TIN THỦY SẢN

Cá chết trên sông Đồng Nai... tại dân: Khẳng định lại

Mộ hô nuôi cá đang vớt cá chết nổi trên mặt sông. Ảnh: Vietnamnet Tú Nhi

Theo người nuôi cá, những phương pháp hướng dẫn của ngành chức năng nhiều khi không phù hợp với từng giờ hoạt động của bè cá.

"Không thấm vào đâu"

Xung quanh những thông tin về nguyên nhân cá bè chết hàng loạt trên sông Đồng Nai, chiều ngày 9/1, chia sẻ với báo Đất Việt, anh Đàm (người nuôi cá bè ở xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết:

"Nếu nói nguyên nhân do khoảng cách giữa các bè quá chật thì cá phải chết hằng ngày, sao đây lại chỉ chết có 2 ngày vừa qua. Theo tôi đây là do thủy triều, vì cách  khu vực nuôi cá chừng 5km có một khu công nghiệp, lúc thủy triều lên dòng nước ở những khu công nghiệp này chảy ra là những lúc cá yếu dần đi rồi chết.

Tôi làm nghề nuôi cá cách đây 20 năm rồi nên tôi để ý thấy năm nào cứ vào những ngày cuối năm Tết âm lịch hay dịp Noel là khu công nghiệp này lại dọn, rửa vệ sinh nên chắc chắn sẽ thải ra nguồn nước rất độc."

Cũng theo anh Đàm: "Không thể đổ tại lỗi cho người dân về việc đổ xác cá xuống hồ nước vì đây là do các hộ nuôi cá họ vớt lên bán mà vẫn còn sót vì người ta vớt nhiều quá, đã quá mệt rồi nên không thể sạch bóng được. Họ cũng muốn bán lắm để gỡ lại tiền vốn nhưng không có người vận chuyển nên mới phải bỏ, nhà lại không có đất, nếu mang hết lên thì ai là người mang đi tiêu hủy."

Anh Đàm cho biết thêm: "Tôi mới được học lớp tập huấn do bên Chi cục thủy sản và Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai hướng dẫn. Mặc dù áp dụng rồi nhưng nhiều khi có những tình huống bất ngờ thì phương pháp hướng dẫn đấy lại không phù hợp trong từng giờ hoạt động của bè cá.

Nhiều năm trước tôi thường trắng tay nên đã rút ra được chút kinh nghiệm nên năm nay tôi đã chuẩn bị bình ô xy, và khi thấy cá ăn ít đi thì mình k cho ăn nữa hoặc cho ăn vừa đủ. Chính vì vậy số lượng cá chết năm nay của gia đình tôi chỉ khoảng vài chục cân"

Có cùng quan điểm trên, anh Sỹ (một hộ nuôi cá khác ở xã Hiệp Hòa) cũng cho rằng: "Sở NN&PTNT và Chi cục thủy sản có tổ chức buổi tập huấn hướng dẫn người chăn nuôi nhưng với trình độ hiểu biết có hạn của người dân mà chỉ hướng dẫn có 1 buổi thì không thấm vào đâu cả.

Chính vì vậy dễ dẫn đến tình trạng người ta nghe tai này bỏ tai kia. Hiện tại, anh em chúng tôi cũng đang tổ chức 1 hợp tác xã chuyên về thủy sản, định chăn nuôi thứ gì để tránh những ô nhiễm môi trường đó sẽ có đội ngũ hướng dẫn cụ thể".

Do người dân chưa áp dụng đúng kỹ thuật

Về vấn đề này, cùng ngày, ông Phan Cẩm Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai cho biết: "Về kỹ thuật chăn nuôi là của trung tâm khuyến nông, tuy nhiên Chi cục cũng thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở bà con về khoảng cách nuôi cá vừa phải và thức ăn thì sử dụng thức ăn viên.

Chi cục hướng dẫn từ lâu rồi vì cá bè chết đã xảy ra nhiều năm chứ không phải bây giờ mới xảy ra. Tuy nhiên, do nhiều hộ dân nuôi cá vẫn nuôi theo kiểu tự nhiên, chưa áp dụng đúng kỹ thuật, có sai sót trong quy trình nuôi nên mới để xảy ra tình trạng cá bè chết hàng loạt như vậy"

Ông Hà cho biết thêm: Nếu nói nguyên nhân cá chết là do mật độ cá quá dày là nói không hết ý vì đây là do phương tiện để nuôi cá nhiều quá thôi.

Như thông tin báo chí đã đưa, hôm 7/1, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai vừa công bố nguyên nhân ban đầu khiến cá bè thuộc khu vực P.Tân Mai và xã Bửu Hòa, TP.Biên Hòa chết hàng loạt.


Nhiều hộ nuôi cá trắng tay do cá chết hàng loạt.

Theo đó, Chi cục Thủy sản Đồng Nai xác định nguyên nhân cá chết là do hàm lượng oxy hòa tan trong nước quá thấp.

Trước đó, Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường (Sở TN-MT Đồng Nai) đã công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước tại khu vực cá chết hàng loạt tại làng bè Hiệp Hòa trên sông Cái.

Bên cạnh đó, vẫn có vài hộ dân thiếu ý thức lại tự ý, tùy tiện vứt xác cá ra sông cho trôi theo dòng nước đi khắp nơi. Theo phản ảnh của người dân, khúc sông đoạn qua Cù Lao Phố (xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) xác cá chết nổi trắng lềnh bềnh, phủ kín mặt sông. Hàng trăm xác cá chết trong mấy ngày qua trương sình, bốc mùi nồng nặc, nước sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Còn theo quan điểm của Sở TN-MT Đồng Nai, cá bè được người dân nuôi với mật độ quá dày, khoảng cách giữa các bè quá chật nên ảnh hưởng đến không gian sống của cá. Đồng thời chế độ ăn uống, kỹ thuật nuôi chủ yếu theo kinh nghiệm tự nhiên chứ không theo một chế độ nhất định.

Tú Nhi Báo Đất Việt, 11/01/2016