Cà Mau: Thăng trầm phận con tôm
Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp được xác định là nhiệm vụ then chốt vực dậy tiềm năng của Cà Mau. Ngoài những kết quả đạt được, một số địa phương vẫn loay hoay để định hình thế mạnh chủ lực, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, hướng tới chuỗi giá trị bền vững. Riêng Đầm Dơi, con tôm được coi là tương lai của nông dân, thế nhưng chặng đường đi đến tương lai thế nào quả thật còn nhiều trăn trở…
Mô hình sản xuất chậm chuyển biến
Đây là nhận định của Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi Nguyễn Quốc Thống. Theo ông Thống, Đầm Dơi xác định rõ con tôm, con cua chính là ngành hàng chủ lực của nền kinh tế nông nghiệp. Khác với một số địa phương, điều kiện Đầm Dơi khó có thể áp dụng các mô hình đa cây, đa con, mà phải tập trung chuyên canh vào những sản vật này. Thực tế trong hơn 62 ngàn héc-ta nuôi trồng thuỷ sản (chưa kể hơn 5 ngàn héc-ta nuôi tôm sinh thái ở các xã ven biển), nuôi tôm quảng canh chiếm tỷ trọng lớn với khoảng 50 ngàn héc-ta.
Đối với các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh (950 ha), nuôi tôm 2 giai đoạn (2.500 ha), dù được khuyến khích phát triển, song khả năng nhân rộng trên thực tế còn chậm. Ông Thống nhận định: “Khó khăn trong việc xây dựng, nhân rộng mô hình có thể thấy rõ. Đó là điều kiện thực tế của người nông dân không phải ai cũng có đủ khả năng thực hiện, áp dụng các mô hình mới. Người dân cần vốn, cần hạ tầng điện, thuỷ lợi, khoa học công nghệ…”. Trong khi đó, giá cả con tôm trồi sụt thất thường, người nuôi tôm theo các mô hình mới chịu những rủi ro khách quan. Cộng với tâm lý ngán ngại, chậm thay đổi thì việc chuyển đổi mô hình sản xuất chắc chắn sẽ không như kỳ vọng.
Dù địa phương Đầm Dơi, trực tiếp là ngành nông nghiệp rất nỗ lực trong việc đồng hành, hỗ trợ nông dân, song cho đến nay, bài toán tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp vẫn còn quá nhiều thách thức. Từng có thời kỳ con tôm theo hình thức nuôi truyền thống, sau này là mô hình công nghiệp, đã làm thay đổi cuộc sống của đại bộ phận người dân. Nhưng ngay sau đó, mô hình sản xuất kiểu “trông trời, trông đất” không còn hữu dụng. Trưởng trạm Khuyến nông huyện Đầm Dơi Thái Quốc Dự cho biết: “Trong Nhân dân, các mô hình mới chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, thói quen sản xuất kiểu cũ, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng người dân vẫn chưa mạnh dạn chuyển đổi mô hình. Từ đó, đời sống người nuôi tôm càng ngày càng khó khăn”.
Thay đổi là tất yếu, nhưng thay đổi thế nào mới là vấn đề. Đã có hiện tượng nông dân có diện tích sản xuất nhỏ phải cầm cố đất đai hoặc từ bỏ đất đai để lựa chọn tìm kiếm cơ hội mưu sinh bằng cách lao động ngoài tỉnh. Theo lời ông Dự, “nếu gia đình có cỡ 10 công đất nuôi tôm theo kiểu cũ, họ sẵn sàng cho mướn lại để đi làm ở Bình Dương. Vì chắc chắn rằng, nuôi tôm không đủ trang trải cuộc sống”. Còn với những người nuôi tôm công nghiệp theo kiểu “ăn may” như ông Lê Văn Tuấn, ấp Tấn Ngọc Đông, xã Ngọc Chánh, sau nhiều mùa thất bát, cái hầm tôm coi như nỗi ám ảnh ghê gớm. Ông Tuấn bộc bạch: “Hết dám thả giống, mua thức ăn, vì cứ nuôi hơn 1 tháng là tôm chết hết”.
