Cà Mau: Hiệu quả từ nuôi cá Chẽm
Phá thế độc canh con tôm, tận dụng diện tích ao nuôi quanh nhà, nhiều hộ dân trong tỉnh có thêm nguồn thu nhập từ mô hình nuôi cá chẽm. Thức ăn chế biến từ cá chẽm được ưu chuộng tại các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh; vì thế cá chẽm có giá trị cao về kinh tế.
Cá chẽm là loại cá dữ, nên chúng có thể ăn lẫn nhau, nhất là giai đoạn cá còn nhỏ. Tùy theo kích cỡ, người nuôi phải thường xuyên chuyển cá vào các ao khác nhau để nuôi. Mật độ thích hợp nhất là vào khoảng 4 - 5 ngàn con giống/ha; thời gian cho một vụ nuôi từ 7 - 8 tháng. Ao nuôi có độ sâu 1,5m và bố trí sao cho luôn thay nước được, đảm bảo nước trong ao luôn sạch. Nuôi cá chẽm lãi không cao như tôm nhưng giá ổn định, nguồn cá giống nội tỉnh luôn đủ cung ứng.
Phong trào nuôi cá chẽm ở Cà Mau đang được phát triển mạnh và được nhiều nông hộ nhân rộng. Theo các chủ vựa cá tại thị trấn Đầm Dơi, năm nay giá cá chẽm ổn định và ở mức cao; tuy nhiên nguồn cá chẽm thịt đang khan hiếm, do các tỉnh cần nguồn cá phi lê xuất khẩu rất lớn. Các vựa cá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh đặt hàng với số lượng ngày càng nhiều, đặc biệt là dịp Tết Dương lịch và Lễ Giáng sinh.
Theo anh Võ Văn Tình ở ấp Tân Long, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, sau khoảng 8 tháng thả nuôi bằng hình thức thu hoạch tỉa, anh thu hoạch gần 12 tấn cá thương phẩm. Với giá bán trung bình từ 60 - 100 ngàn đồng/kg, trừ các khoản chi phí, anh lãi hơn 20 triệu đồng. Anh Tình chia sẻ kinh nghiệm: Cá chẽm có tính dữ, vì thế không nên nuôi chung với các loài cá khác, rất dễ gây thất thoát. Cá chẽm ít xảy ra dịch bệnh, thời điểm thích hợp nhất để thả giống là vào đầu mùa mưa. Một tháng đầu sau khi thả giống, là giai đoạn chăm sóc đặc biệt, con giống được vèo trong lưới mùng ở một góc ao. Sau một thời gian cá đủ mạnh thì thả ra ao nuôi, nên thả chà trong ao để tạo bóng râm cho cá cư trú. Thức ăn của các chẽm khá đơn giản, là nguồn cá tạp trong vuông tôm, người nuôi chủ yếu “lấy công làm lời”. Muốn thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của cá nuôi, người nuôi cần bổ sung các loại thức ăn: Tấm, cám, ốc,… nấu thành hỗn hợp cho cá ăn.
Để nghề nuôi cá chẽm thương phẩm bền vững và phát triển trong thời gian tới, thiết nghĩ ngành chức năng cần tiếp tục nghiên cứu và tạo ra giống cá mới thích hợp với môi trường nuôi của tỉnh. Bởi thực tế, cá chẽm chủ yếu sinh trưởng và phát triển ở vùng nước lợ.
Từ mô hình nuôi cá chẽm thương phẩm, nhiều nông dân trong tỉnh có thêm nguồn thu nhập ổn định.