TIN THỦY SẢN

Cá cảnh Trung Quốc bao vây làng nghề Yên Phụ

Nhà ông Lại Văn Hồng là một trong số ít gia đình còn giữ bể cá như thế này MAI ANH

Từng được coi là đầu mối phân phối cá cảnh không chỉ của Hà Nội mà nhiều tỉnh phía Bắc, làng nuôi cá cảnh Yên Phụ (Hà Nội) chỉ còn lác đác vài hộ giữ nghề. Phần lớn các cửa hàng chuyển sang nhập cá từ các nơi như Hồng Kông - Trung Quốc… về để bán kiếm lời.

“Nuôi cá như chăm con mọn”

Đó là tâm sự của bà Phan Thị Thoa, một trong những hộ gia đình nuôi cá cảnh còn sót lại ở làng Yên Phụ. Cứ mỗi sáng, bà phải dậy sớm mua giun hoặc vớt hồng trần (loại sinh vật nhỏ li ti, màu hồng) ở ao, hồ để làm thức ăn cho cá con. Người nuôi cá phải nắm được quy trình sinh sản của cá để có chế độ ăn phù hợp cho cá. Khi cá mới nở phải cho ăn loại bột cực mịn rồi theo dõi sự trưởng thành để thay đổi loại thức ăn. Mỗi loại cá như cá vàng, cá thần tiên, cá chọi, cá kiếm, cá bảy màu… phải có chế độ ăn và quy trình sinh sản khác nhau. Đối với loại cá dữ như cá chọi, đến mùa sinh sản tuyệt đối không được để chung một bể mà phải tách riêng.

Cá là loài động vật tương đối nhạy cảm khi thời tiết thay đổi. Gặp những cơn mưa to và dai dẳng, nếu không che đậy bể cá cẩn thận sẽ dễ phát sinh bệnh. Tương tự trong mùa đông phải có hệ thống đèn sưởi chống rét. Người nuôi cá kinh nghiệm nhìn vào nước để xem tình trạng của cá. Nước mà nhớt, chuyển sang màu trắng đục là cá có bệnh. Có một vài trường hợp nước không chuyển màu, người nuôi cá thấy nước có mùi bất thường mới phát hiện ra và thay nước. Cá sống trong cùng một môi trường nên rất dễ lây nhiễm, nếu không cách ly thì bệnh sẽ lan sang cả đàn. Bà Thoa cho biết, sau một trận mưa, gia đình bà phải kiểm tra và pha thuốc để tránh cho cá bị nhiễm lạnh hoặc mắc những chứng bệnh như nấm, thối vây… Cũng vì nuôi cá vất vả nên không ít người dân trong làng đã bỏ nghề, chuyển sang cho thuê đất hoặc buôn cá ngoại.

Ngại rủi ro, thi nhau… nhập cá

Nếu như làng Yên Phụ xưa kia là trung gian điều phối cá cảnh cho Hà Nội và các địa phương phía Bắc thì hiện nay, thay vì tự nuôi, hầu hết các hộ dân trong làng phải đi nhập cá từ nhiều nơi như Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa… và cả Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… Trong đó, cá có nguồn gốc Hồng Kông - Trung Quốc như cá kiếm, cá đĩa, vạn long, bảy màu, hắc-mô-ni, la hán, ngựa vằn,… chiếm phần lớn với với cả trăm loại. Giá bán buôn một chú cá la hán hay cá rồng có thể lên đến 15 triệu đồng, chưa kể việc trang bị hệ thống máy sưởi và bể nuôi cá kèm theo.

Theo chị Hồ Thanh Thủy, chủ một hộ nuôi cá ở làng Yên Phụ, những loại cá đắt tiền không thể nuôi ở Việt Nam vì không phù hợp thổ nhưỡng, nhưng vì lãi nhiều, nhu cầu của khách cao nên nhiều nhà đã nhập về bán. Không khó để tìm ra những loại cá hình thù kỳ lạ bán tràn lan tại các cửa hàng cá cảnh. Đặc biệt có loại cá Phúc Lộc Thọ có in hình đủ loại chữ Trung Quốc. Hỏi ra mới biết là loại cá này được… xăm chữ lên mình từ khi còn nhỏ và bán cho những người cầu may mắn, phát tài. Theo ông Lại Văn Hồng - người có 30 năm kinh nghiệm nuôi cá cảnh, để giữ màu chữ bền, đẹp, loại cá này phải được tiêm thuốc và trải qua một công nghệ chăm sóc hiện đại mà những người nuôi cá thủ công như ở ta không làm được. Lép vế về chủng loại và độ “sành điệu” trong kĩ thuật “tân trang” cá, cá cảnh ta dần dần mất giá. Những con cá nuôi kỳ công chỉ được bán ra với giá vài nghìn đồng, chẳng thấm vào đâu so với công chăm sóc mà khách chơi cũng không mấy mặn mà. Thú chơi cá chọi từng là niềm say mê của thanh thiếu niên một thời thì giờ cũng chỉ lác đác người đến mua, khiến những người nuôi cá tâm huyết không khỏi  chạnh lòng.


Thú chơi cá chọi dần dần bị chìm vào quên lãng

Thất truyền

Hiện cả làng Yên Phụ chỉ còn 3-4 hộ gia đình nuôi cá. Nhiều gia đình có diện tích đất rộng trước đây đã chuyển hình thức kinh doanh hoặc cho thuê đất. Đối với số ít những người nuôi cá còn sót lại như nhà ông Hồng, thì nuôi cá vì đam mê và duy trì nghề truyền thống, chứ “chỉ trông vào nghề cá thôi thì làm sao sống được”. Cả gia đình ông có gần chục bể lớn nhỏ, với sức chứa mỗi bể lớn xấp xỉ 2.000 con nhưng thu nhập mỗi tháng từ tiền nuôi cá chỉ khoảng 3-4 triệu đồng. Để một con cá “thành chai” phải mất 10 tháng trong khi trung bình mỗi con cá chọi bán ra chỉ khoảng… 13.000 đồng. Những hộ vẫn còn gắn bó với nghề như gia đình chị Thủy thì bên cạnh nuôi cá phải có thêm nghề phụ. Hàng ngày, song song với việc chăm sóc đàn cá chị tranh thủ thổi xôi bán hàng sáng để thêm thu nhập.

Chạy theo cơn sốt kinh doanh cá nhập, không chỉ ở làng Yên Phụ, số hộ nuôi cá ở làng Nghi Tàm, Trích Sài, Ngọc Khánh… chỉ còn rất ít. Nghề nuôi cá đứng trước nguy cơ bị biến mất. Những người nuôi cá lâu năm như ông Lại Văn Hồng cũng không dám chắc những thế hệ tiếp theo còn giữ cái nghề này không: “Chúng tôi nuôi cá nhỏ lẻ, tự sản xuất, làm ra bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Chỉ mong được hỗ trợ kinh phí hay quy định hạn chế nhập khẩu cá tràn lan để có thể tiếp tục theo đuổi nghề”. Không biết bao giờ nghề nuôi cá cảnh mới được vực dậy, người nuôi cá không còn xót xa trước cảnh cá ngoại chiếm lĩnh thị trường ngay trên mảnh đất mà mình gây dựng.

MAI ANH An Ninh Thủ Đô