Nông dân còn đơn độc
Về Ngọc Chánh, địa phương chuyển dịch cơ cấu vào những năm 2000, con tôm vừa là ân nhân, vừa là đề tài gây nhiều tranh cãi. Ông Sáu Bảo (Chung Kỳ Bảo, ấp Tấn Ngọc Đông) nuôi tôm siêu thâm canh 2 năm qua đúc rút: “Lời cũng có, hiệu quả hơn là cái chắc, nhưng đêm ngủ không ngon giấc”. Người nuôi tôm siêu thâm canh bỏ ra tiền tỷ để đầu tư ban đầu, tỷ lệ thành công cao nhưng chưa chắc đã có lãi. Như năm 2018 và đầu năm 2019, giá tôm trồi sụt liên tục, có lúc xuống rất thấp, người nuôi tôm hoặc cầm cự chờ giá, hoặc phải bán tôm mà lợi nhuận thu về chẳng có là bao, thậm chí phá huề. Cũng theo ông Sáu Bảo, nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp theo kiểu nửa chừng, đào đại cái hầm, thả giống, cho ăn rồi… thất bại liên tục. Có người thề rằng, sẽ không bao giờ đụng tới tôm công nghiệp nữa.
Nuôi tôm 2 giai đoạn là mô hình có thể nói rất phù hợp với nhiều vùng sản xuất của Cà Mau. Toàn xã Ngọc Chánh hiện có 3 hộ thực hiện mô hình này, hiệu quả hết sức tích cực. Gia đình ông Lê Việt Bắc, ấp Nam Chánh, xã Ngọc Chánh nhờ áp dụng cách nuôi mới mà vươn lên khá giả. Ông Bắc tâm sự: “Mình có hầm dèo giống, sau nửa tháng mới thả giống ra vuông, đồng thời xử lý vuông tôm theo hướng cải tiến, năng suất tăng, rủi ro giảm hẳn”. Từ con tôm, con cua, gia đình ông Bắc không chỉ trang trải được nợ nần mà còn có tích luỹ. Ông Bắc tiếc: “Phải chi ở địa phương có nhiều mô hình như vầy bà con chắc đỡ lắm”.
Không chỉ vậy, tôm dèo ở nhà ông Bắc được một số bà con tin tưởng mua về thả nuôi. Sau khi có kết quả thì lượng tôm dèo của gia đình ông Bắc không còn đủ cung cấp cho bà con nữa. Thế nhưng, không ít người dân lân cận vẫn không mảy may quan tâm, không muốn thay đổi cách nuôi tôm của mình. Nói về vấn đề này, ông Bắc thổ lộ: “Vuông của người ta, cuộc sống của người ta, mình làm sao nói nhiều được. Tui giờ chỉ tin cán bộ, tin vào khoa học kỹ thuật. Nói thật, có làm theo mô hình này, tui mới sáng mắt ra, biết rằng nuôi tôm cũng có thể vươn lên khá giàu”.
Cán bộ khuyến nông xã Ngọc Chánh Lê Sơn Ca thông tin: “Mô hình này có hỗ trợ ban đầu cho người dân là hầm dèo, quy trình kỹ thuật. Khó nhân rộng bởi lẽ bà con nhiều người còn nghi ngại, nhiều người nói khó quá, còn một số thì không tin, nói chỉ là hên xui. Trong khi đó, việc hỗ trợ sản xuất ban đầu cho người dân có giới hạn”. Cái gì mới cũng cần thời gian kiểm chứng, với thói quen sản xuất của nông dân bao năm qua, thay đổi không hề dễ dàng. Nhưng ở khía cạnh khác, hình như nông dân vẫn còn đơn độc, chưa được hỗ trợ hoặc chí ít là động viên kịp thời để có lòng tin thử nghiệm cái mới.
Nghĩ cũng lạ, biết bao cuộc trà dư tửu hậu, con tôm là đề tài bàn tán. Người ta sẵn sàng mua một chai thuốc trừ sâu, thậm chí là bao nhiêu thứ kỳ quặc để cho vào vuông tôm với hy vọng những mùa tôm trúng theo “lời đồn”. Còn những mô hình mới, những tiến bộ khoa học kỹ thuật được thông tin từ người có chuyên môn, khi đến tai người dân nhiều khi “bên này lọt qua bên nọ”. Để rồi sau đó họ than thở với nhau “nuôi tôm kiểu này riết rồi lụn bại”. Rõ ràng, thực tế này đến từ nhiều phía, mà chịu trách nhiệm cho cuộc sống của nông dân không ai khác chính là người nông dân. Xem ra, điều cần nhất lúc này chưa chắc là mô hình nào, mà cái chính là phải xây dựng được niềm tin của người dân, thay đổi tư duy và nhận thức của người trực tiếp sản xuất. Mô hình không phải và không thể sinh ra chỉ để thí điểm. Mô hình cần đến với thực tiễn để sinh sôi, phát triển, để chứng thực kết quả và để hướng tới sự đồng thuận, lan toả sâu rộng trong xã hội.
Thân phận con tôm trên đồng đất Đầm Dơi nói riêng và cả Cà Mau nói chung còn đó bao nhiêu trăn trở.