giống mặn, lợ), nhiều cơ sở sản xuất giống thuỷ sản trong tỉnh đã làm chủ được quy trình công nghệ sinh sản các đối tượng thuỷ sản có giá trị như: ngao, hầu, cua, cá chép, cá bống bớp,... đáp ứng một phần nhu cầu về con giống cho nuôi thương phẩm của người dân trong tỉnh.
Về chế biến thuỷ sản, chúng ta cũng có bước phát triển khá, với một số cơ sở chế biến thuỷ sản có quy mô lớn, áp dụng quy trình công nghệ mới, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản của Ninh Bình.
Năm 2018, thủy sản Ninh Bình đạt sản lượng 51.020 tấn (tăng 2,1 lần so với năm 2010); đạt 1.401,6 tỷ đồng về giá trị (tăng 87,2% so với 2010), đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.
Với những kết quả đạt được và trên những nền tảng sẵn có, thủy sản Ninh Bình có nhiều thuận lợi để tiếp cận và vận dụng được những cơ hội lớn để nâng tầm vị thế của mình. Đó là thành tựu tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng lớn mang đến những ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao sản lượng, giá trị; thị trường tiêu thụ thủy sản trong và ngoài nước rộng mở, …
Tuy nhiên, bên cạnh đó, thủy sản cũng đối mặt với không ít thách thức do mức độ và tần suất chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh ngày càng tăng. Ngoài ra, hiện nay, 80% số lượng giống thuỷ sản các đối tượng chủ lực phải nhập về từ các tỉnh ngoài. Người dân thiếu vốn đầu tư, chưa mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ mới vào nuôi trồng, khai thác thủy sản.
Nhận thức của một bộ phận cộng đồng dân cư về khai thác, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản chưa cao nên hiện tượng khai thác thủy sản không đúng kích cỡ, sử dụng xung điện, sử dụng lưới có kích thước mắt nhỏ dưới quy định, khai thác không đúng vùng, đúng tuyến, đánh bắt các loài thuỷ sản bị cấm khai thác...vẫn còn xảy ra.
Ông Tạ Văn Giáp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT chia sẻ: Nhìn lại chặng đường đã qua, ngành Thủy sản Ninh Bình có thể tự hào về những gì mà mình đã đạt được. Với những kết quả và nền tảng sẵn có, trên chặng đường tiếp theo, ngành sẽ tiếp tục phấn đấu để có những bước tiến ấn tượng hơn nữa.
Trong đó, giải pháp được đưa ra là tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chủ động giám sát thông số môi trường, dịch bệnh vùng nuôi, tạo ra các vùng nuôi an toàn; đưa giống mới ưu việt và quy trình sản xuất chuẩn vào sản xuất nhằm đẩy năng suất nuôi trồng lên, đồng thời tạo ra những sản phẩm thủy sản chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.