Cá chết hàng loạt trên sông La Ngà là từ các yếu tố nội tại của vùng nuôi
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, một số chỉ tiêu xét nghiệm nguồn nước sông La Ngà vượt ngưỡng cho phép gấp nhiều lần.
Cụ thể như: BOD: 21,1 mg/l (vượt 3,5 lầTheo báo cáo của Sở NN-PTNT, một số chỉ tiêu xét nghiệm nguồn nước sông La Ngà vượt ngưỡng cho phép gấp nhiều lần n); COD: 31,7mg/l (vượt 2,1 lần); NO2: 0,15mg/l (vượt 3 lần); NH3: 1- 2mg/l (cao hơn tiêu chuẩn quy định là dưới 1).
Theo kết quả xét nghiệm của Chi cục Thủy sản Đồng Nai, đối tượng bị chết nhiều là cá diêu hồng, trong đó chủ yếu là cá có kích cỡ lớn từ 300gr trở lên.
Đây là một đối tượng khá mẫn cảm với điều kiện môi trường không thuận lợi cho sự phát triển của loài, đặc biệt là với sự thay đổi lượng oxy hòa tan hay sự gia tăng của một số khí độc trong môi trường nước nuôi như NO2, NH3, H2S…
Theo ông Phùng Cẩm Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai, tại thời điểm khảo sát, mực nước hồ đã và đang rút xuống khá nhiều, lưu tốc dòng chảy rất chậm, các hộ nuôi neo đậu bè tập trung dày đặc dọc 2 bên sông.
Ông Hà cho biết: “Mật độ nuôi thả giai đoạn nuôi thịt của các hộ dân ở đây khá dày, từ 120 – 150 con/m3, trong khi quy chuẩn cho phép dưới 100 con/m3, cộng với việc rác thải sinh hoạt của các hộ dân sống trên bè thải trực tiếp xuống lòng hồ…, khiến nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ”.
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu xuất hiện những cơn mưa đầu mùa. Thời điểm cá chết vào giai đoạn giao giữa hai mùa nên môi trường nước có những sự thay đổi bất thường không có lợi cho sự phát triển của động vật thủy sinh do ảnh hưởng của sự sốc nhiệt; sự biến động pH làm giảm hệ miễn dịch và sức đề kháng các loài thủy sản…
Theo Sở TN-MT Đồng Nai, về các nguồn thải từ hoạt động công nghiệp đổ vào sông La Ngà, gần khu vực nuôi cá bè có Cty Cổ phần mía đường La Ngà và Cty TNHH AB Mauri Việt Nam.
Tuy nhiên, từ ngày 15/3/2016, Cty Cổ phần mía đường La Ngà đã có văn bản ngừng sản xuất và thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị nên không phát sinh nước thải sản xuất.
Qua đó, chỉ còn Cty TNHH AB Mauri với ngành sản xuất men thực phẩm là còn hoạt động. Đây là đơn vị được liệt vào “danh sách đỏ” về những vi phạm về môi trường thời gian trước đây.
Tuy nhiên, kết quả quan trắc tự động mới đây về chất lượng nước thải của Cty AB Mauri Việt Nam cho thấy đạt quy chuẩn cho phép đối với 4 thông số: màu, pH, TSS, COD. Đồng thời, kết quả thu mẫu nước thải ngày 27/4/2016 có các thông số đều đạt quy chuẩn cho phép.
Lý giải về việc chỉ có vài trăm bè cá nằm tập trung ở gần khu vực cầu La Ngà, nơi gần Cty AB Mauri Việt Nam mới bị chết, còn các bè nằm xa cầu chừng 1 km thì không sao, đại diện Chi cục Thủy sản Đồng Nai nhận định: Các hộ nằm phía trên là thuộc thượng nguồn, còn khu vực cá chết lại nằm ngay vùng trũng, tất cả rác thải, chất độc hại, dòng chảy đều tập trung, dồn ứ ở đây.
Do đó, khu vực này sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Chi cục đã nhiều lần khuyến cáo người dân nên nuôi giãn cách, thả thủy sản với mật độ thưa, đừng tập trung một chỗ nhưng không được.
Như vậy, theo cơ quan chức năng Đồng Nai, việc cá chết hàng loạt trong thời gian qua là từ các yếu tố nội tại của vùng nuôi như mực nước hồ xuống thấp, mật độ bè và cá nuôi dày đặc, dòng chảy chậm, đối tượng nuôi dễ dính bệnh, rác thải sinh hoạt trên bè… và yếu tố biến động thời tiết lúc giao mùa.