Cà Mau: Huyện Ngọc Hiển phấn đấu sản xuất đạt 6,5 tỉ con tôm giống
Năm 2018,huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau tập trung nâng cao chất lượng 217 cơ sở sản xuấtgiống, phấn đấu cung cấp khoảng 6,5 tỷ con tôm giống, tăng 500 triệu con giốngso với 2017 đáp ứng khoảng 80% nhu cầu giống cho hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện.
Cùng với việc khuyến khích các cơ sở giống nâng cao công suất hoạt động, ngành chuyên môn huyện Ngọc Hiển sẽ thường xuyên kiểm tra về chất lượng tôm giống; hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất giống tập trung đầu tư cơ sở vật chất. Huyện sẽ kiên quyết không cho xuất ra thị trường đối với những lô tôm nhiễm bệnh, xử lý nghiêm đối với các cơ sở cho xuất tôm kém chất lượng,ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản.
Hiện nay, huyện Ngọc Hiển đã hoàn thành đề án đến năm2020, phấn đấu có 85% trại tôm giống trên địa bàn được chứng nhận sản xuất giống đạt tiêu chuẩn sinh thái, mỗi năm sẽ cung cấp khoảng 7 tỷ con tôm giống sạch bệnh, phấn đấu xây dựng được vùng nuôi tôm sạch của tỉnh Cà Mau, được chứng nhận của quốc tế.
Mỹ Xuyên: Hội thảo mô hình liên kết sản xuất lúa ST24 vùng tôm – lúa
Hội thảo do DNTN Hồ Quang Trí phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên, UBND xã Thạnh Quới tổ chức vào sáng ngày 5-1, thu hút đông đảo nông dân vùng tôm – lúa huyện Mỹ Xuyên tham gia.
Theo đánh giá của nông dân, giống lúa ST24 rất thích nghi với vùng tôm – lúa và đến nay, các ruộng lúa ST24 đã vào giai đoạn trổ chín đến thu hoạch, nhưng hầu như chưa phát hiện các dịch bệnh thông thường, như: đạo ôn, đốm vằn, cháy bìa lá, bạc lá… Ước tính, đối với các ruộng ST24 sản xuất theo phương pháp thông thường năng suất lúa tươi bình quân 4,7 – 7 tấn/ha và sản xuất theo quy trình hữu cơ là 3,8 – 6,1 tấn/ha.
Nông dân tham quan ruộng ST24 trên vùng tôm - lúa theo quy trình hữu cơ của hộ ông Phạm Văn Sơn ở xã Thạnh Quới.
Tại hội thảo, đa số nông dân đều đồng tình với hình thức đầu tư lúa giống, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp. Với giá bao tiêu từ đầu vụ là 6.000 đồng/kg đối với lúa sản xuất theo phương pháp thông thường và 7.000 đồng/kg đối với lúa sản xuất theo quy trình hữu cơ, mỗi hécta nông dân lãi hơn 2 triệu đồng. Tuy nhiên, do hiện tại giá lúa đang ở mức cao, nên doanh nghiệp nâng mức giá thu mua lên thêm 500 đồng/kg đối với ruộng gặt tay và 700 đồng/kg đối với ruộng gặt máy.
Theo dự kiến ban đầu, trong vụ mùa trên đất nuôi tôm năm 2017, DNTN Hồ Quang Trí triển khai thực hiện mô hình liên kết đầu tư lúa giống và bao tiêu lúa thương phẩm đối với giống lúa ST24 tại 3 xã vùng tôm – lúa Mỹ Xuyên là: Thạnh Quới, Hòa Tú 1 và Gia Hòa 2, với diện tích 150ha. Tuy nhiên, do đây là giống lúa mới và một số nông dân đã tự để giống từ vụ trước, nên diện tích liên kết chỉ thực hiện được 58,5ha, trong đó, có 9,4ha sản xuất theo quy trình hữu cơ.