Buổi sáng ở làng biển Phước Ðồng
Người dân làng Phước Ðồng (xã An Hải, huyện Tuy An) sống bằng nghề biển. Dù lúc được mùa hay khi ít tôm cá thì họ vẫn luôn bám biển, nở nụ cười tự tin, hiền hòa mà vui sống.
LÀNG “THÂM CANH” NGHỀ LƯỚI DẦM
Phước Đồng nằm gần trung tâm xã, là một làng biển có truyền thống từ lâu đời. Nơi đây được xem là nguồn cung cấp nhiều loại hải sản tươi ngon như các loại cá, mực, tôm, chình… cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngư dân trong làng bên cạnh hành nghề lưới cản, lưới rút, câu, lưới cước, còn làm thêm nghề lưới dầm. Anh Nguyễn Mười (46 tuổi) từng có hơn 20 năm đi biển, cho biết: “Tôi làm nghề đi mành tôm hùm và lưới cước là chính nhưng cũng “thâm canh” thêm nghề lưới dầm để tăng thu nhập. Ở Phước Đồng, cách làm này đã có từ lâu và cũng là điểm khác so với các làng biển khác”. Cũng theo ngư dân Nguyễn Mười, lưới dầm là loại lưới đánh rồi ngâm qua đêm, sáng hôm sau mới kéo. Cụ thể, chiều hôm trước, trước khi đi khơi đánh lưới cản, lưới cước, câu đêm, ngư dân dùng thuyền nhỏ ra khơi thả lưới dầm rồi về lên tàu lớn ra biển. Sáng hôm sau, khi tàu cập bờ, họ tranh thủ ăn sáng rồi chạy thuyền máy nhỏ ra thâu những tấm lưới đã ngâm đêm qua dính đầy các loại cá.
Vì thế mỗi sáng, lúc nào ở Phước Đồng người cũng rộn rịp, nhất là những khi biển được mùa. Khi ấy, những chiếc thuyền lớn đậu bên ngoài, phía trong là những chiếc ghe nhỏ hơn với xuồng máy và trong cùng dày đặc những chiếc thúng chai. Người gỡ, người vận chuyển cá lên bờ và rất nhiều người đến đây mua sỉ cá mang đi các nơi tiêu thụ. Ngư dân Võ Thái Minh (49 tuổi) đã hơn 15 năm gắn bó với biển, nói: “Ở đây không có đất sản xuất, từ mùa này sang mùa khác đều phải mưu sinh từ biển nên dù có được mùa hay mất mùa, chúng tôi cũng xem biển là máu thịt của mình. Chỉ mong biển đừng ô nhiễm và tôm cá được mùa được giá thì chắc chắn đời sống sẽ khá hơn”.
NHỮNG NỤ CƯỜI DỄ MẾN
Ở Phước Đồng, chồng và con trai đi biển, vợ và con gái ở nhà lo nội trợ gia đình, vá lưới, chuẩn bị gỡ cá khi ghe vào rồi mang cá đi chợ bán là công việc thường nhật. Trong số hàng trăm người gỡ cá, thâu lưới ngoài bãi biển có đến 50% là phụ nữ. Chị Lê Thị Bé, vợ anh Mười, hai tay nhanh nhẹn gỡ cá, miệng trò chuyện vui vẻ và trên khuôn mặt luôn nở nụ cười tươi. Chị chia sẻ: “Ở biển, ngoài việc nhà ai nấy làm nghề thì chúng tôi còn sống với nhau bằng tình nghĩa. Chị em trao qua tặng lại con cá ngon, mớ mực tươi là chuyện bình thường. Trong làng không có sự đố kỵ theo kiểu nhà người ta có, nhà mình không rồi sinh ra ganh ghét, hờn giận”. Chị Trần Thị Bảy, 48 tuổi, vợ ngư dân Võ Thái Minh, giãi bày: “Hộ này phụ giúp hộ kia khi mình rảnh rỗi là một việc nên làm. Có qua có lại mới gọi là tình làng nghĩa xóm đoàn kết chứ”.
Một điều đáng ghi nhận khi đến Phước Đồng vào buổi sáng là tất cả ngư dân đều vui vẻ, thân thiện khi thấy có người từ nơi khác đến tham quan, tìm hiểu nghề biển quê mình. Thấy chúng tôi từ xa, nhà này giơ tay í ới, gia đình kia gọi sang chụp hình quay phim rất khí thế. Không phải vì họ thích làm quen để nổi tiếng, cũng không phải vì khao khát được chụp hình, quay phim mà trong sâu thẳm là tấm lòng hiếu khách đôn hậu. Khi trò chuyện, họ không than thở bất cứ điều gì về khó khăn trong cuộc sống gia đình, việc học hành của con cháu… mà ngược lại tất cả đều vui vẻ, hồ hởi. Bà Lê Thị Hiệp (50 tuổi) đang ngồi sắp lại mấy con tôm tít trong rổ, cho hay: “Năm nay, biển khá hơn mấy năm trước nhưng giá cả thì vẫn bình thường. Như vậy, chúng tôi cũng mừng rồi chứ mình ước muốn quá mức thì cũng không được”.
Đến Phước Đồng vào buổi sáng, khách sẽ dễ dàng tìm được hải sản tươi chính hiệu. Nếu muốn mua thì những người phụ nữ ở đây sẵn sàng tư vấn để khách chọn những loại tươi ngon với giá cả rất “hữu nghị”. Bà Hiệp lấy mớ mực, tôm tít tươi vừa lựa ra để mang về cho cả nhà ăn buổi trưa, dúi vào tay tôi, cười: Anh đưa đây 20.000 đồng là đủ rồi…